19/03/2015 09:33 GMT+7

​Vương Hồng Sển kể chuyện “dậy mùi”

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Cái tên sách là Dỡ mắm nằm dưới tác giả Vương Hồng Sển hẳn sẽ gợi liên tưởng về một thiên ẩm thực bản sắc dân gian hay chuyện gì đó liên quan đến mắm.

Nhưng không phải, tập di cảo vừa được NXB Trẻ in lần đầu là những câu chuyện có thật của tác giả hoặc chuyện của người khác mà tác giả nắm bắt được, được xếp cùng một hệ: “dậy mùi”.

Dỡ mắm là gì? Là công việc người làm mắm sau một thời gian muối, gài, ủ, đến lúc lấy ra dùng. Cụ Vương Hồng Sển nói về chuyện dỡ mắm của ông: “Dỡ mắm là một việc làm “mũi không thơm, tay lấm dơ dáy”, cực chẳng đã, vì không có thức ngon, mới đành phải mót ba con cá hôi trong ao bùn, thêm muối và gài vào lu hũ, chờ qua năm sau, cá ăn muối trở thành mắm, dùng lua hột cơm cho qua bữa”.

Cái hình tượng dỡ mắm ấy, dùng cho việc viết sách thì đây không phải là những câu chữ bốc thơm, mà tác giả gọi thẳng là “bốc thúi”. Có lẽ chính vì tập này dành cho những câu chuyện “dậy mùi”, nên cụ Vương Hồng Sển đã có lời di nguyện dặn rằng: “... tập này, dặn lại, khi chết rồi mới được in hay làm gì thì làm”.

Tuy vậy, những câu chuyện được xem là dỡ mắm của cụ Vương hoàn toàn không dậy cái mùi hậm hực với đời hay ta thán nỗi mình nỗi nhà trước cuộc thế chán chường như nhiều bậc thức giả thường phát sinh khi tuổi xế chiều.

Ðọc, mới biết có lẽ hai chữ “dỡ mắm” dùng đúng nhất là ở những bài cụ đề cập chuyện cá nhân: hai lần chia tay vợ đều do vợ “cắm sừng”. Chuyện đổ vỡ trong gia đình đằng nào cũng xấu, và ít ai can đảm ngồi lật chuyện xấu của mình kể cho thiên hạ như cụ Sển.

Tất nhiên những chuyện cá nhân dù “dậy mùi” như vậy, không phải là không có ích cho hậu thế, nhất là lớp độc giả về sau không còn những hình dung về hôn nhân, nghĩa vợ chồng, về cách cư xử lẫn chuyện đổ vỡ trong đời sống gia đình một người Nam kỳ điển hình như cụ Vương Hồng Sển.

Và quan trọng là ở tuổi 84, cụ ngồi viết chuyện tình hồi xưa, dắt dây dài đến thời hiện tại mà tình cảm vẫn rõ ràng trong sáng, bên trong những tiếc nuối duyên tình còn đọng cả cái nghĩa ở đời mà có lẽ cụ biết là dù gì nó cũng có giá trị với riêng mình.

Một số chuyện “dậy mùi” khác của những người cùng thời, cũng được tác giả nhắc đến, như góp thêm một vài chuyện “không thơm” thôi, chứ giọng văn tuyệt nhiên không đả phá ai.

Những câu chuyện như vậy, từ cách kể của cụ Vương Hồng Sển, nó “dậy” lên một mùi khác, đó là mặt trái của nhân sinh, là phía bên kia của lòng người, mà không phải lúc nào, ở đâu người có tinh thần cầu tiến cũng gặp người nhắc nhở. Dỡ mắm là cái nhắc nhẹ nhàng, thoạt tưởng dành cho chính cụ Vương, nhưng có lẽ còn nhiều người khác được “ngộ” ra.  

Dỡ mắm còn một phần rất quan trọng là những bài cụ Vương Hồng Sển viết về quan toàn quyền Pháp Paul Doumer.

Đây cũng là tư liệu về khả năng dịch thuật của cụ, bởi cụ đã dịch nhiều đoạn trong quyển hồi ký của Paul Doumer, qua đó hành trạng ông quan toàn quyền này hiện lên như một người có biệt tài về lãnh đạo và kiến thiết xứ Đông Dương thời đó.

Ảnh: L.Điền

        

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên