Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield - Ảnh: REUTERS
Báo South China Morning Post (SCMP) bình luận việc Mỹ trở lại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ mở đường cho các căng thẳng mới giữa Washington và Bắc Kinh.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Washington sẽ tập trung vào nhiều vấn đề, từ các hành vi được cho là vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, Afghanistan và Syria; đến các chủ đề rộng hơn, bao gồm quyền của phụ nữ, bất công về chủng tộc và sắc tộc, cũng như bạo lực đối với các nhóm thiểu số.
"Chúng tôi cũng sẽ chống lại việc bầu chọn các quốc gia có hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, khuyến khích những ai cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong nước lẫn quốc tế tìm kiếm cơ hội gia nhập Hội đồng nhân quyền", bà Thomas-Greenfield nêu rõ.
Đưa Mỹ trở lại Hội đồng nhân quyền là một trong những cam kết của Tổng thống Joe Biden khi tranh cử. Washington đã rời khỏi cơ quan này vào tháng 6-2018 sau một loạt chỉ trích của tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đối với Liên Hiệp Quốc.
Ngoài Mỹ, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 nước thành viên cũng đã chọn 12 nước khác vào Hội đồng nhân quyền trong cuộc bỏ phiếu ngày 14-10.
Các nước ứng cử thành viên Hội đồng nhân quyền được bầu theo nhóm địa lý để đảm bảo tính đại diện đồng đều. Nước thành viên không được phục vụ nhiều hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Theo Hãng tin Reuters, Mỹ nhận được số phiếu tán thành thấp thứ hai, chỉ sau Eritrea với 144 phiếu thuận.
Nhà nghiên cứu Brett Schaefer thuộc Quỹ Heritage nhận định việc Mỹ sẽ tập trung hơn vào Trung Quốc không có nghĩa Hội đồng nhân quyền sẽ thông qua một nghị quyết lên án nước này. Bắc Kinh hiện là một trong các thành viên của hội đồng với nhiệm kỳ 3 năm vừa bắt đầu vào năm nay.
"Một trong những lý do là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Mỹ và Liên minh châu Âu rất miễn cưỡng đối đầu với Bắc Kinh tại những tổ chức như vậy vì họ sợ sẽ thua trong một cuộc trưng cầu ý kiến", ông Schaefer nêu quan điểm với SCMP.
Theo Reuuters, những lo ngại về nhân quyền ở các nước khác đã nhiều lần bị chính quyền Biden gạt sang một bên vì các ưu tiên an ninh quốc gia và sự can dự với các nước lớn khác.
"Với khá nhiều sai lầm cho đến nay, Mỹ nên sử dụng thời gian của mình trong hội đồng để thúc đẩy vấn đề nhân quyền giữa bạn bè và đối thủ như nhau", ông Louis Charbonneau - giám đốc phụ trách Liên Hiệp Quốc của Tổ chức theo dõi nhân quyền - nói với Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận