08/02/2021 17:01 GMT+7

WHO bắt đầu xem xét lại hiệu quả vắc xin AstraZeneca

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Để giải đáp về những ngờ vực liên quan hiệu quả của vắc xin AstraZeneca-Oxford với người cao tuổi và đối với biến chủng Nam Phi, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bắt đầu xem xét chuyện này từ ngày 8-2.

WHO bắt đầu xem xét lại hiệu quả vắc xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Vắc xin AstraZeneca-Oxford - Ảnh: REUTERS

Sau khi vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 của liên danh AstraZeneca - Oxford được phê duyệt ở nhiều nước nhờ hiệu quả được báo cáo là cao, đã xuất hiện một số phàn nàn về hiệu quả liên quan lứa tuổi tiêm loại vắc xin này.

Tiếp đến là hiệu quả của vắc xin của liên danh Anh - Thụy Điển đối với biến thể của virus corona đến từ Nam Phi.

Hôm 7-2, chính quyền Nam Phi đã quyết định ngừng sử dụng vắc xin trên và chờ đợi khuyến cáo của các nhà khoa học về các bước tiếp theo.

Quyết định của Nam Phi dựa trên kết quả thử nghiệm do Đại học Witwatersrand tại Johannesburg (Nam Phi) thực hiện, cho thấy vắc xin của AstraZeneca chỉ có hiệu quả phòng ngừa ở mức 22% đối với biến thể của virus ghi nhận tại Nam Phi.

Tuy nhiên, phản ứng với quyết định trên, phát biểu với báo giới tại thủ đô Canberra, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt nhấn mạnh rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả suy giảm của vắc xin của AstraZeneca cũng như vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech trong việc phòng ngừa trường hợp bệnh nặng hoặc hạn chế nguy cơ tử vong. Ông nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của vắc xin là bảo vệ sức khỏe của con người.

Dự kiến trong vài ngày tới, Úc sẽ phê chuẩn vắc xin của AstraZeneca và đã đặt mua 53 triệu liều vắc xin này. Tháng trước, nước này đã cấp phép sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech. Úc sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech cho người dân từ cuối tháng này.

Nam Phi đã tạm dừng sử dụng vắc xin của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, sau khi dữ liệu cho thấy vắc xin chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 7-2 cho biết chính phủ sẽ chờ đợi khuyến cáo của các nhà khoa học về các bước tiếp theo, sau khi nhận kết quả thử nghiệm đáng thất vọng do Đại học Witwatersrand thực hiện.

Trước đó, Chính phủ Nam Phi có kế hoạch triển khai chủng ngừa vắc xin của AstraZeneca cho nhân viên y tế, sau khi tiếp nhận 1 triệu liều do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất trong ngày 8-2. 

Tuy nhiên, với quyết định mới nhất, Nam Phi sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình chủng ngừa với vắc xin do Johnson & Johnson và Pfizer phát triển thời gian tới, trong khi các chuyên gia sẽ cân nhắc cách thức phân bổ vắc xin của AstraZeneca.

Đến nay cũng có nhiều nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Hi Lạp có những khuyến cáo về sử dụng vắc xin AstraZeneca cho người cao tuổi.

Hồi tháng 11-2020, liên danh AstraZeneca - Oxford từng cho biết vắc xin COVID-19 của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Đến ngày 5-2 vừa qua, ĐH Oxford còn công bố thông tin khẳng định vắc xin của họ có hiệu quả tương tự đối với biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh cũng như đối với các biến thể đã lưu hành trước đó.

Vắc xin của Hãng dược AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, không cần hệ thống dây chuyền bảo quản siêu lạnh.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca bị chê bai do... giá mềm? Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca bị chê bai do... giá mềm?

TTO - Giá rẻ hơn và dễ bảo quản hơn nên vắc xin COVID-19 của AstraZeneca/Oxford được nhiều nước quan tâm. Thế nhưng vắc xin này đã bị chỉ trích tơi tả sau khi công bố đạt hiệu quả 70% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên