Người thân của một nạn nhân vụ tai nạn xúc động khi trả lời truyền thông ở Jakarta - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25-10, điều tra viên chuyên trách các vụ tai nạn hàng không Indonesia, ông Nurcahyo Utomo cho biết vụ tai nạn với chuyến bay JT610 là hệ quả của một chuỗi các sự kiện phức tạp có liên quan đến nhau.
Trong báo cáo, các điều tra viên kết luận rằng nhà sản xuất Boeing của Mỹ đã hoạt động mà không có sự giám sát đầy đủ từ các nhà quản lý Mỹ.
Ngoài ra, hãng chế tạo máy bay của Mỹ cũng không lường trước được những rủi ro trong các thiết kế cho phần mềm điều khiển ở buồng lái của máy bay 737 MAX, cụ thể là hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS).
Thiết bị này dùng để đo góc tấn hoặc độ nghiêng của máy bay. Khi máy bay dốc lên trên quá nhiều, thiết bị sẽ tự điều chỉnh mũi máy bay để lấy lại tốc độ.
Việc dựa vào duy nhất thiết bị cảm ứng khiến MCAS rất dễ gặp trục trặc, trong khi đó thiết bị cảm ứng trên đã bị phát hiện hỏng trong lần sửa chữa trước đó.
Các nhà điều tra kiểm tra những phần thu được từ chiếc máy bay gặp nạn của Hãng Lion Air - Ảnh: REUTERS
Báo cáo cũng cho rằng sự thiếu kỹ năng trong giao tiếp và điều khiển máy bay bằng tay của phi hành đoàn, trong bối cảnh xuất hiện những cảnh báo và sự mất tập trung trong buồng lái đã góp phần gây ra tai nạn.
Những dữ liệu ghi âm trong buồng lái cho thấy trong suốt chuyến bay, cơ phó thứ nhất đã quên nhiều nhiệm vụ mà lẽ ra anh ta phải ghi nhớ và trước đó viên phi công này cũng đã thể hiện kém trong các bài tập huấn luyện.
Thêm vào đó, cơ trưởng cũng đã không tóm tắt chính xác các việc cần làm cho viên phi công này khi bàn giao quyền kiểm soát - và kết quả là chiếc máy bay gặp sự cố chỉ ít phút sau đó.
Dữ liệu từ hộp đen máy bay cũng cho thấy những phàn nàn của cơ trưởng và cơ phó, khi viên cơ phó cự cãi nói rằng anh ta đã bị đánh thức vào lúc 4h sáng để tham gia chuyến bay - vốn không có trong lịch công tác theo kế hoạch, còn cơ trưởng cho biết ông đang bị cơn cảm cúm hành hạ.
Một chiếc Boeing 737 Max 8 của Hãng Lion Air đậu tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta gần thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 15-3-2019 - Ảnh: REUTERS
Các máy bay 737 MAX, dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing, đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau 2 vụ rơi máy bay liên quan đến mẫu máy bay này của Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10-2018 và của Ethiopian Airlines (Ethiopia) hồi tháng 3-2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Hiện Boeing đang nỗ lực để dòng máy bay 737 MAX được phép bay trở lại trong quý 4 năm nay. 737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất và là nguồn thu chính của Boeing.
Việc trì hoãn đưa 737 MAX hoạt động trở lại đã khiến chi phí của hãng bị đội lên 900 triệu USD, nâng tổng chi phí kể từ khi dòng máy bay này bị cấm hoạt động lên tới 9,3 tỉ USD.
Tháng trước, Boeing đã dàn xếp được vụ kiện đầu tiên liên quan đến vụ rơi máy bay của Lion Air. Theo các nguồn thạo tin, mỗi gia đình nạn nhân sẽ nhận được bồi thường ít nhất 1,2 triệu USD.
Trong khi đó, vào ngày 22-10, ông Kevin McAllister - người đứng đầu bộ phận quảng cáo tiếp thị sản phẩm (BCA) của Boeing đã chính thức rời khỏi chức vụ này. Thay thế ông là người đứng đầu bộ phận dịch vụ toàn cầu của Boeing, ông Stan Deal.
Đây là quan chức cấp cao hàng đầu của Boeing bị bãi nhiệm sau hai vụ tai nạn máy bay liên quan đến dòng máy bay 737 MAX của hãng.
Lợi nhuận quý III của Boeing giảm mạnh
Ngày 23-10, Tập đoàn Boeing thông báo lợi nhuận ròng của hãng trong quý III đã giảm 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,2 tỉ USD, trong bối cảnh tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này đang gặp khó khăn trong việc đưa dòng máy bay 737 MAX hoạt động trở lại.
Doanh thu của Boeing đã giảm 20,5% xuống còn 20 tỉ USD. Dòng tiền của công ty đã bị âm ở mức 2,89 tỉ USD, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi công ty ghi nhận dòng tiền dương ở mức 4,1 tỉ USD.
Trong khi đó, lãi cổ tức của Boeing đã giảm từ 1,89 tỉ USD (tương đương 3,58 USD/cổ phiếu) xuống còn 895 triệu USD (tương đương với 1,45 USD/cổ phiếu).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận