Hà Nội là địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với khoảng gần 170.000 con trâu bò, 1,38 triệu con lợn và hơn 23 triệu con gia cầm. Chăn nuôi đã và đang hình thành ngành sản xuất hàng hóa.
Với nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố năm 2013 là 272.000 tấn, tương đương 745 tấn/ngày, dự báo đến năm 2015 nhu cầu thịt gia súc gia cầm toàn thành phố là khoảng 314.000 tấn, tương đương 872 tấn/ngày.
Trong khi đó quản lý giết mổ, quản lý vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật còn nhiều yếu kém, phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc.
Về sản phẩm rau, nhu cầu tiêu dùng của TP.Hà Nội khoảng 2.000-3.000 tấn/ngày. Năm 2013, thành phố có 4.500ha rau an toàn phân bố ở 116 xã trọng điểm, sản lượng ước đạt 290.000 tấn/năm, đáp ứng được 30% nhu cầu rau xanh của thành phố. Trong năm 2014 đã rà soát định vị được thêm 500ha rau an toàn để quản lý, chỉ đạo và sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, TP.Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm sạch, ký kết với một số tỉnh xung quanh hợp tác tập huấn khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm, thành phố hỗ trợ 50% phí giết mổ năm đầu tiên, 40% trong năm thứ hai, 30% trong năm thứ 3 và hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ, hệ thống xử lý môi trường.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm rau, thịt thì thành phố Hà Nội cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa. Hà Nội cần có chương trình phối hợp xây dựng vận hành chuỗi cung ứng rõ ràng, minh bạch, giám sát theo chuỗi từ cơ sở nuôi trồng an toàn, thực hiện theo tiêu chuẩn Viet GAP đến cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói rồi đến hệ thống bán buôn, bán lẻ. Bên cạnh đó phải có hệ thống giám sát, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện theo quy chuẩn. Đồng thời phải làm việc với một số địa phương, huy động tham gia chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội.
Hà Nội cần sớm hoàn thiện “Đề án sản xuất và cung cấp thịt gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020” và sớm thành lập ban điều phối chương trình để chỉ đạo và vận hành đề án đi vào cuộc sống hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận