Một pha bóng trong trận Iran thắng Morocco ở World Cup 2018. Ảnh: REUTERS
Thật khó đòi hỏi hai đội phải chơi đẹp, chơi cống hiến khi mà lực bất tòng tâm. Ở thế trận yếu hơn hẳn, ngoài một vài đợt phản công, Iran cho thấy một lối chơi phòng thủ và chủ yếu dựa vào tài nghệ của thủ môn Beiranvand để cầm cự những đợt tấn công của Morocco.
Trận đấu lúc đầu diễn ra theo hướng khá cởi mở. Nhưng sau đó, trận đấu bị vỡ vụn vì các pha chơi xấu liên tiếp của cầu thủ hai đội. Có cảm tưởng đây là một trận đấu quyền anh giữa hai đối thủ đang vùi dập nhau, khiến cho nhau đầy vết thương.
Điểm sáng duy nhất là những đợt lên bóng thỉnh thoảng của cả hai đội, trong đó Morocco tấn công nhiều hơn. Có những lúc tưởng như khung thành của thủ môn Beiranvand đã rung lên và chỉ nhờ vào tài nghệ của anh mà tuyển Iran mới qua cơn nguy hiểm.
Có một lý do chính đáng để giải thích cho lối chơi kém hấp dẫn của Iran và Morocco. Cùng là đội tuyển có hầu hết các thành viên theo Hồi giáo, cùng trong tháng chay Ramadan cho nên có thể điều này đã ảnh hưởng đến thể lực và lối chơi của cả hai đội.
Tuyển Morocco tuy cầm bóng nhiều hơn, tấn công nhiều hơn, song bóng đá luôn tồn tại một chân lý: Nếu anh không ghi nổi bàn vào lưới đội bạn, thì đội bạn sẽ ghi bàn vào lưới của anh.
Trong trường hợp này, tuyển Morocco còn cay đắng hơn bởi một điều còn hơn cả chân lý thường thấy, đó là: Nếu anh không ghi bàn vào lưới đội bạn, thì coi chừng sẽ có lúc anh ghi bàn vào lưới của chính anh.
Thủ môn của đội Iran đã khóc vì vui mừng, trong khi các cầu thủ Morocco cúi gục đầu. Biết làm sao được, đó là sự nghiệt ngã muôn đời của bóng đá: không knock-out được đối phương thì sẽ tự knock-out chính mình.
Cuộc thi viết "World Cup trong mắt tôi" do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh phối hợp tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận