Binh sĩ Mỹ luyện tập cách mặc quần áo bảo hộ trước khi đến Tây Phi hỗ trợ chống dịch Ebola - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, ông Chris Dye, đại diện WHO, cho biết các chuyên gia y tế hàng đầu của WHO đã không dự đoán trước được quy mô của đại dịch Ebola. Hồi tháng 4, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo có nguy cơ vi rút lây lan nhanh.
Tuy nhiên khi đó WHO tuyên bố Ebola tại Tây Phi không phải là dịch nghiêm trọng và cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra. Dù thừa nhận sai lầm, đại diện WHO cho rằng điều quan trọng ở thời điểm hiện tại là hướng về phía trước.
Ở châu Phi, hơn 1.300 binh sĩ Nigeria đã bị cách ly do tiếp xúc với một người đàn ông Sundan đã thiệt mạng vì Ebola. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng nguồn lực chống Ebola lên 20 lần. |
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 1 tỉ USD để chống dịch Ebola và đến nay mới chỉ huy động được 300 triệu USD, chưa bằng một nửa so với con số kỳ vọng. Tuy nhiên số tiền đóng góp đang tăng nhanh” - ông Dye cho biết.
Cùng ngày, nhà chức trách Tây Ban Nha cách ly thêm bảy người từng tiếp xúc với nữ y tá Teresa Romero, người bị nhiễm vi rút Ebola đầu tiên ở châu Âu. Trong số đó có hai người thợ làm tóc từng phục vụ bà Romero trước khi bà ngã bệnh.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo tình hình ở nước này “phức tạp và khó khăn”. Ở Pháp, một tòa nhà tại ngoại ô Paris được di tản khi có thông báo giả là một người đàn ông châu Phi mắc bệnh.
Trước đó, một trường học ở Pháp rơi vào hoảng loạn khi một nhóm học sinh từ Guinea tới thăm. Thủ tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi người dân cần tránh sự hoảng loạn và hoang mang không cần thiết.
Nhà chức trách Pháp và Tây Ban Nha đều đe dọa sẽ trừng phạt thích đáng những kẻ tung tin đồn nhảm về Ebola.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận