09/05/2018 09:18 GMT+7

Vực sâu thương mại Mỹ - Trung

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Bất kể những tuyên bố công khai của cả hai bên đều chỉ nói về những điều tích cực, có một thực tế rõ ràng là phái đoàn thương mại Mỹ đã rời Bắc Kinh mà không có bất cứ thành quả cụ thể nào để “mang về báo cáo” với Tổng thống Donald Trump.

Vực sâu thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Các thành viên trong phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ, trong đó có Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, rời một khách sạn tại Bắc Kinh ngày 4-5 - Ảnh: REUTERS

Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa cho biết hai ngày đàm phán kết thúc hôm 4-5 rốt cuộc chỉ đạt được thỏa thuận là hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, không gì khác. Điều này cũng có nghĩa đe dọa áp thuế với 150 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc của Mỹ vẫn còn nguyên hiệu lực và chỉ chờ giờ "khai hỏa". Tiết lộ về "những yêu sách" của mỗi bên trong cuộc đàm phán vừa qua cho thấy "vực sâu" ngăn cách giữa hai bên rất lớn và vẫn "còn nguyên đó".

"Toàn gậy, không cà rốt"

Phía Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại hằng năm của họ với Washington xuống còn 200 tỉ USD vào cuối năm 2020 (tương đương với việc giảm 60% thặng dư thương mại của Trung Quốc trong ba năm) và không được có động thái trả đũa với chính sách thuế quan của Mỹ, chí ít cũng chỉ áp mức thuế với hàng Mỹ ngang mức thuế quan ở chiều ngược lại.

Ngoài ra, Washington muốn Bắc Kinh dừng chính sách trợ giá và các chương trình hỗ trợ khác của chính phủ với kế hoạch Made in China 2025 nhằm bành trướng thế lực của họ trong các ngành công nghiệp chiến lược từ robotics tới các loại xe điện. Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh phải mở cửa thị trường rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài với hạn chót là ngày 1-7 tới. Đây được cho là điều rất khó chấp nhận, nếu không muốn nói là không thể vì yêu sách này "đánh" trúng vào vấn đề chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

Trước khi tới Bắc Kinh, đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, tuyên bố mục tiêu của đàm phán không phải là thay đổi hệ thống chính sách của Trung Quốc, mà là yêu cầu họ cởi mở hơn. Tuy nhiên từ những nội dung vừa nêu, có thể thấy lập trường đàm phán của Mỹ chẳng khác nào một yêu sách đòi hỏi Trung Quốc phải có mô hình kinh tế mới để thích ứng với đòi hỏi từ Mỹ.

Trong khi đó về phần mình, Trung Quốc cũng đưa ra một loạt yêu cầu rất khó được phía Mỹ chấp nhận. Trung Quốc yêu cầu Chính phủ Mỹ nới lỏng chính sách kiểm soát với các hàng hóa công nghệ xuất khẩu của họ, những mặt hàng có thể sử dụng trong quân đội. Trên thực tế, các quy định kiểm soát này đã tồn tại trong gần ba thập kỷ và chắc chắn sẽ không bao giờ được nới lỏng trong bối cảnh Mỹ luôn coi Trung Quốc là một thế lực đối đầu. Trung Quốc cũng muốn Mỹ mở cửa thị trường với các sản phẩm công nghệ thông tin do Trung Quốc sản xuất nhưng Mỹ lại đang đi theo hướng ngược lại, ngày càng ngờ vực hơn độ tin cậy của những sản phẩm này.

Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ thừa nhận họ là nền kinh tế thị trường tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm giảm bớt quy mô trừng phạt trong các tranh chấp thương mại. Bắc Kinh tuyên bố nếu Mỹ không chấp nhận điều này, họ sẽ đối xử với Mỹ như một nền kinh tế phi thị trường tại WTO.

Vực sâu thăm thẳm

Dễ thấy là hai bên sẽ còn tiếp tục "vờn" nhau trong những quan điểm tỏ ra "mềm mại" hơn khi quá trình đàm phán vẫn còn tiếp tục. Tuy nhiên trong các vấn đề lợi ích cốt lõi, vẫn có một vực sâu ngăn cách giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong khi Bắc Kinh quyết chí trở thành một cường quốc công nghệ thì Washington nhìn thấy trong xu thế trỗi dậy đó nguy cơ tiềm ẩn với các doanh nghiệp Mỹ. Hai bên vẫn sẽ thương thuyết nhưng thời gian thì không chờ ai cả. Bắt đầu từ ngày 23-5, Mỹ có thể chính thức áp biểu thuế mới với khoảng 50 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc. Và chắc chắn Trung Quốc sẽ không chậm trễ trong việc tung đòn đáp trả.

Cũng đã có những tín hiệu mong manh về kỳ vọng thay đổi thực tế, tuy nhiên rất hạn chế. Cả hai nước đều nói muốn thường xuyên gặp gỡ, đàm phán. Cả hai cùng nói về việc muốn có một quan hệ thương mại cân bằng hơn và Trung Quốc muốn mua hàng Mỹ nhiều hơn. Song trên thực tế, cả ông Trump lẫn ông Tập đều đang nỗ lực gây dựng hình ảnh là các nguyên thủ bảo vệ quyết liệt cho những lợi ích quốc gia, và cho tới lúc này khi quan điểm thương thuyết của họ đã được bộc lộ quá rõ với dư luận, việc một bên nào chủ động "xuống nước" dường như cũng khó khăn hơn nhiều.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng

Ngày 8-5, Trung Quốc công bố dữ liệu thống kê hoạt động thương mại của nước này trong tháng 4-2018. Theo đó, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 21,5% và xuất khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về tổng thể, cán cân thương mại trong tháng 4 của Trung Quốc đạt 28,78 tỉ USD. Thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ đạt 22,19 tỉ USD, tăng thêm hơn 7 tỉ USD so với mức thặng dư thương mại 15,43 tỉ USD của tháng 3-2018.

Ông Kim vừa rời Trung Quốc, ông Trump điện cho ‘ông bạn Tập’ Ông Kim vừa rời Trung Quốc, ông Trump điện cho ‘ông bạn Tập’

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng thể hiện mình không đứng ngoài cuộc chơi vấn đề Triều Tiên khi thấy quan hệ Trung - Triều gia tăng cấp tập.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên