15/12/2019 09:11 GMT+7

Vũ Ngọc Khải tài năng, sinh ra để múa

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - "Học xong về đến nhà tôi chỉ muốn ngất lịm đi, tôi đã nghĩ mình cũng ăn thịt, ăn phômai như người ta, tại sao thể lực vẫn yếu?" - nghệ sĩ, biên đạo múa Vũ Ngọc Khải hồi tưởng những ngày khổ luyện ở châu Âu.

Vũ Ngọc Khải tài năng, sinh ra để múa - Ảnh 1.

Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải: “Phải nói thật, nghĩ thật thì mới múa đương đại được. Nếu bạn giả thì một động tác cười trên gương mặt khán giả cũng nhận ra” - Ảnh: Celine Welzels

Múa đương đại đã bền bỉ và âm thầm gây dựng nền móng ở Việt Nam nhiều năm nay. Gần đây, "ngọn lửa" múa đương đại bắt đầu được nhen lên. Vũ Ngọc Khải là một trong số những người được đào tạo ở nước ngoài, quay trở về Việt Nam "góp lửa".

Tôi chưa làm việc trực tiếp với Vũ Ngọc Khải bao giờ mà chỉ xem Khải diễn, tôi thấy anh ấy đúng là một tài năng, một người từ trong bản năng sinh ra để múa. Ngành múa có được thêm những tài năng như Khải thật đáng mừng.

NSND Chu Thúy Quỳnh (chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam)

Vũ Ngọc Khải tài năng, sinh ra để múa - Ảnh 3.

Vũ Ngọc Khải hỗ trợ nghệ sĩ Ichi Go làm workshop cho trẻ em nhiễm virus HIV của mái ấm Mai Tâm trong dự án “Từ tôi đến bạn” - Ảnh: NAM NGUYỄN

Đi tìm "hình" và "khí"

Các vở diễn Vũ Ngọc Khải tham gia như Sương sớm, Mộc, Tích tắc (của Công ty Arabesque), chương trình Nón của anh và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, hay vở Đáy giếng do chính anh biên đạo và thể hiện trong Hanoi Dance Fest 2019... đã khiến rất nhiều khán giả phải thay đổi cái nhìn về múa đương đại.

Ra đi từ một nền múa cơ bản chỉ đào tạo ballet, với lối dạy và học thiên về mô phỏng, sang nước ngoài Vũ Ngọc Khải đã phải "học cách chuyển động" từ đầu.

"Ở Việt Nam thầy làm mẫu và sinh viên bắt chước sao cho đẹp nhất có thể. Còn thầy nước ngoài đòi hỏi sinh viên phải sáng tạo. Ban đầu tôi bị sốc vì không hiểu sáng tạo trong múa là gì. Tôi đã cảm thấy rất tệ khi nhận ra mình thậm chí còn chưa biết cách chuyển động trong múa" - Khải kể.

Vũ Ngọc Khải tài năng, sinh ra để múa - Ảnh 4.

Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải cùng bạn diễn tập vở Đáy giếng - Ảnh: Celine Welzels

Cú sốc thứ hai là sau lần chấn thương rất nặng tưởng phải bỏ nghề ở Hà Lan, Vũ Ngọc Khải ngộ ra vì thiếu hiểu biết về cơ thể nên anh mới dễ bị chấn thương.

Sau đó anh đã cấp tốc ghi tên vào lớp cơ thể học, tìm hiểu sự vận động của cơ, xương, khớp; cách cơ thể phản ứng với môi trường... kết hợp tìm hiểu kiến thức vật lý, hình học không gian (vốn rất quan trọng đối với múa).

Một thời gian làm việc ở châu Âu, Ngọc Khải bắt đầu bị áp lực làm sao phải giỏi hơn nữa. Giải pháp để thoát khỏi stress là lao vào nghiên cứu võ thuật, yoga, tập các bộ môn hỗ trợ múa rồi đi học thiền hai năm.

Sau giai đoạn khổ luyện, Khải bắt đầu cảm nhận được sự gắn kết của thân và tâm. Anh hiểu ra một điều vô cùng quan trọng: "hình phải đi đôi với khí". Cơ thể "made in rau muống" của anh hoàn toàn có thể đạt được sự dẻo dai như các vũ công châu Âu khi biết cách điều tiết được "khí" bên trong cơ thể.

Vũ Ngọc Khải tài năng, sinh ra để múa - Ảnh 5.

Ảnh: Celine Welzels

Về Việt Nam học chữ Nho với bố

Sau hơn 10 năm hoạt động ở châu Âu, Vũ Ngọc Khải đã định sang Hàn Quốc hoặc Nhật Bản làm nghề. Nhưng tiếng gọi từ Việt Nam tha thiết hơn. Cuối cùng, đứa con ham bay nhảy của gia đình có truyền thống 18 đời học chữ Nho đã chấp nhận về Việt Nam để bố dạy chữ.

Ngoài lý do muốn chiều lòng người bố nay đã ngoài 70, Vũ Ngọc Khải bị thôi thúc quay trở về tìm hiểu văn hóa cội nguồn. Các tác phẩm của anh luôn sử dụng vật dụng như chiếc nón, hoa văn chiếu cói, hay động tác múa mô phỏng chọi trâu, chọi gà, sử dụng âm nhạc dân gian Việt Nam...

"Mình sống ở đâu cũng không thể lìa xa cội nguồn văn hóa. Bởi chỉ gắn với cội nguồn mình mới có cái tôi riêng để hòa nhập, còn ngược lại mình chỉ là người đi vay mượn văn hóa mà thôi. Đó là lý do tôi muốn về Việt Nam" - Vũ Ngọc Khải nói.

Về Việt Nam, Vũ Ngọc Khải cùng với cộng sự Văn Quý Ngọc Ái thành lập Tổ chức 1648kilomet (biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các hoạt động cộng đồng) - tượng trưng cho chiều dài đất nước Việt Nam.

Vũ Ngọc Khải tài năng, sinh ra để múa - Ảnh 6.

Vũ Ngọc Khải làm workshop cho múa đương đại Made in Vietnam tại Sài Gòng và Hà Nội - Ảnh: Đại Ngô

Nuôi dưỡng tâm hồn từ những chương trình dành cho cộng đồng

1648kilomet đã thực hiện dự án "Từ tôi đến bạn" mang nghệ thuật đến với trẻ em. Họ dùng kỹ thuật của múa dạy học sinh mù cách ngã sao cho giảm thiểu chấn thương, mời họa sĩ tới dạy vẽ cho trẻ em điếc, mời ca sĩ tới chơi nhạc, hướng dẫn các em thưởng thức âm nhạc, khi buồn thì nghe nhạc gì để vượt qua nỗi buồn.

Mới đây, dự án phi lợi nhuận này đã nhận được hỗ trợ từ BW Project cũng như UNESCO. "Nghệ thuật cho mọi người" sẽ đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khu vực phía Nam sau Tết Nguyên đán 2020 với bốn loại hình nghệ thuật như múa rối, nhiếp ảnh, hội họa và múa - chuyển động.

1648kilomet còn dự định cùng các chuyên gia tổ chức các hoạt động hướng dẫn kỹ năng làm việc với trẻ, mang đến những kiến thức hữu ích cho những ai đang làm việc trong các mái ấm, nhà mở, cơ sở giáo dục...

"Nghệ sĩ quá nhạy cảm nên họ dễ rơi vào trạng thái bất thường. Tôi từng có những khoảng thời gian đen tối ở châu Âu, khi vui hay buồn đều quá mức. Về Việt Nam thấy xã hội phát triển quá nhanh, phần cảm xúc sâu lắng trong mình ít nhiều bị bào mòn. Chính công việc vì cộng đồng này đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, bồi đắp cảm xúc, giúp chúng tôi tái tạo được năng lượng sáng tạo" - Vũ Ngọc Khải chia sẻ.

Vũ Ngọc Khải tốt nghiệp Trường cao đẳng Múa Việt Nam khoa múa ballet hệ bảy năm 1997-2004 và sang học tại Học viện Múa Codarts/Rotterdam Dance Academy (Vương quốc Hà Lan) một năm.

Sau đó anh làm việc trong các công ty, nhà hát tại Việt Nam, Hà Lan, Bỉ, Ý, Đức và Thụy Sĩ. Năm 2018, anh thắng giải nhất cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế tại Hàn Quốc.

Chiếc cầu nối cho vở Đa thức

Sau Đáy giếng (vừa tái diễn vào tháng 10), Vũ Ngọc Khải sẽ tái ngộ với công chúng yêu múa đương đại thông qua vở Đa thức diễn ra tại Nhà hát Quân đội (TP.HCM) vào 20h ngày 20 và 21-12.

Với Đa thức, Khải cùng năm diễn viên múa khác làm việc miệt mài tám tiếng/ngày trong suốt sáu tuần dưới sự dẫn dắt của biên đạo người New Zealand Ross McCormack.

vu ngoc khai va da thuc dsc_5060 2(read-only)

Biên đạo múa Ross McCormack và Vũ Ngọc Khải trên sàn tập vở Đa thức - Ảnh: Phan Trọng Tín

Đa thức là tổng hòa những cách tiếp cận, phương thức chuyển động khác nhau của các vũ công hip hop, ballet, đương đại, nghệ thuật trình diễn... trong sự hòa phối giữa âm nhạc đương đại thế giới và âm nhạc Tây Nguyên.

Trong Đa thức, cách diễn viên tự tạo nên chất liệu (tổ hợp chuyển động) dựa trên những gợi ý về chủ đề của biên đạo (rồi người biên đạo sẽ chọn lọc, sắp xếp chúng theo ý đồ sáng tạo) hãy còn chưa mấy quen thuộc với các diễn viên múa Việt Nam.

Bằng kinh nghiệm biên đạo - trình diễn lâu năm của mình, Khải trở thành chiếc cầu nối xóa nhòa khoảng cách về ngôn ngữ, kinh nghiệm sống giữa biên đạo và diễn viên.

Tại buổi trao đổi với báo giới và công chúng diễn ra ngày 12-12, biên đạo Ross cũng như các diễn viên trẻ Lâm Tố Như, Nguyễn Thạch Sang, Nguyễn Quang Tư cho biết Khải đã giúp quá trình dựng vở trở nên thuận lợi hơn cũng như chia sẻ nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe.

Với Khải, đây là một thách thức vì anh phải làm một lúc hai việc: phiên dịch và sáng tạo. Dù tiêu hao năng lượng nhiều hơn nhưng anh luôn nhiệt thành hỗ trợ chẳng nề hà.

ÁNH VĂN

Động, tĩnh và thần thái đầy thách thức của Múa qua Động, tĩnh và thần thái đầy thách thức của Múa qua 'mắt' Hồng Nga

TTO - Triển lãm ảnh cá nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga lần này mang tên gọi ngắn gọn: Múa, vừa khai mạc sáng 11-7 tại 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q3, TP.HCM).

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên