Một cổ động viên Trung Quốc vẻ lên mặt hình trái tim với màu cờ Trung Quốc khi xem trận Bỉ - Tunisia ở sân vận động Spartak tối 23-6 - Ảnh: AP
Bên ngoài sân vận động Ekaterinburg Arena, người ta bắt gặp một ánh mắt thù hằn mà đã tồn tại từ lâu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khi một cổ động viên lẻ loi vẫy cờ Trung Quốc.
"Senegal! Senegal!", anh chàng người Trung Quốc tung hô một cách đầy miễn cưỡng. Có thể anh vui trong lòng vì đội bóng xứ Phù Tang, một đại diện châu Á, đã không thất bại trước Senegal, một đại diện của châu Phi trong trận hòa 2-2 tối 24-6. Nhưng chính lòng ghen tị đã khiến anh ngoài mặt cổ vũ cho Senegal.
Nhật - Senegal 2-2
Cùng với danh hiệu là đội bóng châu Á đầu tiên đánh bại một đại diện Nam Mỹ tại World Cup là Colombia và hé mở được cánh cửa vào vòng 1/8, Nhật Bản đã mặc nhiên khẳng định được vị trí cường quốc bóng đá châu Á số một của mình.
Không chỉ Nhật Bản, mà Hàn Quốc cũng nằm trong danh sách "GATO" của Trung Quốc. Sự ghen tị đấy đã có từ rất lâu khi đội bóng xứ hoa anh đào và đội bóng xứ kim chi gặt hái được thành công tại World Cup khá sớm.
Nhật Bản đã có mặt tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới 6 lần liên tiếp, trong khi Hàn Quốc lần đầu tiên có mặt tại giải đấu này vào năm 1954 và liên tiếp có mặt kể từ năm 1986. Hàn Quốc còn trở thành niềm tự hào châu Á khi lọt vào bán kết World Cup 2002.
Các "chiến binh Samurai" áo xanh của Nhật trong cuộc so tài với tuyển Senegal ở lượt trận 2 - Ảnh: TWITTER
Còn các fan Trung Quốc, mùa World Cup nào họ cũng có mặt trên các sân vận động để theo dõi, nhưng đội bóng của đất nước tỉ dân chỉ có duy nhất một lần lọt vào vòng chung kết World Cup là vào năm 2002.
Cùng nằm ở khu vực Đông Á, chứng kiến Hàn Quốc và Nhật Bản thành công, dân Trung Quốc ghen tị cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, họ vẫn đến xem với sự ủng hộ bỏ trong lòng, còn sự thù hằn bỏ ngoài mặt.
"Các cổ động viên Trung Quốc quan tâm đến World Cup bởi vì các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc đều tương tự với người Trung Quốc về mặt thể hình", ông Zhou Chao, cây bút chuyên bình luận về bóng đá trên trang tin Sina, đánh giá.
Vị chuyên gia cho rằng cũng thông qua việc theo dõi cách đấu của Nhật Bản và Hàn Quốc, người Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm với mong muốn đưa đội tuyển chen chân vào giải đấu lớn nhất hành tinh của làng túc cầu.
"Chúng tôi đến từ cùng một khu vực và chúng tôi muốn xem họ đấu với các đội đến từ châu Phi và châu Âu như thế nào, để từ đó chúng tôi có thể học hỏi", ông Zhou cho hay.
Một cổ động viên Trung Quốc tới xem World Cup dù vắng mặt đội nhà - Ảnh: TWITTER
Dù ghen tị, Trung Quốc từ lâu đã hướng đến Nhật Bản như một người thầy để hướng dẫn.
Theo cựu huấn luyện viên bóng đá rất nổi tiếng của Nhật Bản Takeshi Okada, hiện nay nhiều huấn luyện viên người Nhật được mời tới làm việc tại Trung Quốc để đào tạo các lứa U17, U18, và U20.
"Tuy nhiên, có một vấn đề là tại các đội bóng hàng đầu, các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc không muốn đào tạo các cầu thủ trẻ. Họ chỉ muốn cải thiện năng lực của đội bóng chính. Tôi hy vọng cách nhìn đó sẽ thay đổi", người từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản vào vòng chung kết World Cup 1998 và 2010 nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận