27/02/2014 07:34 GMT+7

Vụ neo xe cá, 9 ngày vẫn còn giằng co

N.TRIỀU - K.NAM - H.T.DŨNG
N.TRIỀU - K.NAM - H.T.DŨNG

TT - Sau hơn chín ngày giằng co, ngày 26-2 Công an huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đồng ý ghi nhận vị trí xe đậu cách vị trí CSGT đứng 15m nhưng vẫn cho rằng tài xế không chấp hành hiệu lệnh dừng xe.

Có nên làm khó như thế? Không thể bắt dừng xe ngay lập tứcNeo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thối

x9yAnSKA.jpgPhóng to
Chiếc xe tải bốc mùi hôi thối được mở cửa thùng trước sự chứng kiến của chủ xe, chủ hàng cùng một số người dân địa phương - Ảnh: K.Nam

Chủ xe đồng ý đưa xe khỏi hiện trường để tiêu hủy cá chết trong khi giấy tờ xe tiếp tục bị công an giữ.

Trong buổi sáng 26-2, Công an huyện U Minh Thượng đã mời ông Nguyễn Văn Tho - chủ xe cá - đến làm việc, yêu cầu phải di dời chiếc xe ngay để tránh ô nhiễm, nếu không sẽ cưỡng chế và thu phí di dời theo quy định.

Không nhận lỗi, không trả giấy tờ

Tại buổi làm việc, phía cơ quan chức năng có hai phó trưởng Công an huyện là ông Nguyễn Minh Trung và ông Nguyễn Minh Trưởng, trưởng Phòng công thương, một cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường huyện U Minh Thượng, một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân huyện.

Ngoài ra còn có bốn cán bộ khác của Công an huyện và trưởng công an xã, trưởng công an ấp. Đi cùng ông Tho có cha ruột là ông Nguyễn Văn Dữ.

Phía chủ xe đồng ý di dời với điều kiện Công an huyện phải lập biên bản hiện trường, trả giấy tờ xe và hỗ trợ nơi để chôn lấp cá chết.

Ông Lê Thanh Đồng - trưởng Phòng công thương - cho rằng chưa biết bên nào đúng, bên nào sai nhưng phía chủ xe đã tự dùng sơn đo vẽ, đánh dấu vị trí xe, có công an xã và các ngành liên quan chứng kiến nên cần phải đưa xe và cá chết đi xử lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trưởng không đồng ý việc lập biên bản đo vẽ hiện trường vì Công an huyện không giữ xe và đây cũng không phải hiện trường của vụ tai nạn.

Ông Trưởng chỉ ghi nhận vị trí đậu của chiếc xe tải vượt qua vị trí đứng của CSGT là 15m (đo đạc của phía chủ xe ghi tại hiện trường là 13m - PV).

Phía công an cho rằng huyện mới thành lập, không có chỗ để xử lý số cá thối nên đề nghị chủ xe tự di dời và tự xử lý. Riêng giấy tờ xe, ông Trưởng cho biết khi mời tài xế đến sẽ giải quyết đúng quy định. Phía ông Tho đã đồng ý di dời xe khỏi hiện trường.

Đến chiều cùng ngày, đội CSGT huyện U Minh Thượng mời tài xế Lương Hoàng Mỹ đến, yêu cầu ký vào biên bản vi phạm (được lập đêm 17-2) và quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 1 triệu đồng, giam bằng lái một tháng vì lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”.

Anh Mỹ ghi vào biên bản lập đêm 17-2 là không đồng ý với lỗi nêu trên và không nhận quyết định xử phạt. Phía Công an huyện U Minh Thượng lập biên bản viết tay về việc anh Mỹ không nhận quyết định này và tiếp tục giữ các giấy tờ gồm: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, sổ kiểm định xe, bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới và bảo hiểm thân xe.

Công an tỉnh từ chối phát ngôn

Phóng viên Tuổi Trẻ liên lạc được với ông Nguyễn Văn Cường - chủ số cá trên xe. Ông Cường khẳng định ngay trong đêm xảy ra vụ việc (19g ngày 17-2) đã trực tiếp gọi điện điều xe khác tới để sang hàng đi tiếp.

Lúc này một CSGT tên Nam lên tiếng: “Tôi không đồng ý cho mấy ông sang cá tại đây, muốn chạy xe đi đâu sang thì cứ chạy”.

Cũng theo ông Cường, sau đó tới gần 22g khi phía CSGT huyện U Minh Thượng gọi điện kêu trả giấy tờ, khỏi lập biên bản gì hết, ông có gọi điện cho vựa cá Bé Tư ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) để năn nỉ thì chủ vựa cho biết chỉ có thể chờ tối đa tới 2g sáng. Chính vì vậy ông Cường và chủ xe không thể đưa hàng đi tiếp.

Sau nhiều lần hoãn hẹn làm việc với phóng viên, chiều 26-2 đại tá Phạm Trung Thành - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an tỉnh Kiên Giang - đề nghị phóng viên liên hệ trực tiếp với chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng để được trả lời cụ thể về vụ việc.

Theo ông Thành, do UBND tỉnh vừa có công văn (kèm theo các bài báo đăng trên Tuổi Trẻ) “giao chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng kiểm tra sự việc báo nêu, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc trên về UBND tỉnh, đồng thời thông báo rộng rãi đến cơ quan báo chí trước ngày 3-3-2014” nên lãnh đạo Công an tỉnh đã thống nhất để chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng trực tiếp trả lời báo chí.

Phóng viên đề nghị cho biết việc dừng xe, xác định lỗi vi phạm, lập biên bản, giữ giấy tờ xe... của Công an huyện U Minh Thượng có đúng quy trình, quy định hay không. Ông Thành cũng từ chối trả lời.

Trong một diễn biến khác, chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Huỳnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - người thay mặt thường trực UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo xử lý vụ việc này, cho biết ông đã chỉ đạo UBND huyện U Minh Thượng khẩn trương kiểm tra vụ việc mà báo Tuổi Trẻ nêu, báo cáo đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết và trong chiều cùng ngày ông đã điện thoại trao đổi với lãnh đạo Công an tỉnh đôn đốc giải quyết vụ việc, không để kéo dài thêm.

“Khi có báo cáo của huyện, thường trực UBND tỉnh sẽ họp xem xét giải quyết thỏa đáng vụ việc. Nếu tài xế sai thì xử lý tài xế, còn nếu CSGT sai thì xử lý CSGT và phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Trước mắt chỉ đạo địa phương tiến hành di dời chiếc xe trên để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ô nhiễm” - ông Huỳnh nói.

Cảnh sát giao thông phải bồi thường thiệt hại

Tại mỗi tỉnh thành cụ thể mà luật cho phép lực lượng CSGT có quy định về dừng xe khác nhau: tại TP.HCM thì CSGT có quyền ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính từ 22g đến 5g sáng, các nơi khác không có quy định cho phép CSGT làm việc này nên việc yêu cầu dừng xe khi xe không có dấu hiệu vi phạm (và thực tế trường hợp này không có vi phạm) là hành vi có dấu hiệu lạm quyền. Lẽ ra khi kiểm tra mà người điều khiển phương tiện giao thông không có lỗi vi phạm thì CSGT phải cho phép xe đi.

Khi kiểm tra xe mà không phát hiện lỗi của người điều khiển phương tiện, CSGT lại quy kết lỗi do tài xế như không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, rõ ràng hành vi này là khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Đây chính là lý do khiến tài xế cùng chủ xe phản đối và vụ việc trở nên phức tạp, dư luận mấy ngày qua không đồng tình với hành vi của lực lượng CSGT U Minh Thượng.

Phía CSGT U Minh Thượng lẽ ra nên dừng lại hành vi không phù hợp của mình và cho xe đi, thế nhưng họ vẫn tiếp tục xử lý một cách chủ quan, tiếp tục không tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục lập biên bản, khiến cái sai tiếp nối cái sai. Giả sử người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm mà khi lập biên bản, người bị lập biên bản không đồng ý và bỏ đi, không ký tên vào biên bản thì CSGT phải có trách nhiệm giải thích rõ cho người vi phạm quyền và nghĩa vụ của họ, cụ thể trong trường hợp này là đề nghị họ chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa dễ hư như cá, qua xe khác để tránh hư hỏng. Việc hợp tác hoặc bỏ đi... tất cả diễn biến của sự việc đều phải có ghi âm, ghi hình, có nhân chứng và cũng phải có ghi rất cụ thể trong biên bản. Lỗi ở đây là CSGT đã không giải thích, lập biên bản không theo đúng quy trình, đặc biệt không ghi vào biên bản nội dung cực kỳ quan trọng là yêu cầu người vi phạm phải bốc dỡ cá qua xe khác, nên mới dẫn đến việc cá bị hư hỏng. Rõ ràng trong sự việc này đã có thiệt hại thực tế xảy ra, do đó các CSGT có liên quan ngoài việc bị xử lý kỷ luật còn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

N.TRIỀU - K.NAM - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên