Một cửa hàng xăng dầu ở quận Bình Tân (TP.HCM) vừa kịp nhập thêm xăng vào sáng 10-2 để tiếp tục hoạt động - Ảnh: NHẬT THỊNH
Từ sau kỳ điều chỉnh giá của liên bộ Công thương - Tài chính vào ngày 11-2, anh Long - quản lý một đại lý xăng dầu tại Hà Đông (Hà Nội) - cho hay tình hình nguồn cung có cải thiện chút ít. Tuy vậy, cách thức lấy hàng đã thay đổi.
Cung cải thiện nhưng vẫn "nhỏ giọt"
Cụ thể, theo anh Long, nguồn cung xăng, đặc biệt là xăng RON95 các kho đều báo rất hạn chế. Các doanh nghiệp đầu mối, phân phối bán ra nhỏ giọt.
"Trước đây một xe của tôi có 4 khoang, thường 2 - 3 ngày sẽ nhập xăng/lần thì nay mỗi ngày chỉ cấp cho 2 khoang, bán đủ lượng trong ngày.
Do vậy, cùng một công lái xe nhưng lượng hàng mua được giảm một nửa, ngày nào cũng phải đi nhập hàng. Chi phí đội lên, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 500 đồng/lít xăng dầu bán ra", anh Long nói.
Ngày 14-2, ông N. - giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây - cũng xác nhận tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn tiếp diễn trong khi mức chiết khấu xuống đáy. Nhiều doanh nghiệp đầu mối chỉ bán ra mức rất khiêm tốn, có nơi chỉ bán dưới 20m3. Như ngày
14-2, doanh nghiệp của ông chỉ mua vài mét khối để tiếp nhiên liệu cho cây xăng tại TP Cần Thơ nhưng doanh nghiệp đầu mối không muốn bán, phải làm đủ cách mới có được lượng xăng ít ỏi.
Tuy vậy, nếu hết xăng doanh nghiệp này không đóng cửa mà vẫn mở bán dầu hoặc ngược lại. Ông N. đề nghị: "Nhà quản lý nên đến kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xem họ có còn hàng không, tại sao họ không bán hoặc bán ra nhỏ giọt, đó là mấu chốt vấn đề".
Phải chia tiến độ để phân phối
Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Tiền Giang cũng cho hay khan hiếm xăng dầu vẫn còn. Ngày 14-2, doanh nghiệp này vẫn nhập được hàng với mức chiết khấu 200 đồng, song doanh nghiệp đầu mối thông báo những ngày tới mức chiết khấu sẽ xuống 0 đồng.
Ông Đ. - giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM - cũng cho hay tình trạng khan hiếm xăng dầu còn tiếp diễn. Trong ngày 14-2, ông Đ. cũng như giám đốc các doanh nghiệp tương tự chạy đôn chạy đáo nhưng cả sáng chỉ có một doanh nghiệp mua được vài khối dầu.
Đến chiều 14-2, các doanh nghiệp đầu mối đều báo không có hàng, chỉ phân phối lại cho các doanh nghiệp có cây xăng bán lẻ.
Giám đốc một doanh nghiệp trực thuộc Petrolimex khẳng định nguồn hàng trong hệ thống và đại lý trực thuộc luôn đảm bảo.
Tuy nhiên, do thương nhân phân phối được mua từ nhiều nguồn, nên khi nguồn cung có dấu hiệu căng thẳng, nhiều đơn vị muốn nhập về lượng lớn hơn hoặc chuyển sang mua của Petrolimex. Tập đoàn không thể đáp ứng hết, chỉ cung cấp theo sản lượng bình quân mà đơn vị đã nhập hàng từ 3 tháng trước đó.
Tuy vậy, vị này thừa nhận do nguồn cung bị gián đoạn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong khi nguồn hàng nhập khẩu nhanh nhất cũng phải mất khoảng 30 ngày nên hàng về trễ, khiến doanh nghiệp phải chia tiến độ phân phối hàng.
Về mức chiết khấu, đại diện doanh nghiệp thuộc Petrolimex đề nghị các đại lý, doanh nghiệp phân phối chia sẻ với doanh nghiệp đầu mối, đang chịu gánh nặng chi phí khi hàng nhập về trong bối cảnh giá thế giới tăng phi mã như hiện nay nhưng phải 10 ngày sau mới được tính theo giá bình quân.
Trước tình hình căng thẳng trên, nhiều doanh nghiệp đầu mối và phân phối xăng dầu kiến nghị bộ Công thương - Tài chính cần sớm thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tính toán lại mức chi phí, lợi nhuận định mức, tránh doanh nghiệp lỗ sẽ bỏ bán.
Đồng thời, Bộ Công thương cần chỉ đạo để các thương nhân đầu mối đảm bảo nguồn cung, thực hiện đúng quy định về dự trữ lưu thông; cần sử dụng mức chi và trích lập quỹ bình ổn giá phù hợp, cân đối sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Bộ ngành chưa thống nhất...
Trong khi đó, Bộ Công thương khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tham mưu Chính phủ cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp.
Cụ thể, đề nghị Chính phủ cho phép liên bộ được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới, có thể với tần suất từ 3 - 5 ngày ở thời điểm giá có biến động mạnh.
Cho phép sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết, cũng như xem xét nâng dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.
Tuy vậy, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết chu kỳ điều chỉnh vẫn giữ như mức hiện nay là 10 ngày. Bởi đây là quy định của nghị định 95 vừa có hiệu lực hơn một tháng.
Nói rõ hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết việc quy định chu kỳ điều chỉnh giá là 10 ngày dựa trên tập quán mua bán hàng của các thương nhân xăng dầu đầu mối trong nước, bình quân giao hàng tính giá là 10 ngày.
Liên bộ cũng cần có thời gian để theo dõi diễn biến, cập nhật thông tin thị trường để điều hành phù hợp. Đặc biệt, cần thực hiện bình ổn giá cho người tiêu dùng.
Lại có nguy cơ giữ hàng chờ tăng giá?
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) nhận định kỳ điều hành ngày 11-2 vừa qua giúp thị trường hồi sức, các cây xăng đóng cửa trước đây đã bán lại nhờ có thêm chút nguồn hàng và cộng chút chiết khấu.
Nhưng giờ các đại lý, doanh nghiệp xăng dầu lại chuẩn bị "vòng xoáy" mới khi mà giá thế giới quá cao, tạo thêm khoảng cách chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở.
Nên kỳ tới có thể phải đối mặt với tình trạng giá "tăng sấp mặt". "Tình hình giá như vậy có nguy cơ lại tạo tâm lý giữ hàng như trước của một số đơn vị đầu mối, cửa hàng bán lẻ vì bán ra lỗ quá", vị này nói.
* Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính):
Chi phí, lợi nhuận định mức phải tính toán cẩn trọng
Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao và trong nước nguồn cung khan hiếm cục bộ, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi và sử dụng quỹ bình ổn cho phù hợp.
Về đề xuất Cục Quản lý giá rà soát và tính toán lại mức chi phí và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở, theo nghị định 95, hằng năm Bộ Tài chính và Bộ Công thương vẫn rà soát.
Thường phải lấy kết quả kiểm toán của các doanh nghiệp đầu mối. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá.
Mức chi phí, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu phải đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước, người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối.
Khan hiếm nên phải hạn chế bán ra
Ngày 14-2, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại cửa hàng xăng dầu nằm cặp quốc lộ 91, đoạn xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang, nhiều người chạy xe vào đổ xăng nhưng các nhân viên cây xăng này chỉ đổ tối đa 30.000 đồng/xe máy. Để có xăng đầy bình, nhiều khách phải chấp nhận tìm đến nơi khác đổ tiếp.
Ông Lê Thanh Mân, tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Tháp, cho biết hiện nay nguồn cung xăng dầu thế giới đang khan và nguồn cung cấp của Nhà máy Nghi Sơn cũng hạn chế nên tổng nguồn cung khan hiếm.
"Chúng tôi không ngờ sau Tết việc cung ứng xăng dầu tiếp tục khan hiếm. Nói thẳng ra, nguồn cung khan hiếm thì việc bán ra chắc chắn phải có hạn chế, không như bình thường được. Vì vậy, chúng tôi chỉ lo cho hệ thống đại lý của tôi", ông Mân nói.
Theo ông Mân, giá xăng dầu thế giới đã cao hơn trong nước rất nhiều. Xăng bán ra lỗ gần 400 đồng/lít.
B.ĐẤU - K.TÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận