12/10/2021 08:54 GMT+7

Xây tiêu chí an toàn cho trẻ đến trường ra sao?

THU HIẾN - TRỌNG NHÂN
THU HIẾN - TRỌNG NHÂN

TTO - Trong Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 mà Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đề xuất mới đây, học sinh tại các địa bàn đã kiểm soát được dịch sẽ đến trường học trực tiếp thay vì học trực tuyến.

Xây tiêu chí an toàn cho trẻ đến trường ra sao? - Ảnh 1.

Hai chị em cùng học trực tuyến (quận Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều bậc phụ huynh cho biết một số nơi đã kiểm soát được dịch nhưng họ vẫn khá lo lắng, cho rằng chưa thể cho trẻ đến trường khi trẻ chưa chích ngừa vắc xin phòng COVID-19.

Trăm nỗi băn khoăn

Ông Trần Minh (ngụ quận 12, TP.HCM), có con học tại Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), cho rằng mở cửa lại trường học là một bài toán khó, dự kiến cho các em học trực tiếp vào thời điểm này cần hết sức cân nhắc.

Theo ông Minh, việc tiêm vắc xin ở lứa tuổi dưới 18 vẫn chưa thực hiện. Hơn nữa, môi trường học đường quá đông đúc, không chắc có thể kiểm soát được những rủi ro khi các bé học tập, sinh hoạt chung.

"Dù có quy định giữ khoảng cách hay đeo khẩu trang cũng không thể giảm thiểu tối đa nguy cơ. Mỗi học sinh ngồi cách nhau 2m gần như là điều không thể trong rất nhiều trường học hiện nay. Đặc biệt, quận 12 luôn là "điểm nóng" về sĩ số, có các trường đông nhất TP.HCM đôi khi lên tới 4.600 em, kiểm soát lây nhiễm sẽ càng phức tạp", ông Minh nói.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ TP Thủ Đức), phụ huynh tại Trường THPT Bình Chiểu (TP Thủ Đức), chia sẻ trong thời gian đầu khi TP trở về bình thường, các trường nên cân nhắc cho học sinh đến trường theo hình thức kết hợp giữa online và offline với thời lượng tùy vào môn học.

Trường học "không virus"

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Bình Tân chia sẻ qua khảo sát, một trong những điều phụ huynh quan tâm nhất khi cho con trở lại học trực tiếp là trường học phải "sạch virus". 

Nhiều người bày tỏ lo lắng khi trong thời gian qua không ít trường học trên địa bàn đã được trưng dụng làm nơi cách ly hoặc làm điểm tiêm chủng. Liệu các cơ quan y tế có thể "quét" hết nguy cơ lây nhiễm còn tồn trong khuôn viên trường khi trả lại không gian để dạy học hay không?

"Chúng tôi có giải thích rằng các cơ quan cho khử khuẩn nghiêm ngặt, nhưng tâm lý lo lắng của phụ huynh là khó tránh khỏi. Hiện nay, theo một cuộc khảo sát nhanh, có đến gần 70% phụ huynh muốn cho con học online đến hết học kỳ 1 hoặc tới khi các em đã được tiêm vắc xin đầy đủ", vị này nói.

PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - chủ nhiệm bộ môn nhi Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết để trở lại trường an toàn, cần phải tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Theo PGS Nguyên, tỉ lệ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM hiện đã đạt mức cao, tuy nhiên vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn việc lây nhiễm, nên nguy cơ trẻ mắc COVID-19 vẫn còn cao. Do đó, nếu quay lại trường học, cần dạy trẻ nhiều biện pháp phòng bệnh.

Thứ nhất là tập cho trẻ đeo khẩu trang. Mang khẩu trang đúng và thích hợp, khẩu trang giúp bảo vệ trẻ và thầy cô giáo, và cũng nhớ rằng chỉ khẩu trang là không đủ.

Thứ hai là tập thói quen cho trẻ giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1m. "Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy khoảng cách 1m là đã hạn chế lây nhiễm. Tuy nhiên sẽ lây cho 500 người nếu tất cả đứng sát nhau và trong không gian kín như hội trường", PGS Nguyên nói.

Thứ ba là tập cho trẻ rửa tay ít nhất 20 giây với xà phòng hay dung dịch có trên 60% cồn. Thầy cô nên nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi vào lớp, giờ ra chơi, trước khi ăn trưa…; phụ huynh có thể trang bị cho con thêm chai dung dịch cồn, trường học bắt buộc phải trang bị xà phòng cho các em.

Nhà trường phải thường xuyên vệ sinh trường lớp sạch sẽ, thông thoáng. Sắp xếp giờ học, giờ ra chơi, giờ tan trường lệch nhau nhằm tránh ùn tắc, tiếp xúc quá nhiều người. Đặc biệt đối với hệ thống thông gió và cửa sổ cần phải được thông thoáng, tránh nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm định kỳ cho tất cả học sinh và nhân viên của trường, tùy tình hình dịch bệnh và chủng ngừa của nhân viên và học sinh cũng như kinh phí của nhà trường, có thể thực hiện 1 lần/tuần hoặc 2 lần/tuần.

Khi nào có vắc xin cho trẻ em?

Thời điểm hiện tại, trẻ em trong nước dưới 18 tuổi đều chưa được Bộ Y tế cho phép chích ngừa. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao, dễ mắc COVID-19.

Từ giữa năm nay, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận với Pfizer bán thêm cho Việt Nam trên 20 triệu liều Pfizer dành cho nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi (ngoài hợp đồng mua 31 triệu liều trước đó). Hiện Việt Nam có 9 triệu trẻ 12 - 17 tuổi, nên vắc xin đã có thỏa thuận đủ sử dụng tiêm ngừa cho các cháu.

Việc vận chuyển vắc xin cũng đã có thông báo trong 3 tháng cuối năm sẽ có khoảng 48 triệu liều vắc xin Pfizer về Việt Nam, trong đó tháng 10 là 12 triệu liều, tháng 11 và 12 khoảng 36 triệu liều. Như vậy, 9 triệu trẻ 12 - 17 tuổi sẽ được thu xếp tiêm chủng sớm nhất từ khoảng tháng 10, nếu chậm hơn cũng sẽ là khoảng tháng 11, 12 tới.

Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình đề nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho hơn 642.000 học sinh từ 12 - 18 tuổi với nguồn vắc xin phù hợp.

Việc tiêm vắc xin này nên được tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2, đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện và đảm bảo được an toàn, an tâm cho học sinh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Học sinh ở xã đảo Thạnh An, TP.HCM có thể đến trường trở lại Học sinh ở xã đảo Thạnh An, TP.HCM có thể đến trường trở lại

TTO - Tại buổi họp báo chiều 7-10, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết UBND huyện Cần Giờ có văn bản đề xuất cho khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 tại 2 trường ở xã đảo Thạnh An dạy học trực tiếp trở lại từ 11-10.

THU HIẾN - TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên