28/06/2014 09:17 GMT+7

Xã hội hóa bến xe khách: Nhà đầu tư ngần ngại

Đ.NAM - T.TRUNG
Đ.NAM - T.TRUNG

TT - Đối xử không công bằng, chủ trương có nhưng đề án hướng dẫn lại không, buông lỏng trong quản lý, giám sát... là những bức xúc mà các doanh nghiệp nêu ra với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

4pDDAaRw.jpg
Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã bỏ ra không dưới 100 tỉ đồng để xây dựng bến xe phía Nam Đà Nẵng nhưng đến nay sau gần hai năm đưa vào hoạt động, bến này vẫn chưa đón một chuyến xe nào - Ảnh: Trường Trung

Tại hội nghị bàn về công tác xã hội hóa trong xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe khách sáng 27-6 tại Đà Nẵng, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng nếu ngành giao thông không gấp rút điều chỉnh các chính sách thì chủ trương xã hội hóa của Chính phủ sẽ khó thành công.

Doanh nghiệp kêu

"Việc xã hội hóa bến xe sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, không có chuyện úp mở giấu giếm"

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Mặc dù trong báo cáo tham luận gửi tới hội nghị chỉ nói về mô hình và kết quả hoạt động của bến xe Đức Long Bảo Lộc, thế nhưng ngay sau khi đăng đàn, ông Phan Xuân Viên - phó tổng giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai (đơn vị đầu tư ba bến xe loại 1 tại Gia Lai, Lâm Đồng và TP Đà Nẵng) - chỉ tập trung nói đến các chính sách bất nhất của địa phương (TP Đà Nẵng) trước và sau khi doanh nghiệp ông xin đầu tư xây dựng bến xe phía Nam Đà Nẵng.

Theo ông Viên, doanh nghiệp ông đã đổ vào bến xe này không dưới 100 tỉ đồng nhưng kể từ khi đưa vào hoạt động (tháng 9-2012) đến nay, vẫn chưa có một tuyến xe nào lăn bánh, hiện bến xe có biểu hiện xuống cấp. Theo ông Viên, cái khó nhất khi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa bến xe đó là không có trong tay một đề án hay hướng dẫn nào cả... Vì thế nhà đầu tư rất tù mù rằng sau khi xây dựng bến xe xong thì việc phân tuyến, phân luồng hay điều tiết xe ở các địa phương họ có thực hiện hay không? Bến xe phía Nam Đà Nẵng là một điển hình. Nhà đầu tư thì đầu tư theo quy hoạch của địa phương chứ không thể tự ý đầu tư theo sự lựa chọn của mình được. Thế nhưng khi đầu tư xong mà bến xe lại quá xa trung tâm thì rất khó, vậy nên phải có sự điều chỉnh hợp lý của Nhà nước. Trước thực trạng đó, ông Viên kiến nghị Bộ GTVT phải phê duyệt sớm quy hoạch tuyến xe liên tỉnh ngay trong năm 2014. Riêng địa phương phải có đề án để nhà đầu tư yên tâm.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần du lịch và vận tải Phương Trang Đà Lạt - ông Nguyễn Hữu Luân cho rằng: Nhà nước phải đối xử công bằng với các bến xe xã hội hóa từ việc đặt tên cho đến việc phân tuyến. Ông Luân nói: “Chúng tôi nhận đầu tư bến xe liên tỉnh Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng địa phương không thông báo quy hoạch, sau này lại cho phép thêm một đối thủ của chúng tôi đến làm bến xe cạnh tranh, mặc dù bến xe này không đủ điều kiện hoạt động. Tôi hỏi thì lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng trả lời rằng tỉnh có quyền điều chỉnh quy hoạch. Nếu biết trước có chuyện này thì một đồng chúng tôi cũng không bỏ ra”. Ông Luân cho rằng sau khi doanh nghiệp ông có kiến nghị thì bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã có công điện chỉ đạo thu hồi bến xe kia nhưng đến nay “họ vẫn hoạt động”.

Ngay sau khi nghe phản ảnh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu ông Trương Hữu Hiệp - giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng - giải trình. Thế nhưng sau một hồi vòng vèo, ông Hiệp cho rằng “vấn đề này tỉnh đã chỉ đạo giải quyết nhiều lần”. Nghe vậy, ông Đinh La Thăng nói ngay: “Tuần sau tôi sẽ có buổi kiểm tra quốc lộ 14, vấn đề này anh Hiệp chuẩn bị báo cáo và mời luôn Công ty Phương Trang tới dự”.

Chưa có cơ chế, chính sách chung

Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho rằng hiện nay việc quy hoạch bến xe tại một số địa phương vẫn chưa thật chính xác, các doanh nghiệp đầu tư chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu phát triển dẫn đến đầu tư không hiệu quả, không có xe vào bến gây lãng phí. Khi kêu gọi xã hội hóa thì địa phương lại không giao mặt bằng sạch, sắp xếp xe ra vào bến xe xã hội hóa cũng chưa hợp lý. “Trước đây bến xe do Nhà nước quản lý chúng ta hay nói “nhà xe là chùm khế ngọt, bến xe trèo hái mỗi ngày”, bây giờ muốn xóa đi thì phải có cơ chế, chính sách ưu đãi để nhà đầu tư vào tham gia” - ông Thanh nói.

Trong khi đó theo ông Khuất Việt Hùng - vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hiện cả nước chỉ mới có 213/457 bến xe được xã hội hóa. Một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình xã hội hóa là do công tác quy hoạch phát triển các bến xe tại các địa phương chưa phù hợp, không ổn định... Điều này khiến các nhà đầu tư chán nản, e ngại. Các cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch bến xe chưa thực hiện đồng bộ, kèm theo đó các chính sách ưu đãi về đầu tư xây dựng bến xe còn yếu. Chính ông Hùng cũng thừa nhận rằng hiện Nhà nước vẫn chưa ban hành cơ chế, chính sách chung để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào xã hội hóa bến xe.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được bộ tiếp thu và giải quyết nghiêm túc. Bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương đề nghị triển khai các chính sách với nhà đầu tư, đồng thời đề nghị Chính phủ có cơ chế thông thoáng với doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa bến xe. Việc xã hội hóa bến xe sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, không có chuyện úp mở giấu giếm. Trong quá trình xã hội hóa, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc, bộ sẵn sàng lắng nghe, trực tiếp tháo gỡ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vì mục tiêu cuối cùng là để người dân sử dụng dịch vụ xứng với đồng tiền mà họ đã bỏ ra mua vé.

Đ.NAM - T.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên