PGS.TS.BS Phạm Xuân Đà trình bày báo cáo tại buổi hội nghị khoa học - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Theo ông Đà, ngày nay những bước đột phá trong công nghệ có tác động rất lớn đến các phương pháp chăm sóc sức khỏe, từ những app đếm số bước chân đi bộ đơn giản đến các chương trình thực hiện kỹ thuật nội soi tân tiến.
Trong đó, đỉnh cao của ứng dụng công nghệ, nhất là dữ liệu lớn (big data), là xây dựng được hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, dựa trên những cơ sở thực tế, ông đánh giá việc này còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đà cho biết làm hồ sơ sức khỏe cá nhân đòi hỏi một hệ thống rất tốt, nhất là về mặt thu thập thông tin và quản lý thông tin, đảm bảo vừa đầy đủ vừa trung thực và chính xác từ khi còn trong bào thai đến lúc trưởng thành.
"Từ bệnh án điện tử đến hồ sơ sức khỏe cá nhân có 7 bước, ngay cả Nhật Bản bây giờ đang ở cuối mức thứ 4 đầu thứ 5, chưa lên được mứa 7" - ông Đà thông tin.
Ông cho rằng cần có thêm cơ sở hạ tầng, quy chế và những nội dung cụ thể quy định ai là người đưa ra thông tin và kiểm soát những hồ sơ này bởi nếu thông tin trong hồ sơ không chính xác có thể rất nguy hiểm.
Hội nghị còn nhận được 40 báo cáo khoa học của 22 đơn vị và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực y - y sinh trên cả nước.
Một số công trình đáng chú ý như Nghiên cứu liệu pháp Nano oxy hóa khử ứng dụng trong kháng khuẩn và kháng ung thư, Nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knwolesi từ khỉ sang người ở vùng biên giới Việt - Lào, Phân tích ảnh não người và tìm điểm bất thường bằng phương pháp PSO - EM…
Hội nghị do Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ thuộc Thành đoàn TP.HCM, Bệnh viên Quân y 7A và Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM phối hợp tổ chức lần đầu tiên nhằm hướng tới xây dựng một đội ngũ nghiên cứu có năng lực và tạo ra những sản phẩm khoa học đạt chuẩn mực, ngang tầm quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận