12/11/2022 09:05 GMT+7

Vụ tạm hoãn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Phải đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhiều chuyên gia khẳng định như vậy trước việc thông tư 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có hiệu lực khiến hàng loạt kỳ thi phải tạm hoãn.

Vụ tạm hoãn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Phải đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết - Ảnh 1.

Phụ huynh, học sinh tìm hiểu thi IELTS tại IDP - Ảnh: HOÀNG THI

Trong bối cảnh hầu hết các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam đều đang đóng băng, nhiều người đang thắc mắc rốt cuộc nút thắt nằm ở đâu?

Đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo từ đầu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hội đồng Anh Việt Nam cho biết kể từ khi nhận được hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho việc tổ chức kỳ thi IELTS, cụ thể là hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thông tư số 11/2022/BGDĐT (ban hành ngày 26-7-2022), đơn vị này đã sớm thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ.

Hội đồng Anh Việt Nam cũng khẳng định đã hoàn thiện hồ sơ như hướng dẫn và nộp lên Bộ GD-ĐT từ cuối tháng 8-2022. Đến nửa cuối tháng 9, Hội đồng Anh nhận được phản hồi từ Bộ GD-ĐT yêu cầu bổ sung một số nội dung về tổ chức thi. Dự kiến vào thứ 2 tới đây (14-11), Hội đồng Anh sẽ gửi lại Bộ GD-ĐT hồ sơ đã bổ sung theo yêu cầu. 

"Chúng tôi đang làm việc rất sát sao với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng dẫn mới và hy vọng sẽ sớm được tiếp tục tổ chức kỳ thi IELTS ở Việt Nam" - đại diện Hội đồng Anh Việt Nam cho biết. Vị này cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục duy trì những giá trị và chuẩn mực của kỳ thi IELTS tại Việt Nam.

Đại diện IDP Việt Nam cũng khẳng định với Tuổi Trẻ rằng đơn vị này đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nhiều tháng qua. Đến nay, IDP cho biết vẫn đang và sẽ tiếp tục làm việc cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để "giải quyết các câu hỏi liên quan đến vấn đề cấp phép". 

Tuy nhiên, khi được hỏi sâu hơn về những "câu hỏi liên quan" này là gì, cũng như những vướng mắc nào mà IDP đang gặp phải trong việc thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến phải tạm hoãn tổ chức thi IELTS, đại diện IDP từ chối bình luận thêm.

Lãnh đạo một đơn vị tại TP.HCM từng có nhiều năm liên kết với Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) tổ chức một số kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho rằng "nút thắt" cơ bản là ở... quy trình. Các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong thông tư 11 về tổ chức thi cử - từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, giám khảo, đội ngũ coi thi đến cả nội dung đề thi - đều không khó và đơn vị này có thể đáp ứng tất cả.

Tuy nhiên trong hồ sơ gửi bộ, đề án của đơn vị lại có những điểm chưa trình bày chuẩn, chưa hiểu rõ ý của bộ hoặc chưa đúng quy trình. Khi đó, đơn vị này lại phải tiếp tục thực hiện các bước chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định, do vậy tiến độ cũng phải chậm lại.

"Chung quy lại là câu chuyện quy trình. Tôi nghĩ với những quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị nếu trước nay đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức thi ngoại ngữ quốc tế thì sẽ dễ dàng đáp ứng được" - vị này cho biết.

Vụ tạm hoãn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Phải đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết - Ảnh 2.

Dữ liệu: TRỌNG NHÂN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Quy định thêm có cần thiết?

ThS Nguyễn Thị Hồng Yến - phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến - bày tỏ sự băn khoăn trước việc nhiều đơn vị tổ chức kỳ thi năng lực ngoại ngữ, trong đó có NAT-TEST (tiếng Nhật), phải tạm hoãn ở Việt Nam. Trong trường hợp của NAT-TEST, bà cho rằng kỳ thi này đã được chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu. 

Các đơn vị sở hữu bài thi rất khắt khe trong việc lựa chọn đơn vị liên kết tại Việt Nam, đặc biệt xét về năng lực tổ chức. Những vụ lùm xùm về thi hộ, bằng giả với NAT-TEST trên toàn cầu rất hiếm xảy ra. Vì vậy, liệu rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần đưa ra thêm những quy định cho việc cấp phép liên kết tổ chức so với trước đây hay không?

Trong trường hợp thật sự cần thiết, theo bà Yến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dựa vào những chuẩn quốc tế rồi đưa ra thêm một số quy định cho phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, đồng thời xác định các quy định này sẽ tạo được giá trị tăng thêm cho việc tổ chức thi chứng chỉ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên làm việc trước với các đơn vị tổ chức thi từ sớm để xác định lộ trình chuyển đổi, tránh bị động về thời gian dẫn đến phải hoãn thi nhiều đợt. Hiện, theo thông báo từ ban tổ chức NAT-TEST tại TP Hà Nội, kỳ thi này đã phải hoãn những đợt thi vào tháng 10, tháng 12 và dự kiến phải đến tận tháng 2-2023 mới mở lại.

Tương tự, ThS Nguyễn Thị Hoàng Oanh - trưởng ngành Trung Quốc học, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) - cho rằng nên chăng quá trình "siết lại" chỉ nên áp dụng trước hết cho các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chưa được công nhận rộng rãi. 

Với những chứng chỉ có tính toàn cầu như HSK, các đơn vị tổ chức đều đã đưa ra những quy định khá khắt khe từ nhân lực, đội ngũ, trang thiết bị... cho đối tác Việt Nam. Các bên tổ chức cũng phải cam kết với các cơ quan chức năng về nội dung đề thi, không vi phạm một số yếu tố về chính trị, pháp luật, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Trong khi đó, ThS Tú Phạm - tốt nghiệp ĐH De Montfort (Anh), sáng lập nền tảng luyện thi Prep.vn - nêu góc nhìn khác. 

Theo đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế sẽ giúp loại bỏ các kỳ thi kém chất lượng, kém tổ chức, kém chuyên môn hoặc thậm chí có gian lận ra khỏi thị trường. "Qua đó cũng sẽ tạo khung pháp lý để các kỳ thi chuẩn - như IELTS - được hoạt động đúng pháp luật lâu dài, ổn định" - ông Tú Phạm nói.

Sẵn sàng hỗ trợ học viên ra nước ngoài dự thi

Ông Nguyễn Hồng Tú - CEO của Trung tâm Anh ngữ Power English - cho biết những ngày qua trung tâm đã nhận được nhiều ý kiến lo lắng từ phía phụ huynh và học sinh xung quanh việc hoãn thi IELTS tại Việt Nam.

"Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến mới, đồng thời tính toán sẵn kế hoạch B, trong đó có việc cùng phụ huynh đưa các em ra nước ngoài thi IELTS trong trường hợp cấp bách" - ông Tú nói.

Mất cơ hội

ThS Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho rằng cần đặt lợi ích của thí sinh lên trên hết. Cô cho biết các thí sinh tham dự kỳ thi HSK thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong mùa COVID-19, kỳ thi "đóng băng".

Giữa năm 2022 khi được mở lại, vì số thí sinh muốn thi tồn đọng quá lớn nên các bạn phải "xếp hàng" chờ đến lượt. Tiếp đó lại hay tin tạm thời hoãn kỳ thi này.

"Rất nhiều bạn đã bỏ lỡ những cơ hội du học hay có được học bổng vì thiếu chứng chỉ HSK.

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ, chẳng hạn tại tỉnh Đồng Nai, không chọn học đại học mà học thi chứng chỉ HSK để vào làm công ty. Không thể thi để lấy chứng chỉ cũng đồng nghĩa các bạn không kiếm được việc ở những công ty này", cô Oanh nói.

Ngay lập tức chi tiền triệu từ TP.HCM sang Bangkok thi IELTS Ngay lập tức chi tiền triệu từ TP.HCM sang Bangkok thi IELTS

TTO - Giữa lúc kỳ thi IELTS tại Việt Nam đang tạm thời ‘đóng băng’, một số bạn có quyết định táo bạo khi ra nước ngoài dự thi nhằm bổ sung kịp thời hồ sơ du học.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên