21/01/2015 14:16 GMT+7

Xả rác bừa bãi: chuyện của chính bạn, chứ không ai khác

MAI ĐỨC DŨNG
MAI ĐỨC DŨNG

TTO - Hãy đưa câu chuyện rác vào giáo dục trên ghế nhà trường, giảng đường, trong những bữa cơm, trong các buổi đi chơi hội hè,

Rác dày đặc trên cầu Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM sau khi xem bắn pháo hoa chào đón năm mới 2015 - Ảnh tư liệu

Chuyện ý thức trong xử lý rác thải sinh hoạt của người dân chúng ta đã là chủ đề muôn thuở song chẳng bao giờ người ta giải quyết được tận gốc vấn đề. Nguyên nhân thì nhiều nhưng theo cá nhân tôi cốt yếu nhất chính là yếu tố giáo dục ở gia đình, nhà trường, chứ đừng hét toáng lên đổ lỗi trách nhiệm này cho xã hội nữa.

Ngày còn nhỏ nhà tôi lúc nào cũng sạch bong vì bố mẹ rất ghét thói ăn dơ, ở bẩn, sinh hoạt bừa bãi. Thành ra cái nếp đó ăn sâu vào ý thức của anh em chúng tôi, cứ chiều chiều lá cây rụng là quét sân quét ngõ, cuối tuần là lau bàn lau tủ, đến nhà ai chơi hay đi ăn lễ chạp đều cẩn thận chuyện vệ sinh khi ra về.

Khi tôi bước vào đại học, đến Sài Gòn lập nghiệp thì những thói quen đã hình thành từ tấm bé không bỏ được. Lên cơ quan việc đầu tiên là quét dọn dù phòng máy lạnh không có bụi. 

Tôi cũng rất khó chịu chuyện người ta vò giấy rác vứt bừa bãi. Đó là lý do tôi thường bị đồng nghiệp “nhìn xiên xéo” vì lượm rác của họ cho vào đúng nơi quy định, mỗi lần thế tôi phải nén giận cười xòa nhằm xoa dịu căng thẳng.

Mỗi lần đi chơi lễ ngoài trời, ở nơi công cộng, tôi có thói quen thủ sẵn một bịch màu đen gấp gọn nhét trong túi. Lý do là đi chơi với bạn gái hay bạn bè thì phải có ăn uống nhẹ, kiểu gì cũng sẽ có rác, nếu là khu vực có thùng rác thì quá đơn giản, tuy nhiên một số nơi không có thì cái bịch nilông là cứu tinh.

Tôi thường bị nói là ông cụ non mỗi lần gom rác vào bịch, treo vất vưởng ở cổ xe rồi đi tìm xe rác để “thủ tiêu” chúng.

Tôi kể những chuyện này không phải để khoe khoang mình là người sạch sẽ, cũng chẳng mong sẽ được tung hô.

Tôi chỉ muốn chứng minh mọi người thấy giáo dục chính là căn nguyên cơ bản nhất tạo dựng nên ý thức của con người.

Các vị không thể nào dạy được con cái khi đi đường nhận tờ rơi lúc đèn đỏ, khi đèn xanh thì vò vứt chúng xuống đường ngay trước mắt con mình. Hay chuyện đi ăn sáng ở vỉa hè, có sọt rác nhưng giấy hay đồ ăn thừa bị bỏ vô tư xuống lề, gầm bàn với lý do như thế tiện hơn, đỡ mất thời gian hơn.

Rồi cũng chẳng có đứa trẻ nào mong muốn thấy cảnh phụ huynh, anh chị dẫn chúng đi chơi lễ, đi dã ngoại, sau bữa ăn, sau buổi đi chơi vui vẻ hệ quả còn lại là núi rác chỏng chơ, phó mặc cho công nhân vệ sinh môi trường.

Một xã hội có văn hóa, văn minh bắt nguồn từ ý thức mà đứa trẻ ghi nhận qua mắt thấy tai nghe lúc còn ấu thơ đến tuổi trưởng thành.

Hãy đưa câu chuyện rác vào giáo dục trên học đường, giảng đường, trong những bữa cơm, trong các buổi đi chơi hội hè, đó là điều ai cũng có thể làm được mà hiệu quả thật không ngờ, tôi tin thế.

Bạn có đồng tình với quan điểm của tác giả Mai Đức Dũng? Theo bạn, làm sao để không còn tình trạng nơi nơi ngập rác? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

MAI ĐỨC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên