Chiều 5-12, kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Đinh Văn Hươm đặt câu hỏi giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam về nguồn vốn chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn đối với 37 trạm y tế (xây mới, sửa chữa).
Tính đến năm 2024, nguồn vốn hơn 136 tỉ đồng (trong đó vốn năm 2023 chuyển sang 75 tỉ đồng) nhưng tỉ lệ giải ngân đến nay là 0 đồng.
Cho nên nguy cơ nguồn vốn của Trung ương này sẽ mất (chuyển trả về Trung ương nếu không giải ngân).
"Xin hỏi trách nhiệm của giám đốc ban nếu như nguồn vốn này không còn trong thời gian tới.
Và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết vốn trong năm 2025, đảm bảo các trạm y tế hoàn thành, sử dụng?" - ông Hươm hỏi.
Sẽ hoàn thành dự án trong năm 2025
Ông Huỳnh Xuân Sơn - giám đốc Ban quản lý dự án - cho biết dự án xây mới, sửa chữa 37 trạm y tế có thời gian thực hiện từ năm 2019-2025. Lúc đầu giao Sở Y tế làm chủ đầu tư, đến năm 2023 ban tiếp nhận dự án.
"Đến năm nay gần như các công việc không được triển khai, do đó khi tiếp nhận ban đã phải khẩn trương thực hiện từ đầu như tiến hành các thủ tục, khảo sát lại toàn bộ các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, mất rất nhiều thời gian" - ông Sơn giải thích.
Bên cạnh là công tác đấu thầu, khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thiết bị xây lắp, lập dự án, hồ sơ về đất đai, công tác thẩm định, thẩm tra, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… cũng mất rất nhiều thời gian.
Ban rất khẩn trương, giải quyết nhanh, tuy nhiên thủ tục rườm rà, nhiều bước, quy trình rất mất thời gian, đến ngày 7-12 tới sẽ chấm thầu, khẩn trương chấm thật nhanh, tiến hành tạm ứng vốn.
"Dự án này có thời gian đến năm 2025, do đó sẽ hoàn thành dự án trong năm này. Sau đấu thầu, ngay đầu năm sẽ triển khai thi công, sẽ cố gắng tạm ứng hết nguồn vốn từ năm 2023 chuyển sang" - ông Sơn nói.
Dự án 76 trạm y tế cũng chậm
Đại biểu cũng chất vấn dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã của tỉnh này từ nguồn ngân sách trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong hai năm 2022–2023.
Dự án 196 tỉ đồng, thời gian thực hiện năm 2022-2024 do ban quản lý này làm chủ đầu tư hiện chậm tiến độ.
Theo ông Sơn, dự án này lần đầu tiên ban làm chủ đầu tư, nhỏ nhưng nhiều, dàn trải, y như 76 công trình, hồ sơ thủ tục cực kỳ nhiều, vất vả. Đầu năm 2024 Luật Đấu thầu thay đổi, bên cạnh đó việc trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cuối năm 2023 đều bị tắc, đợi hướng dẫn, mất 3 tháng trình kế hoạch.
Một số khó khăn như công tác đấu thầu cũng phức tạp, các đơn vị thi công khó khăn về tài chính do giảm thầu sâu, giá vật liệu xây dựng tăng cao. Tuy nhiên ban cũng rất khẩn trương, đã tiến hành đồng loạt thi công 76 công trình.
Ông Sơn cho biết Quốc hội cũng cho gia hạn dự án đến hết năm 2025, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành.
Còn về trách nhiệm, ông Sơn cho rằng thuộc về chủ đầu tư. Với tư cách là người đứng đầu, giám đốc ban sẽ chịu trách nhiệm với chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Trần Xuân Vinh, phó chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết những chương trình dự án nếu năm 2024, 2025 làm không kịp thì sẽ bị mất vốn, ngân sách tỉnh phải bỏ ra để làm tiếp nếu làm không xong, dở dang. Nếu UBND tỉnh không chỉ đạo kịp thời các giải pháp thì rất gay go, bây giờ giải pháp là phải làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận