22/07/2014 17:04 GMT+7

Vụ thịt thối: Trung Quốc thanh tra, nhà hàng ngừng mua thịt

CH.LUÂN
CH.LUÂN

TTO - Ngày 22-7, Trung Quốc đã ban hành lệnh thanh tra các nhà hàng trên toàn quốc đang sử dụng nguồn thịt từ nhà cung cấp Thượng Hải Husi Food - mà McDonald's và Yum! Brands là 2 trong số các khách hàng, sau khi nhà máy này bị đóng cửa vì cáo buộc bán sản phẩm hết hạn sử dụng.

Phát hiện vụ bán thịt thối cho McDonald’s, KFCBê bối thịt thối ở Trung Quốc lan sang Nhật BảnNgười vạch trần vụ sữa nhiễm melamine bị giết

f4WPoB35.jpgPhóng to
Món Big Mac hamburger của McDonald's bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh. Cả McDonald’s và Yum đều đang điều tra nhà cung cấp thịt Husi Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg

Thanh tra Trung Quốc sẽ tiến hành đợt "kiểm tra triệt để" tập trung vào các khách hàng của Công ty Thượng Hải Husi Food Co. để bảo đảm an toàn thực phẩm, như kiểm tra hóa đơn mua hàng và giấy chứng nhận kèm theo, theo tuyên bố đăng trên trang web của Cục Quản lý an toàn thực phẩm - dược phẩm Trung Quốc.

Cơ quan quản lý cho biết trường hợp của Thượng Hải Husi sẽ được giao cho cảnh sát nếu có nghi ngờ phạm pháp, đồng thời sẽ tiến hành điều tra tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm khác ở Trung Quốc do công ty mẹ là Aurora thuộc OSI Group, trụ sở Illinois (Mỹ) đầu tư. Phạm vi điều tra sẽ mở rộng ra các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông và Vân Nam.

OSI Group đã xin lỗi các khách hàng của mình và cho rằng đây chỉ là "sự kiện riêng biệt" theo một tuyên bố đăng trên trang web của mình.

Ngay trong ngày, khi kênh truyền hình địa phương Dragon TV đưa tin các công nhân nhà máy Husi Thượng Hải đã đóng gói và bán thịt gà, thịt bò hết hạn sử dụng, chính quyền Thượng Hải đã đình chỉ hoạt động nhà máy này. Các cáo buộc đang làm dấy lên lo ngại về vấn đề thực phẩm kém an toàn ở Trung Quốc, theo sau vụ bê bối thịt cừu chứa ADN của loài cáo và sữa bột trẻ em có melamine - một hợp chất được sử dụng trong nhựa.

McDonald’s Corp. và Yum! Brands Inc. cho biết đã ngưng mua thịt từ công ty trên và yêu cầu tất cả cửa hàng của mình ngừng sử dụng các sản phẩm từ Husi Thượng Hải. Họ đã bắt đầu điều tra, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khách hàng vì sự bất tiện do thiếu hụt một số món trong thực đơn. Starbucks Corp. cũng dỡ bỏ một số món trước đây.

Người phát ngôn McDonald's Mỹ Heidi Barker cho biết thịt đã được bán tại một số nơi ở Trung Quốc và Nhật Bản. Nhà máy chỉ cung cấp cho thị trường Thượng Hải và không phải trên khắp cả nước. Tại Nhật, chỉ có món McNuggets của McDonald's bị ảnh hưởng.

Dragon TV đưa tin nhóm phóng viên có mặt tại các nhà máy Husi Thượng Hải đã nhìn thấy bằng chứng thịt gà và bò quá hạn vẫn được đóng gói và dán lên đó thời hạn sử dụng thêm 1 năm nữa.

Cổ phiếu rớt giá

Chuỗi quán cà phê lớn nhất thế giới Starbucks cho biết không làm việc trực tiếp với Husi Thượng Hải, mà một trong số những nhà cung cấp của họ đã làm việc đó. Sản phẩm bị ảnh hưởng là món bánh kẹp gà và táo chỉ bán tại Trung Quốc và nay đã ngưng bán, theo tuyên bố của Starbucks.

Cổ phiếu của Yum trên sàn New York ngày 21-7 đóng cửa giảm 4,2% còn 74,13 USD, trong khi McDonald's giảm 1,5% còn 97,55 USD, Starbucks giảm 0,4% còn 77,61 USD.

Trong vòng chưa đầy 2 năm, McDonald’s và Yum đã vướng vào 2 vụ bê bối an toàn thực phẩm liên quan đến các nhà cung cấp Trung Quốc.

Tháng 12-2012, chính quyền Thượng Hải công bố các cuộc thử nghiệm từ năm 2010 - 2011 do bên thứ 3 tiến hành đã phát hiện nồng độ kháng sinh cao trong 8 lô hàng thịt gà mà Công ty thực phẩm Liuhe Group cung cấp cho Yum!. Đây cũng là nhà cung cấp của McDonald's tại Trung Quốc vào thời điểm đó.

An toàn thực phẩm - mối bận tâm lớn thứ 3 của dân Trung Quốc

Trung Quốc chiếm 1/2 doanh thu của Tập đoàn Yum! trụ sở Kentucky, Mỹ - vốn đã làm mới lại thực đơn của mình trong 2 năm qua để lôi cuốn thực khách. Yum! cũng là chuỗi thức ăn nhanh có thị phần lớn nhất tại nước này - 5% năm 2013, theo Công ty nghiên cứu Euromonitor International trụ sở London. McDonald's xếp thứ hai với thị phần 2,6%.

Trong quá khứ, các công ty trong và ngoài nước tại Trung Quốc đã bị tổn thương nhiều vì nguồn cung kém chất lượng tại địa phương. Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart Stores trong năm 2014 cũng hứa sẽ thúc đẩy kiểm tra các nhà cung cấp của mình, sau khi nhà chức trách phát hiện một số cửa hàng Wall Mart Trung Quốc bán thịt cừu chứa ADN thịt cáo.

Năm 2008, có ít nhất 6 trẻ em chết trong vụ 22 công ty bị phát hiện bán các sản phẩm sữa có chứa chất melamine độc hại để tăng hàm lượng protein.

Vấn đề an toàn thực phẩm - dược phẩm được bình chọn là mối quan tâm lớn thứ 3 đối với người dân Trung Quốc trong năm 2014 - tăng từ bậc 7 của năm 2013, theo cuộc thăm dò trực tuyến của tờ Nhân Dân Nhật Báo tiến hành trên 3,3 triệu người hồi tháng 2-2014.

Trung Quốc đang tìm cách tăng cường vấn đề an toàn thực phẩm bằng cách phạt nặng hơn đối với các vi phạm, tăng cường giám sát thông tin an toàn thực phẩm và nâng mức bồi thường cho người tiêu dùng theo một dự thảo luật mới.

Nước này cũng đang thắt chặt giám sát ngành công nghiệp sữa vốn đã có quá nhiều bê bối.

(Theo Bloomberg)

CH.LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên