26/03/2024 12:58 GMT+7

Vụ Vạn Thịnh Phát: Tổ thanh tra báo cáo trung thực nhưng trưởng đoàn cắt bỏ?

Sáng 26-3, các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát tại tòa ngày 26-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát tại tòa ngày 26-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Luật sư Nguyễn Danh Huế - bào chữa cho bị cáo Trần Văn Tuấn (thành viên đoàn thanh tra) - cho rằng vai trò của bị cáo rất mờ nhạt.

Tổ thanh tra Ngân hàng SCB đã làm hết trách nhiệm?

Theo cáo trạng, bị cáo Tuấn là tổ trưởng Tổ thanh tra số 4 (đợt 1); thành viên Tổ 1 (đợt 2). Kết quả thanh tra đợt 1, bị cáo Tuấn đã làm rõ sai phạm của Ngân hàng SCB liên quan đến 18 khách hàng vay vốn tại dự án Chợ Vải.

Tuy nhiên, tại báo cáo kết quả thanh tra, các dự thảo và kết luận thanh tra 3959 đã không báo cáo đúng, đủ, trung thực, khách quan về các sai phạm và không có kiến nghị đúng để xử lý, ngăn chặn các sai phạm này.

Ở đợt thanh tra thứ 2, ông Tuấn đã đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay nhóm 71 khách hàng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. 

Bị cáo là người trực tiếp tổng hợp kết quả thanh tra của Tổ 3, biết rõ sai phạm của 52/71 khách hàng phải chuyển cơ quan điều tra để làm rõ nhưng thống nhất ký báo cáo kết quả thanh tra là không chuyển hồ sơ sai phạm.

Quá trình thanh tra, ông Tuấn được nhận tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng từ SCB nhưng đã nộp lại toàn bộ số tiền khắc phục.

Trình bày bào chữa, luật sư cho rằng ở đợt thanh tra đầu, liên quan dự án Chợ Vải, báo cáo kết quả thanh tra của Tổ 4 đã phản ánh khách quan, trung thực với tình trạng của SCB.

Tổ 4 cũng là tổ duy nhất khảo sát lại hiện trường và có báo cáo quyết liệt. Báo cáo thể hiện rất trách nhiệm, chỉ ra sai phạm của SCB chi nhánh Chợ Lớn và có báo cáo kiến nghị xử lý sai phạm, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giám sát SCB.

"Báo cáo Tổ 4 khách quan, trung thực, tuy nhiên báo cáo này đã bị đoàn thanh tra cắt bỏ, loại đi nhiều kiến nghị. 

Với vai trò tổ trưởng Tổ 4, ông Tuấn đã báo cáo khách quan, trung thực. Về việc báo cáo bị cắt bỏ, trách nhiệm đó thuộc về các bị cáo khác. Các thành viên Tổ 4 thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Trưởng đoàn thanh tra là người chịu trách nhiệm cao nhất với kết quả". Luật sư trình bày và khẳng định bị cáo chỉ có vai trò thứ yếu, người làm công ăn lương.

Ký phiếu biểu quyết cho vay vì công việc chung ở SCB

Luật sư Trần Bá Học - bào chữa cho bị cáo Trần Thuận Hòa (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) - cho rằng trong bối cảnh hợp nhất 3 ngân hàng thì bà Trương Mỹ Lan cũng như các bị cáo trong thành viên HĐQT Ngân hàng SCB nói chung và bị cáo Hòa nói riêng đã nỗ lực thực hiện một công việc chưa từng có tiền lệ.

Vì những sự việc chưa có tiền lệ nên các bị cáo trong nhóm HĐQT rất khó khăn, thách thức trong việc quyết định thực hiện 71 khoản vay xử lý cho nợ xấu tồn tại trước đây theo phương án tối ưu nhất có thể.

Theo luật sư, các bị cáo đã đồng ý bổ sung hàng loạt tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào để đảm bảo cho 71 khoản vay với giá trị tài sản được định giá gần 53.000 tỉ so với tổng dư nợ gốc hơn 19.000 tỉ. 

Như vậy, tài sản đảm bảo đã gấp gần 2,5 lần so với dư nợ gốc.

Như lời khai của bị cáo và các tài liệu chứng cứ có trong vụ án thì hành vi của bị cáo là có, bị cáo Hòa cũng đã thừa nhận hành vi. Nhưng đề nghị hội đồng xét xử xem xét và đánh giá hành vi của bị cáo một cách khách quan và toàn diện.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Kiến nghị không tính thiệt hại những khoản vay có tài sản lớn hơn dư nợVụ Vạn Thịnh Phát: Kiến nghị không tính thiệt hại những khoản vay có tài sản lớn hơn dư nợ

Luật sư cho rằng ông Diệp Bảo Châu không phải là người được bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) bố trí làm việc tại SCB mà ông này đã làm việc tại SCB từ năm 2007.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên