Những học sinh này còn dùng ghế nhựa đánh, thậm chí ném cả chồng ghế xuống đầu nạn nhân - Ảnh chụp từ clip |
Sự việc được cư dân mạng cho rằng xảy ra tại một trường học ở tỉnh Trà Vinh.
Chuyện hành xử kiểu giang hồ, "dằn mặt", trả thù nhau của học sinh từ lâu đã có, thậm chí đâm chém tử thương cũng không hiếm, nhưng đó là bên ngoài trường học!
Lần này là trong lớp học, trong giờ ra chơi, dưới sự chứng kiến của rất nhiều học sinh khác. Đặc biệt đây chỉ là những học sinh ở độ tuổi 12-13 tuổi (lớp 6-7).
Ngoài việc thi nhau đánh bằng tay, chửi, những học sinh này còn dùng ghế nhựa đánh và ném, cao điểm là việc ném cả chồng ghế xuống đầu nạn nhân.
Có thể thấy đây là một hành động có dự tính trước và các em xem nó như là một sự thể hiện bản thân, một chuyện đáng để tự hào nào đó, vì các em đã chuẩn bị sẵn việc quay clip và đưa lên mạng.
Sau sự việc này, vì tuổi còn quá nhỏ, các em có thể bị xử lý bằng các hình thức quản giáo, cảnh cáo và bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại.
Nhưng tương lai các em sẽ ra sao? Và sẽ còn bao nhiêu cảnh như thế trong tương lai?
Những sự việc thương tâm này, không chỉ nhìn thấy hành động dã man và bạo lực của những em nhỏ trong độ tuổi đúng ra là ngây thơ, nhút nhát mà còn cho thấy rất nhiều những “bức xúc”, “căm phẫn” của cộng đồng mạng thông qua việc chia sẻ video nói trên. Họ chia sẻ, chửi, rồi… thôi.
Điều nguy hiểm nhất trong sự việc trên chính là hành động quay và phát tán clip bạo lực này.
Việc đánh người quay clip gây thích thú cho các em chính là ở chỗ quay clip, vì người đánh người đã quá xưa rồi, không còn kích thích, không còn hào hứng nữa! Nhưng có phải các em vốn là như vậy, bản chất hung hãn cần loại bỏ ra khỏi xã hội hay không? Hay các em cũng được "khích lệ" và "dẫn dắt" từ những clip khác từng được tung lên mạng?
Chỉ vài năm trước đây khi video học sinh đánh nhau lần đầu tiên xuất hiện trên mạng thu hút rất nhiều lượt xem, sau đó các video khác lần lượt xuất hiện…
Có bao giờ trong lúc nóng giận, bạn từng nghĩ mình sẽ áp dụng một điều gì đó học được từ phim ảnh, từ Internet hay chưa? Nếu lúc đó bạn không thắng được ham muốn đó, và càng có điều kiện để thực hiện thì sẽ ra sao?
Tóm lại, từ sự việc này, hay bất kỳ hành động bạo lực nào khác, việc quay và chia sẻ clip chẳng những không giúp nạn nhân bình phục, không giúp thủ phạm ăn năn mà chỉ tạo thêm nhiều kẻ hung hãn "tiềm năng" mới, sẽ phát tán hạt giống bạo lực đi khắp nơi!
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc Nhất Bảo. Và tôn trọng ý kiến này, Tuổi Trẻ Online không đăng lại clip trên. Bạn có đồng tình với quan điểm này? Bạn đã từng là nạn nhân, hay chứng kiến một hành vi bạo lực học đường nào chưa? Theo bạn, làm sao để không còn xảy ra nạn bạo lực học đường? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận