Cùng con chọn sách - Ảnh: Q.Định |
Ðó là những chia sẻ từ ca sĩ Hồ Trung Dũng (giảng viên khoa tiếng Ðức Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Ðại học Quốc gia TP.HCM).
Từ những trang truyện tranh
Ðược gia đình cho tự do chọn lựa đầu sách để đọc từ nhỏ, tôi nhớ tuổi thơ mình gắn liền với thế giới truyện tranh. Thấy tôi đọc say sưa những cuốn như Doraemon, mẹ không cấm cản mà chỉ hỏi vì sao tôi thích rồi hai mẹ con cùng ngồi trò chuyện về cái hay, cái dở của từng nhân vật...
Sự lắng nghe, chỉ bảo từ mẹ khiến đứa trẻ trong tôi dần hứng thú với việc đọc và quan sát con người, tiếp thu, chắt lọc các bài học về lối sống dễ dàng hơn.
Cũng nhờ đọc truyện tranh mà trí tưởng tượng của tôi được kích thích, điều rất quan trọng với trẻ về mặt đường dài. Nếu ngày xưa bị gò bó trong những cuốn sách đậm chất thực tế, tôi nghĩ mình sẽ khó thể có cái nhìn bay bổng, đa màu sắc về cuộc sống.
Bước vào trung học, thay vì bị cuốn theo dòng chảy tiểu thuyết lãng mạn, tôi tìm đến những tác phẩm văn học phảng phất trong đó yếu tố lạ hoặc sách tâm lý, tạo không gian mở cho nhiều cách tiếp cận khác nhau và buộc mình phải tư duy.
Cái hay của văn chương, theo tôi, là ở điểm này. Nó để người đọc mặc sức phán đoán để rồi sau đó là cảm giác sung sướng khi phát hiện hướng suy nghĩ của mình trùng khớp với tác giả, hoặc nếu không khớp thì đó lại là cơ hội giúp mình có thêm một góc nhìn mới, buộc mình phải ngẫm lại cách lập luận của bản thân.
Những điều này tác động lớn đến khả năng cảm nhạc lẫn thành quả học tập, giảng dạy của tôi. Từ đó cho thấy cách tiếp cận với sách, truyện trong quá khứ đã hun đúc, tác động đến thói quen tư duy, định hướng phát triển nghề nghiệp sau này của tôi.
“Cùng xây tủ sách thông minh” (thuộc dự án “Thư viện thông minh Samsung”) là chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung VN phối hợp tổ chức. Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các bậc phụ huynh cách tiếp cận, hướng dẫn, khuyến khích tình yêu đọc sách ở trẻ em. Các bậc phụ huynh muốn chia sẻ những câu chuyện liên quan đến việc đọc sách của con có thể gửi email về: tusachthongminh@tuoitre.com.vn. |
Đừng “cố đấm ăn xôi”
Tôi dùng từ “trùng khớp” thay vì “đúng” ở trên là có nguyên do.
“Dù tác giả rất tài năng hay nổi tiếng thì cần tỉnh táo nhớ rằng đó cũng chỉ là quan điểm cá nhân”, đây là điều tôi luôn tâm niệm trong đầu mỗi khi đọc sách. Người Việt nói chung thường có tâm lý đánh đồng điều sách hay người bề trên nói là chân lý, chuẩn mực... mà quên mất rằng mỗi chúng ta có hệ thống giá trị, thế giới quan khác biệt.
Việc đọc sách sẽ thêm phần hấp dẫn, ý nghĩa nếu sự tiếp thu song hành cùng quá trình phản biện liên tục các luận cứ được nêu trong sách, điều này gầy dựng chính kiến - yếu tố giúp con người thành công, tiến xa.
Tiếc là khi đi dạy, tôi thấy sinh viên của mình thường rơi vào trường hợp luôn có một niềm tin tuyệt đối vào sách, vào điều thầy cô truyền đạt. Cách tiếp thu một chiều như vậy cũng dễ khiến họ rơi vào cảm giác nhàm chán, triệt tiêu năng lực đọc.
Vậy việc đọc lúc này hẳn đã tốt? Ðiều này không trách họ được, nhất là khi cách giáo dục giới trẻ của chúng ta còn nặng về thuộc lòng, “văn mẫu”, “cá không ăn muối cá ươn”... ngay từ nhỏ.
Ðặc thù nghề nghiệp khiến tôi không thể dành nhiều thời gian cho người thân, bạn bè... và sách chính là cầu nối giữa tôi với những câu chuyện, trải nghiệm hay trong cuộc sống. Việc đi lưu diễn khiến tôi phải chờ đợi (ở sân bay, trên máy bay...) rất nhiều, và dĩ nhiên sách chính là “cứu tinh” lúc này.
Tuy nhiên, tôi ít ép mình đọc những khi không thấy hứng thú. Với tôi, việc đọc nên là một sở thích, thú vui chứ không nên là nỗi ám ảnh. Cố đọc khi cảm xúc bị trôi tuột thì vừa không hiệu quả vừa tạo cảm giác phản kháng, tiêu cực. Ý nghĩa của việc đọc không nằm ở số trang, số đầu sách mà ở điều chúng ta thu nạp được.
Từ việc đọc sách của bản thân từ nhỏ, trong gia đình, tôi nghĩ phụ huynh có thể:
- Hãy giúp trẻ có thói quen đọc và ghi chú, tóm tắt. Việc này giúp trẻ không quên mạch câu chuyện, mất thời gian tìm hiểu lại từ đầu... trong trường hợp việc đọc bị gián đoạn. Ngoài ra, việc này cũng giúp trẻ có kỹ năng tư duy, chắt lọc nội dung để nắm được ý chính cần thiết.
- Hãy đọc mục lục trước tiên. Người Việt ít khi đọc mục lục, đây là điểm khác biệt rõ rệt giữa VN với nước ngoài, cụ thể là nước Ðức - nơi tôi từng du học. Kỹ năng này giúp chúng ta xác định mục tiêu rõ ràng và tránh rơi vào trạng thái đọc từng chữ, từng dòng, từng trang... một cách không cần thiết để rồi thấy lãng phí thời gian, chán nản.
Việc bỏ qua vài trang hay một phần cuốn sách là điều rất bình thường với những người đọc có kinh nghiệm bởi trong kỹ năng đọc hiệu quả có nhiều cách: đọc nhanh (chỉ để nắm thông tin hoặc lướt thông tin không cần thiết), đọc chậm (để hiểu sâu)...
- Dành thời gian suy ngẫm, thẩm thấu tác phẩm.
- Tập tính tập trung. Tôi để ý đây là điểm yếu phổ biến ở người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng. Giải pháp gợi ý: mỗi ngày chỉ cần “nhích” thời gian đọc lên một xíu so với trước đó.
- Hãy gắn việc đọc với sở thích của trẻ. Cụ thể, cá nhân tôi thường gắn việc đọc với những chuyến du lịch, bộ phim, món ăn... mà bản thân yêu thích. Ðiều này khiến việc đọc trở nên thi vị hơn.
Và cuối cùng, đừng đọc vì muốn chứng tỏ mình là người có đọc. Việc đọc cho bản thân mới để lại những giá trị lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận