12/02/2015 08:58 GMT+7

Cùng xây tủ sách thông minh: Xây nhà cần từng viên gạch nhỏ

LÊ ÐỖ QUỲNH HƯƠNG
LÊ ÐỖ QUỲNH HƯƠNG

TT - Còn nhớ hồi con trai tôi mới lên 3 tuổi, thú vui của chàng là mở cuốn truyện tranh Ba chú heo con ra đọc làu làu, biểu cảm nhấn nhá y như cách tôi thường đọc dẫu lúc đó... chàng chưa biết nhận dạng mặt chữ!

Anh Quang Tú cùng con gái Minh Khuê (4 tuổi) ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM tìm mua sách tại nhà sách Fahasa Tân Định, Q.3, TP.HCM - Ảnh Q. Định

“Nhiều người thấy thế ngạc nhiên, còn tôi chỉ mỉm cười...” - MC Quỳnh Hương chia sẻ.

Đọc sách cùng con từ sớm

Từ hồi con trai 1 tuổi cho đến hết mẫu giáo, hầu như mỗi tối tôi đều “dỗ” con ngủ bằng cách đọc 1-2 truyện cổ tích hay truyện ngụ ngôn.

Tôi nghĩ cái máu mê sách hay khả năng diễn đạt tốt của con trai mình đã được “ngấm” dần từ thời điểm ấy.

Tôi biết rằng trong thời buổi công nghệ lên ngôi, việc “dỗ” con đọc sách không phải điều dễ dàng. Tuy vậy, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể xây dựng thói quen đọc sách ở con.

Tương tự xây nền móng cho một căn nhà vậy, chúng ta cần tích cóp và vun đắp mỗi ngày một câu chuyện đơn giản khi con vừa bước qua giai đoạn thôi nôi.

Khi con lớn hơn một chút (khoảng 2-3 tuổi) nên tập thói quen đưa con đi nhà sách và để con thoải mái chọn sách (dĩ nhiên cần sự tư vấn của cha mẹ) và cũng để bổ sung liên tục nguồn sách ở nhà.

Thông thường trẻ sẽ chọn những truyện có nhiều hình vẽ rực rỡ bắt mắt. Khi về nhà, phụ huynh nên cùng con lật từng trang sách ra, đọc lại từng câu chữ.

Ðây là một giai đoạn rất quan trọng, cần sự lặp lại hằng ngày và kéo dài suốt thời gian mẫu giáo của con, cho đến khi nào con tự đọc được mặt chữ.

Bên cạnh truyện cổ tích, giai đoạn sau của chặng này chúng ta có thể mở rộng nguồn sách sang những quyển sách khoa học vui, sách thiếu nhi nhẹ nhàng, vui nhộn.

Khi con bắt đầu đọc được mặt chữ, hãy để con tự “vỡ” những câu chuyện mà trước giờ con đã thuộc lòng qua giọng đọc của ba mẹ.

Ðây là một trải nghiệm “nhận mặt người quen” đầy lý thú! Từ những cuốn sách quen, hãy mua cho con thêm những quyển sách mới. Ðừng ép con đọc những cuốn con không thích.

Lúc nào có thời gian, hãy trích kể con nghe những đoạn bạn tâm đắc nhất trong cuốn sách mà bạn giới thiệu cho con và giải thích vì sao.

Từ tò mò, con sẽ bắt đầu quan tâm đến việc đọc. Và một khi con đã muốn đọc, chủ động tìm đọc thì bạn thành công rồi. Sau đó là một quá trình con tự phát triển với sách, theo lứa tuổi mà thôi.

MC Quỳnh Hương - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những điều cần lưu ý

Tôi mê đọc sách từ lúc còn rất nhỏ, mê đến mức thường xuyên... lén cha mẹ chong đèn đọc sách trong mùng. Có lẽ điều này giúp tôi thích học và học giỏi môn văn nhất trong tất cả các môn.

“Cùng xây tủ sách thông minh” (thuộc dự án “Thư viện thông minh Samsung”) là chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung VN phối hợp tổ chức.

Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các bậc phụ huynh cách tiếp cận, hướng dẫn, khuyến khích tình yêu đọc sách ở trẻ em.

Trong các thể loại sách, tôi ham đọc nhất là sách văn học. Từ cổ chí kim, từ Ðông sang Tây... số lượng các đầu sách dạng này đã đọc qua thật tình tôi không nhớ nổi.

Những câu chữ được dàn trải trên trang sách dần ngấm vào đầu mình, thấm đẫm sâu sắc vào tư duy và con tim.

Vậy là chỉ từ những trang sách giản dị, tôi học được nhiều điều hơn là mình tưởng. Không chỉ là kiến thức nền, cách đối nhân xử thế... tôi còn học được cơ man nào là những lối hành văn hay, và rất nhiều cách dùng từ rất “đắt”.

Có thể nói vốn liếng ngôn ngữ được tích cóp từ những cuốn sách đã góp phần rất lớn cho công việc biên tập và dẫn chương trình của tôi sau này.

Sách văn học cũng chính là thứ tôi từng hướng cho con đọc từ bé. Tuy vậy, “âm mưu” này đã không thể thành công trọn vẹn bởi cho dù con trai tôi khi lớn lên chỉ thích đọc các thể loại sách thông tin, kiến thức như sách về du lịch, địa lý, lịch sử, danh nhân thế giới hay kiến trúc... mà thôi.

Tôi từng thử qua nhiều cách, tận dụng mọi dịp có thể để mua sách văn về cho con đọc, hoặc kể cho con nghe những cái hay, cái đẹp trong sách văn học, nhưng cho đến bây giờ chúng vẫn cứ như những cuộc “dạm ngõ” nhẹ nhàng chứ chưa thật sự lay động được tâm hồn con.

Nhưng nếu cả đời con sau này cũng không thấy thích sách văn học thì cũng không sao. Chỉ cần con thích đọc sách thì cuộc đời con đã rất giàu có những trải nghiệm, cảm xúc, kiến thức và thông tin.

Tuy vậy, nhìn lại thì chúng ta có thể thấy các bậc phụ huynh ngày xưa quản việc đọc sách của con cái dễ hơn vì hồi đó không có nhiều sự chọn lựa, cũng không có nhiều nguy cơ xuất hiện theo các đầu sách.

Giờ đây nếu không khéo, các con rất dễ bị lệch hướng khi đọc sách “độc”, sách quá tầm hoặc không phù hợp lứa tuổi. Hậu quả để lại dĩ nhiên không nhỏ.

Ðể văn hóa đọc được hoàn thiện ở trẻ, cần lắm sự chung tay hỗ trợ của nhiều điều bên ngoài gia đình. Việc các cơ quan chức năng “gạn đục khơi trong”, chọn kỹ càng hơn và thẳng tay loại trừ những đầu sách nhảm, độc cũng là điều quan trọng, bởi không phải bậc phụ huynh nào cũng may mắn hưởng thụ nền học vấn đầy đủ để có thể “lọc trước” và đưa ra sự tư vấn hợp lý cho con, một số phụ huynh khác lại quá bận rộn mưu sinh.

Nếu các cơ quan chức năng cẩn trọng hơn khi duyệt các đầu sách trước khi cho ra thị trường, tôi tin điều này sẽ bớt thêm một nỗi lo cho những ai làm cha làm mẹ.

Ðiều cuối cùng tôi nghĩ mình cần chia sẻ là nếu muốn thành công trong việc khuyến khích con đọc sách, bản thân cha mẹ cũng phải thích đọc sách. Nếu không, mọi lời khuyên từ chúng ta sẽ trở nên khiên cưỡng và con cũng khó thấy được những “hình mẫu” sống động, thuyết phục quanh mình để từ đó hòa hợp cùng một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.

LÊ ÐỖ QUỲNH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên