11/03/2015 11:22 GMT+7

Vụ nữ sinh bị đánh: sốc, rùng mình, đau lòng

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Đã từng là một học sinh, giờ là cha mẹ, tôi thật sự sốc và rùng mình trước những pha đòn và sự thờ ơ của những "học sinh" trong clip. Nó quá dã man và kinh hãi!

Ấy là lời cảm thán của bạn đọc Tạ Trường Minh (tatruongminh@...). 

Một nhóm nữ sinh hung hăng đánh dã man em P. bị cô lập trong góc tường và nam sinh Lâm Trần Bình Tr. (phài) được xác định là người cuối cùng ném chồng ghế trúng đầu em P.  - Ảnh cắt từ video clip

Bạn Trường Minh đặt những câu hỏi: Ai đã dạy những học sinh này đối xử với bạn bè và người thân theo cái cách như vậy? Dường như việc hành hung và hành hạ người khác đang ngày trở nên hiển nhiên và phổ biến trong xã hội, trong lớp trẻ? Không khó để giải thích tại sao có đến 6.000 vụ đánh nhau trong mấy ngày tết. Một thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện tại. Cơ quan, ban ngành, cá nhân nào có trách nhiệm đây? 

Bạn đọc Huy Tâm (pkhuytam@...) bày tỏ: Tôi thật sự đau lòng và rơi nước mắt khi thấy cảnh tượng khủng khiếp này. Các em rất nhỏ nhưng đã có những hành động côn đồ, vô giáo dục và xem thường sức khỏe, mạng sống của bạn bè mình như thế.

Không những ngoài đường, bây giờ thói hung hãn cũng đang lên ngôi và ngự trị trong học đường. Một hồi chuông báo động cho nhân phẩm, đạo đức, sự vô cảm. Thật nguy hiểm!

Nguyên nhân do đâu? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng. Xã hội? Gia đình? Nhà trường? Tại người lớn? Tại con trẻ?...

Không lẽ đến môi trường giáo dục cũng khủng hoảng niềm tin rồi sao? 

Xã hội ngày mai sẽ đến đâu khi những sự việc đau lòng vẫn tiếp diễn mà không có biện pháp ngăn chặn? 

Ngoc Huan (huanthovabongda@...)

"Thiết nghĩ cha mẹ các em phải xem lại việc giáo dục con cái của mình và nhà trường cần có biện pháp tổ chức quản lý học sinh hiệu quả hơn, vì việc đánh hội đồng này xảy ra trong lớp, trong trường mà nhà trường không hay biết. Không có học sinh nào thông báo cho nhà trường thì thật không ổn chút nào? Mong cho em sớm bình phục sức khỏe và ổn định tâm lý để tiếp tục học tập" - bạn đọc Huy Tâm viết.

Bạn đọc Tường Vân (tuongvan160982@...) thảng thốt: Chưa bao giờ thấy kinh hãi như thế này. Nhân cách đạo đức của học sinh bị suy đồi nghiêm trọng. Làm cách nào để không còn tái diễn tình trạng tương tự là câu hỏi không dễ dành cho gia đình, nhà trường và xã hội. Bản thân gia đình vẫn là yếu tố quan trọng hình thành nhân cách sống của con em mình. Hãy quan tâm tới con em chúng ta nhiều hơn. Hãy dạy dỗ, hướng dẫn chúng trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Đừng để những giọt nước mắt hối hận lăn dài khi một ngày nào đó chứng kiến cảnh con em chúng ta phải tù tội. 

Bạn đọc Măng Côn (lanhmaya@...) chia sẻ: Tôi thật sự đau lòng khi thấy cảnh tượng này. Lòng thương của con người đối với con người nằm ở đâu? Sự giáo dục dạy dỗ cho các em biết yêu thương đồng loại của mình ra sao? Thật đắng lòng... 

Mổ xẻ câu chuyện này, bạn đọc Trương Văn Thuận (truongthuan19@...) bình luận: Nạn vô cảm đã lan tới các em nhỏ trong trường học. Trong khi một bạn bị đánh mà tất cả chỉ đứng nhìn, không ai can ngăn hay báo thầy cô, mà người tổ chức đánh hội đồng chính là lớp trưởng. Nhà trường chọn ban cán sự lớp theo tiêu chuẩn gì vậy? Thầy cô chủ nhiệm lớp có quan tâm hay không? 

Bạn đọc Thai Dinh (thaidinhquoc@..) viết: Nhà trường hãy tăng cường chất lượng môn học đạo đức. Mong rằng các em biết yêu thương, thông cảm, giúp đỡ, tình người... thay vì ganh ghét, hung hãn, vô cảm, mất nhân tính... như trong clip. Ôi, đau lòng quá. Tôi đã không ngủ được sau khi xem clip này. 

Bạn đọc Trần Ngọc Tiến (tienntran.bin@...) nhìn nhận: Đây là hậu quả của căn bệnh chạy theo thành tích của ngành giáo dục. Bây giờ không còn nghe thấy khái niệm "Tiên học lễ, hậu học văn" của lớp học sinh thời nay. Từ sáng đến tối lo kiếm thầy cô học thêm thì còn thời gian đâu mà học lễ. Vẫn còn kịp nếu các vị trong ngành giáo dục dám nhìn thẳng vào sự thật mà làm tròn trách nhiệm của mình đối với xã hội. 

Bạn đọc Bùi Thị Đào (buithidaophumy@...) là một giáo viên đã nghỉ hưu chia sẻ: Tôi quen biết khá nhiều người là giáo viên dạy các cấp I, II, III và được nghe khá nhiều lời phàn nàn, cũng như chứng kiến những đoạn băng trên mạng xã hội về những tệ nạn vi phạm đạo đức của học sinh hiện nay.

Bạn đọc Bùi Thị Đào viết: Tôi thấy việc xử lý các vi phạm nhiều nơi chưa nghiêm, thiếu khách quan. Một số trường còn cố tình né tránh, không dám nhìn thẳng vào sự thật, thậm chí có khi còn kiếm cách để biện hộ, bao che cho những học sinh vi phạm. Xin nói thêm rằng điều đáng buồn và suy nghĩ là có không ít giáo viên cũng không quan tâm nhiều đến tệ nạn ấy, thậm chí có người còn e sợ và né tránh. 

Phản hồi bài Nạn quay rồi tung clip tiếp tay cho bạo lực học đường? 

+ Không thể đổ lỗi cho công nghệ, cho những clip, vì không có những đoạn phim này thì sao xã hội biết được những chuyện đau lòng như thế, làm sao công an vào cuộc điều tra.... Vấn đề ở đây là chúng ta phải giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em như thế nào để tránh những cảnh này tái diễn.

TThuan (daotrongthuan79@...)

+ Tôi chưa xem clip và cũng không định xem clip... nhưng rất tán đồng suy nghĩ này. Những hình ảnh đẹp không được nhân rộng mà những hình ảnh xấu xí lại tràn lan, thì rõ ràng đó là việc tiếp tay cho hành vi bạo lực.

Th.An (thuongan@...)

+ Hành động quay clip ở đây do một trong số những người tham gia hành hung thực hiện, hoàn toàn khác với tính chất của một người quay clip để tố giác tội ác. Nhưng cho dù là clip tố giác thì cũng không nên chia sẻ tràn lan trên mạng hình ảnh bạo lực để làm gì. Những điều xấu xa, ác độc thường dễ dàng để lại ấn tượng trong đầu người xem, dù cho ấn tượng xấu hay tốt thì đó cũng là ấn tượng, và đó là một thứ hạt giống. Hạt giống của bạo lực và tội ác một khi đã được gieo vào đầu, dù ta có kiềm chế thì chúng vẫn sống và nằm im chờ cơ hội, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ nảy nở rất nhanh và kiểm soát tâm trí ta. Đó là lý do vì sao tôi phản đối việc chia sẻ clip.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo (nhatbaovn@...)
- tác giả bài Nạn quay rồi tung clip tiếp tay cho bạo lực học đường 
viết thêm để trao đổi với các độc giả khác

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên