Liên quan phản ánh thiếu hụt hàng hóa tại cảng Cát Lái của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng việc rủi ro mất hàng có thể xảy ra ở nhiều khâu, chưa có căn cứ để khẳng định việc mất hàng xảy ra tại cảng Cát Lái.
VPSA sẵn sàng hợp tác để hỗ trợ điều tra, cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh và lý giải việc nghi ngờ hàng bị "rút ruột" từ đầu xuất đi.
Tân Cảng Sài Gòn cử người qua làm việc với doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho hay trong ngày hôm nay (13-6) sẽ có đại diện sang làm việc với hiệp hội và phía doanh nghiệp để xác minh, tìm hiểu căn cứ phản ánh của khách hàng.
Hiện nay vẫn chưa thể xác định được hàng hóa bị thiếu hụt ở khâu nào cần phải kiểm tra chuỗi cung ứng vốn có nhiều điểm dừng. Cụ thể, luồng hàng hóa từ nhà máy chuyên chở hàng xuống cảng, vào kho, vận tải trên biển rồi đến kho người nhập khẩu..., chưa kể công tác kiểm định hàng hóa của hải quan nước bạn. Những công đoạn này đều có thể khiến hàng hóa bị tác động.
Trong giao nhận hàng hóa quốc tế, có kẹp chì container (còn gọi là seal container) được hiểu là khóa niêm phong container để bảo đảm hàng hóa. Trong khi đợi xác minh, tổng công ty cũng đang cho rà soát lại camera, truy gốc vị trí container cũng như xác định thời điểm lưu kho, có ai tác động hay không và hiện nay chưa phát hiện gì bất thường.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng cho kiểm tra chứng từ và đề nghị doanh nghiệp phối hợp với hãng tàu kiểm tra hàng hóa", đại diện SNP cho biết.
Phía cảng cũng đánh giá việc lấy cắp hàng hóa từ container về nguyên tắc không dễ dàng, đặc biệt những container xếp chồng, chưa kể đưa tuồn hàng ra khỏi cảng phải qua nhiều khâu kiểm tra. Do đó doanh nghiệp này cho rằng cần phải kiểm chứng để tránh gây hiểu nhầm cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu của cảng.
Việc đưa thông tin trên website trước khi có kết luận chính xác từ cơ quan chức năng không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của công ty, cả hình ảnh của Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế sẽ thấy không an tâm.
Trước đó, SNP cũng đã có văn bản phúc đáp gửi VPSA liên quan đến vấn đề phản ánh thiếu hụt hàng hóa tại cảng Cát Lái của hiệp hội. Văn bản phúc đáp của doanh nghiệp này cho biết hiện nay các phòng ban chức năng của SNP đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng xác minh thông tin về việc thiếu hụt hàng hóa.
"Tuy nhiên, việc rủi ro mất hàng có thể xảy ra ở nhiều khâu, chưa có căn cứ để khẳng định việc mất hàng xảy ra tại cảng Cát Lái" - văn bản phúc đáp hiệp hội nêu rõ.
VPSA sẵn sàng cung cấp thêm thông tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-6, đại diện VPSA cho biết đã nhận được văn bản phúc đáp của SNP về việc "mất hàng cà phê, hồ tiêu" và sẵn sàng hợp tác để hỗ trợ điều tra, cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này.
Hiệp hội đã làm việc với doanh nghiệp để thông tin chi tiết liên quan đến lô hàng như ngày, giờ xuất khẩu, khối lượng lô hàng, cảng đi, cảng đến...
Theo VPSA, ban đầu chỉ một doanh nghiệp thông tin mất hàng, nhưng tiếp sau đó bốn trường hợp báo mất hồ tiêu, cà phê với tình trạng tương tự và nghi ngờ mất từ cảng xuất đi. Do đó, đơn vị đã có văn bản kiến nghị gửi Cục Hàng hải và SNP.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết tình trạng "rút ruột" trên không hiếm, thậm chí đã xảy ra nhiều lần ảnh hưởng lớn đến uy tín doanh nghiệp, nhưng cần có nhiều kịch bản cho việc mất hàng.
Ông Nguyễn Minh Họa, phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết thời gian qua nhiều container hạt điều cũng bị "rút ruột" trước khi xuất, thậm chí có trường hợp lấy cả nửa container hàng. Nhưng qua điều tra, phần nhiều là do trong quá trình chở hàng từ kho ra cảng tài xế đã móc nối với bên ngoài tìm cách tháo cánh cửa xe để lấy hàng (niêm phong lô hàng còn nguyên vẹn - PV).
"Việc mất hàng nếu xảy ra thì cần xem xét lại vì có nhiều khâu tham gia, nhưng khả năng cao mất ở đầu xuất đi tại Việt Nam, bởi quá trình hàng từ tàu chuyển đến cảng nhập thường an toàn", ông Họa nói.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại TP.HCM cho rằng cần làm sáng tỏ vụ việc để lấy lại uy tín cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo vị này, không phải doanh nghiệp nào đưa hàng vào cảng cũng cân lại, nhưng nếu doanh nghiệp khẳng định có cân tại cảng (sau khi hạ hàng từ xe xuống và trước khi đưa hàng lên tàu) thì cần đưa ra thông tin để đối chiếu.
"Phiếu cân cần ghi rõ thông tin như địa điểm cân, cân trước khi vào cảng hay đã vào trong khu vực cảng, có ai chứng kiến hoặc xác nhận khối lượng, tình trạng hàng tại nơi cân... Có như thế mới đủ cơ sở và quy trách nhiệm cho các bên liên quan. Cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra", vị này nhận định.
Quy trình giám sát hàng tại cảng rất nghiêm ngặt
Ông Nguyễn Văn Dương, đại diện một hãng tàu lớn tại Việt Nam, cho biết tại cảng thường có đặt cân nhưng chủ yếu dùng để cân xem trọng tải container có bị vượt quá quy định và làm cơ sở để bốc xếp hàng đúng quy trình, còn trường hợp doanh nghiệp cân dịch vụ tại đâu là do doanh nghiệp chủ động.
Đối với quy trình tiếp nhận hàng tại cảng, sau khi tài xế chở hàng đến cảng sẽ được cảng xác nhận, sau đó tài xế chạy đến nơi chỉ định để xuống hàng, hàng có thể lưu tại bãi trong ít hoặc nhiều ngày trước khi lên tàu (tùy vào lịch tàu chạy). Doanh nghiệp xuất và nhập sẽ làm việc và lấy hàng thông qua mã vận đơn đã được hãng tàu cấp. Theo quy định, quy trình giám sát hàng hóa được lưu tại cảng hiện nghiêm ngặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận