24/11/2012 07:27 GMT+7

Xây trường rồi bỏ hoang

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Dù được xây dựng khang trang và đầy đủ tiện nghi nhưng Trường tiểu học A Dơi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nhiều năm nay vẫn để hoang.

9GRUJrYz.jpgPhóng to
Ảnh: Quốc Nam

Hiện xung quanh trường cỏ dại mọc um tùm, bờ tường loang lổ, cửa đã bị tháo mất, vật dụng phục vụ việc dạy và học cũng không còn (ảnh). Trong khi đó, Trường trung học cơ sở A Dơi cách đó hơn 3km đang bị quá tải và cơ sở đã xuống cấp.

Ông Nguyễn Đức Tuận, trưởng Phòng giáo dục huyện Hướng Hóa, cho biết Trường tiểu học A Dơi được xây dựng để phục vụ việc học của con em gia đình lên làm kinh tế mới, tuy nhiên những hộ này lên được vài tháng thì về lại nên trường không có người học.

UBND xã A Dơi cho biết đang tính đến phương án xin vốn làm lại con đường từ trung tâm xã vào trường này để chuyển bớt học sinh từ Trường trung học cơ sở A Dơi qua. Hiện tại do không có đường nên không thể bắt học sinh lội bộ đường núi mấy cây số đến học được.

Dân phải trèo qua đê vào nhà

Nhiều hộ dân ở khu 1, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước (Tiền Giang) phản ảnh khoảng mười năm qua họ phải trèo qua bờ đê cao hơn 1m để vào nhà mình. Người già, trẻ em không thể leo qua bờ đê được thì bắc cầu thang leo qua. Còn xe cộ người dân phải gửi bên ngoài rất bất tiện.

cttSnu15.jpgPhóng to
Ngày nào anh Bùi Văn Sang (ngụ khu 1, thị trấn Mỹ Phước) cũng phải dắt xe trèo qua con đê này - Ảnh: Thanh Tú

Nguyên nhân do dọc đường tỉnh 867 chính quyền địa phương xây con đê bằng bêtông ngăn lũ, bảo vệ thị trấn cách đây mười năm. Hiện nay toàn bộ diện tích thị trấn đã được tôn cao vượt lũ nên con đê này không còn tác dụng. Thế nhưng khi người dân làm đơn xin chính quyền mở đường vào nhà thì không được chấp nhận. Trong khi đó, cùng trên tuyến đê này nhiều hộ lại được mở rộng cả chục mét để ra vào nhà.

Quan sát thực tế chúng tôi thấy tuyến đê này nằm sát tỉnh lộ và chỉ dài khoảng 400m, trong khi đê bao toàn khu vực thị trấn dài đến hàng ngàn mét. Phần lớn cao trình của tuyến đê này không cao hơn tuyến đường tỉnh 867 hiện hữu nên dù có phá bỏ toàn bộ con đê cũng sẽ không ảnh hưởng đến khu dân cư bên trong thị trấn mỗi khi lũ về.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, chủ tịch UBND huyện Tân Phước, cho biết những khoảng mở của đoạn đê là do người dân có cam kết với chính quyền đảm bảo ngăn lũ khi đang thi công tuyến đê này. Còn những hộ mới phát sinh thì không thể giải quyết do đê còn công năng sử dụng (?).

200m đường làm 9 tháng chưa xong

Người dân tổ 28, phường Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) phản ảnh đoạn đường Trịnh Công Sơn dài 200m nối tổ 28 với đường Núi Thành được thi công từ tháng 2-2012 đến nay vẫn chưa xong. Đơn vị thi công đã bó vỉa cao hơn 50cm so với mặt đường, gây khó khăn trong việc đi lại.

Theo ông Phan Thanh Đà Hải - trưởng phòng quản lý dự án - kỹ thuật Công ty Vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án), do thiếu kinh phí nên việc thi công đường mới hoàn thành phần đổ đá dăm phải tạm dừng. Ông Hải cho biết thêm đơn vị đang chờ Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng chuyển hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tại nút 74 khu dân cư Tây Nam Hòa Cường để triển khai tiếp.

Khu tái định cư thiếu nước sạch

Người dân các tổ 41, 42, 43 thuộc khu tái định cư Thủy Tinh (khối Trảng Sỏi, phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) phản ảnh bị thiếu nước sạch trầm trọng nhiều năm nay do mạch nước ngầm nơi đây bị nhiễm phèn nặng, lượng lưu huỳnh trong nước rất cao.

Ông Phan Văn Ân, trưởng khối Trảng Sỏi, cho biết khu tái định cư Thủy Tinh có từ năm 1991. Lúc khu tái định cư được thành lập, người dân đã phản ảnh về tình trạng nước tại đây bị nhiễm phèn, bốc mùi tanh, nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Kim Châu - chủ tịch UBND phường Thanh Hà: “Cách đây năm năm, người dân đã tự xây dựng bể lọc nước gia đình nhưng vẫn không khắc phục được thực trạng trên. Vừa qua phường đã có kiến nghị gửi Phòng tài nguyên - môi trường Hội An báo cáo về tình trạng trên, hi vọng thời gian tới sẽ có người về giám định”.

Khai thác titan gây hụt nguồn nước

Nhiều người dân ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phản ảnh Công ty Quang Thuận khai thác titan gây nên tình trạng sụt lún đất rất nguy hiểm. Ngoài ra, bảy giếng khoan của công ty sử dụng ống bơm chìm hút nước để đãi quặng titan làm nhiều giếng khoan của người dân không còn nước, khiến họ phải đi mua nước ở nơi khác về dùng.

Ông Lê Huyền, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Ninh Thuận, cho biết trong đợt kiểm tra mới đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện Công ty Quang Thuận khai thác nước ngầm chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý hoạt động vi phạm của Công ty Quang Thuận, đồng thời vừa có văn bản chỉ đạo công ty này trước mắt tạm dừng khai thác titan.

Công ty Quang Thuận được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép khai thác titan trong diện tích 83,7ha, thời gian khai thác 48 tháng kể từ ngày cấp phép (22-6-2012).

Hà Nội: Nhiều khu dân cư thiếu sân chơi

Wb1f2Buz.jpgPhóng to
Đoạn đường Tây Tựu, từ Nhổn đến Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội ban đêm tối thui - Ảnh: Huy Ba

Nhu cầu sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư, khu tập thể ở Hà Nội rất lớn, nhưng nhiều nơi hoặc không có quỹ đất bố trí sân chơi, hoặc có nhưng bị tận dụng làm bãi giữ xe, kinh doanh hàng quán...

Thực tế cho thấy nhiều khu tập thể ở P.Yên Hòa (Q.Cầu Giấy) không có sân chơi chung, nhà văn hóa phường không có sân để sinh hoạt tập thể. Ở P.Thái Thịnh (Q.Đống Đa) và P.Thành Công (Q.Ba Đình), nhiều sân chơi biến tướng thành chỗ để xe, hàng ăn, chợ cóc. Có nơi nhiều thiết bị đồ chơi trẻ em bị xếp xó, không được sử dụng, bảo trì nên han gỉ, hỏng hóc...

Tại P.Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy), sân chơi tập thể là những khu đất kẹt, được tận dụng sau khi xây nhà. Có những sân rộng vài trăm mét, cũng có sân chỉ vài chục mét. Hầu hết các khu tập thể khi được thiết kế, xây dựng trước đây không có hạng mục nào làm sân chơi.

Theo ông Ngô Ngọc Lâm - phó chủ tịch UBND P.Thành Công, các khu nhà ở phường được xây dựng từ những năm 1970 nên không bố trí sân chơi dành cho trẻ em. Về tình trạng sân chơi chung trên địa bàn phường bị chiếm dụng, ông Lâm giải thích: “Có nhà chỉ 20m² mà tám người ở với bốn xe máy. Người dân không thể dắt xe máy lên tầng cao như vác xe đạp nên sân chơi chung được tận dụng để phục vụ giữ xe”.

Ông Lâm cho biết phường đang có kế hoạch sắp xếp lại sân chơi ở các khu nhà. “Chẳng hạn sân 3m thì kẻ lại 1m cho để xe, khoảng ở giữa để đi lại, còn một khoảng dành để vui chơi” - ông Lâm nói.

* Nước sạch chờ đường. Nhiều hộ dân ở đường số 2, khu dân cư Gia Hòa 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM) phản ảnh nhiều năm qua họ phải dùng nước giếng khoan từ đường ống nước của ban quản lý khu dân cư cung cấp. Một số hộ dân ở đây không yên tâm khi dùng nước giếng nên rất mong có nước sạch để dùng.

Đại diện ban quản lý dự án khu dân cư Gia Hòa 1 cho biết sau khi hoàn thiện các tuyến đường trong khu dân cư, công ty đã bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý từ giữa năm 2011. Công ty cấp nước muốn đào đường để lắp đặt đường ống nước sạch thì liên hệ với cơ quan quản lý đường.

Bà Lê Thị Thanh Tâm - phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn - cho biết nếu ban quản lý dự án khu dân cư Gia Hòa 1 đã bàn giao đường trong khu dân cư thì công ty sẽ gửi văn bản đến cơ quan chức năng huyện Bình Chánh để xin lắp đồng hồ nước cho người dân ở đây. (ĐỨC PHÚ)

* Ao thành bãi rác. Tại hẻm 72 Dương Đức Hiền (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có một bãi rác tồn tại nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khu vực này trước kia vốn là một cái ao rộng thoát nước khi mưa, nhưng nay đã bị rác lấp gần hết diện tích (ảnh). Những hộ dân sống quanh đây cho biết hằng ngày có một số người chuyên thu gom rác thải sinh hoạt khắp nơi về đây để phân loại. Vào mùa mưa, nước ao ứ đọng dâng cao khiến rác nổi lềnh bềnh trôi khắp các con hẻm.

Ông Kiều Việt Dũng, chủ tịch UBND P.Tây Thạnh, cho biết thời gian qua phường đã vận động chủ khu đất có ao gây ô nhiễm xây hàng rào, nạo vét rác tù đọng. “Phường từng xử phạt những người thu gom rác gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Hiện vẫn còn một vài trường hợp lén lút phơi rác. Sắp tới phường sẽ tăng cường kiểm tra để xử lý dứt điểm tình trạng trên” - ông Dũng nói. (M.Mẫn)

* Đường không đèn, lắm bụi. Đó là đường Tây Tựu dài hơn 2km, từ Nhổn đến khu B Trường đại học Công nghiệp Hà Nội (huyện Từ Liêm). Các xe trọng tải lớn chở đất cát, vật liệu xây dựng từ cảng Liên Mạc qua đoạn đường này không che đậy kỹ nên đất cát vương vãi, gây bụi mù cả đoạn đường. “Chạy xe trên đường này không bịt khẩu trang thì ngạt thở. Vào mùa mưa, gặp ôtô đi nhanh qua là bùn bắn hết cả lên người” - anh Vũ Văn Duy, sinh viên Trường đại học Công nghiệp, than thở.

Theo ông Bùi Trung Hòa - phó chủ tịch UBND xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, xã đã nhận được nhiều phản ảnh của người dân về tình trạng đường Tây Tựu không đèn, lắm bụi. Xã cũng đã kiến nghị Phòng quản lý đô thị huyện Từ Liêm nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Ông Hòa đề nghị cảnh sát giao thông cần kiểm tra, xử lý triệt để những xe không che chắn làm rơi đất cát xuống đường khi lưu thông qua khu vực trên. (ĐỨC HIẾU)

* Khu đô thị... hai không. Gần mười năm nay, hàng chục ngàn cư dân hai khu đô thị Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2 (huyện Từ Liêm, Hà Nội) sống trong cảnh không có trường công lập và không chợ.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - trưởng ban công tác mặt trận khu đô thị Mỹ Đình 2, hai khu đô thị Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2 liền kề nhau với hơn 12.000 người cư ngụ mà tất cả trường từ tiểu học đến trung học phổ thông đều là trường dân lập và tư thục. Ông Trần Trung Chiến, nhà C4, khu đô thị Mỹ Đình 1, cho biết: “Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học tại các trường dân lập vì học phí quá cao. Học phí tại trường mầm non đã gần 5 triệu đồng/tháng”.

Ông Nguyễn Đảng, một người dân trong khu vực này, cho biết ở đây có vài siêu thị tư nhân nhỏ và chợ cóc nhưng giá đắt đỏ. Người dân nếu muốn đi chợ phải ra tận chợ Đồng Xa cách đó gần 3km.

Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ tịch UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, cho biết chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cơ sở vật chất của hai khu đô thị trên cho địa phương quản lý. “Xã đã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị của người dân, nhưng việc thành lập trường công lập hay chợ phải do thành phố làm việc với chủ đầu tư. Còn chính quyền địa phương có muốn cũng khó mà làm được” - ông Lâm nói. (Bùi Hương - Hồng Thái)

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên