13/03/2015 07:52 GMT+7

Vụ “Nữ sinh lớp 7 bị đánh: Nên giáo dục thay cho đuổi học

SƠN BÌNH - THÚY HẰNG ghi
SƠN BÌNH - THÚY HẰNG ghi

TT - Đã có sự tranh luận trái chiều của bạn đọc về đề xuất hình thức kỷ luật nặng nhất: “buộc thôi học một năm” đối với một số em học sinh tham gia đánh bạn ở Trà Vinh.

Bạn đọc chia sẻ với cha con em P. - nữ sinh bị đánh - khi em đến TP.HCM khám bệnh - Ảnh: Hữu Khoa

Chúng tôi giới thiệu các ý kiến trong ngành giáo dục về vấn đề này.

* Ông NGUYỄN THÀNH NGUYỆN (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh):

Cân nhắc từng trường hợp

Cha nữ sinh bị đánh đã bớt lo lắng

Sáng 12-3 ông Nguyễn Phước Thành (cha nữ sinh bị đánh) đã đưa con đi Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) “MRI vùng sọ não” do em P. hay nhức đầu từ ngày bị đánh hội đồng.

Theo kết luận của bệnh viện, “hiện tại không ghi nhận tín hiệu bất thường trong nhu mô não tầng trên lều và dưới lều, không khối choán chỗ trong hộp sọ”. Theo ông Thành, kết quả trên làm ông đỡ lo lắng nhưng biểu hiện tâm lý sợ hãi của em P. vẫn còn.

Khi biết tin cha con em P. lên TP.HCM khám bệnh, nhiều bạn đọc đến tận bệnh viện chờ gặp hai cha con hỏi thăm sức khỏe, ủng hộ ít tiền khám bệnh, động viên tinh thần em P., mong em nhanh chóng vượt qua nỗi đau, sợ hãi, tiếp tục học tập tốt. 

HỮU KHOA

Hội đồng kỷ luật phải tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT chứ không thể làm khác. Tuy nhiên phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể mà có hình thức kỷ luật hợp tình hợp lý, nếu rơi vào trường hợp buộc thôi học một năm cũng phải chịu.

Nhưng buộc thôi học không có nghĩa là bỏ rơi các em, mà nhà trường, gia đình và chính quyền phải giúp đỡ cho các em sớm sửa chữa sai lầm, trở lại trường học.

Sau khi xem xét xử lý các em, chúng tôi cũng có những hình thức xử lý trách nhiệm của nhiều cá nhân tại trường, đồng thời có những biện pháp phòng chống bạo lực học đường.

* Thầy BÙI CHÍ HIẾU (nguyên hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long):

Chỉ xử nặng các trường hợp tái phạm

Với việc phạm lỗi như thế của các em, căn cứ vào điều lệ trường trung học, phải đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường, nhưng hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm phải là người chịu trách nhiệm chính.

Hình thức kỷ luật các em phải đảm bảo ba yếu tố: tính giáo dục, sự răn đe và tính cá thể. Các em mới chỉ là những học sinh lớp 7, tương lai các em còn ở phía trước.

Một biện pháp cách ly lâu dài các em khỏi nhà trường (đuổi học một năm, đưa các em vào trường giáo dưỡng...) đều tạo nên một cú sốc quá lớn về tâm lý, có thể dẫn đến bỏ học luôn.

Đừng vì áp lực “tiếng tăm” mà xử lý nặng tay với các em. Tuy nhiên một biện pháp xử lý quá nhẹ nhàng không giáo dục được các em cũng như nêu gương cho các học sinh khác.

Tôi nghĩ rằng các hình thức kỷ luật phải mang tính riêng biệt. Phải phân tích rõ động cơ dẫn đến việc phạm lỗi của từng em, hành vi “bạo lực” của từng em cả trong quá khứ.

Phải xử nặng hơn những trường hợp tái phạm cũng như có băng nhóm “chống lưng” ở ngoài xã hội.

Phải có sự gia giảm cho những em lần đầu phạm lỗi hoặc phạm lỗi do hội chứng đám đông. Trong trường hợp đây chỉ là lần đầu tiên, tôi nghĩ hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học có thời hạn, tối đa là một tháng.

* Ông NGUYỄN VĂN HUẤN (phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre):

Nên cảnh cáo ghi học bạ

Buộc thôi học một năm với các em này là quá nặng bởi các em còn nhỏ, chưa ý thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội như thế nào.

Cần xử nghiêm nhưng phải tạo điều kiện giúp cho các em trở thành người tốt sau này, nếu không hình thức kỷ luật sẽ phản tác dụng.

Tôi nghĩ rằng trong bốn mức phạt thì nên chọn cảnh cáo ghi học bạ, sau đó đưa các em này vào danh sách những học sinh cần quan tâm.

Đến khi nghỉ hè nên đưa các em này đi tập huấn “học kỳ quân đội” một tháng hoặc một hình thức tương tự cho các em trải nghiệm. Tỉnh Bến Tre thường xuyên làm việc này và hiệu quả giáo dục rất tốt.

* Ông NGUYỄN HỒNG OANH (giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang):

Không nên buộc thôi học

Khi đưa ra hội đồng kỷ luật phải tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT nhưng phải xem xét yếu tố tuổi tác.

Tuy video clip cho thấy hành vi các em quá hung bạo nhưng nếu các em còn nhỏ, chưa ý thức được hành vi thì không nên áp dụng mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học một năm.

Vấn đề là làm sao cho nạn nhân ổn định sức khỏe, tâm lý để học tập bình thường. Còn những em tham gia đánh hội đồng nên có phương pháp giáo dục để các em nhận ra sai lầm mà sửa chữa bởi tuổi của các em rất nhạy cảm.

* Cô NGUYỄN NGỌC SƯƠNG (Trường THCS Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang):

Tạo cơ hội để sửa đổi

Là một giáo viên, tôi đã nhiều lần tiếp xúc các trường hợp tương tự, phần lớn các em học sinh này có cha mẹ ly dị hoặc đi làm xa, phải sống chung với ông bà.

Những trường hợp này giáo viên phải gắn bó với các em và xem các em như con mình. Đặc biệt phải động viên bạn bè chơi với những em này, động viên các em thay đổi chứ không nên lánh xa, cô lập các em.

Đối với các học sinh trong video clip, trong trường hợp bị đưa vào trường giáo dưỡng, nếu các em sống tốt thì không nói gì, nhưng nếu các em không sống tốt sẽ sinh ra tâm lý hận thầy cô, hận bạn bè và gia đình.

Còn nếu áp dụng biện pháp đuổi học đối với các em thì cũng phải xem xét kỹ.

Dù chỉ đuổi học có thời hạn nhưng nếu nhà trường và đoàn thể địa phương không quan tâm đúng mức thì có khả năng các em không trở lại trường, thậm chí bỏ địa phương theo ba mẹ, họ hàng đi làm nơi xa vì sẽ cảm thấy xấu hổ.

Tôi nghĩ phải tạo cơ hội cho các em sửa đổi và phải để các em trong môi trường giáo dục. Gia đình, nhà trường, bạn bè nên mở rộng vòng tay, cho các em một cơ hội, cứ yêu thương, nhắc nhở, chỉ bảo. Tôi tin đến một ngày các em sẽ nhận ra cái sai của mình và sửa đổi.

SƠN BÌNH - THÚY HẰNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên