26/02/2014 09:16 GMT+7

Có nên làm khó như thế?

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Việc đôi co kéo dài giữa người dân và đại diện nhà chức trách trong vụ cảnh sát giao thông huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) chặn xe chở cá tươi để kiểm tra đã khiến toàn bộ số cá vận chuyển bị hư thối.

Thiệt hại là rõ ràng và ai cũng hiểu không phải do ông trời mà do ứng xử của con người. Hậu quả là cho đến nay - sau chín ngày, hai bên vẫn đổ qua đổ lại không ai chịu ai, mặc cho xe cá trương sình bốc mùi hôi thối cả một khu vực.

Neo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thốiKhông thể bắt dừng xe ngay lập tức Neo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thối

Chặn xe đang lưu thông trên đường để kiểm tra hành chính là việc nhà chức trách có quyền làm. Nhưng nếu không phải là trong điều kiện tình trạng khẩn cấp được ban bố trên địa bàn thì quyền này chỉ được thực hiện trong hai trường hợp: có dấu hiệu phạm pháp quả tang hoặc có nghi vấn mạnh mẽ, gần như hiển nhiên về một vụ vi phạm pháp luật và việc kiểm tra là cần thiết để khẳng định nghi vấn ấy.

Trong vụ chặn xe gây ồn ào mấy ngày nay, kết quả kiểm tra được biết là không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu vi phạm pháp luật nào ở người được kiểm tra. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông lại bắt lỗi người được kiểm tra do không chấp hành hiệu lệnh dừng xe đã được đưa ra.

Thật ra, nếu người lái xe không vi phạm pháp luật, như chở hàng lậu, chở quá tải... thì cái gọi là lỗi “không chấp hành hiệu lệnh dừng xe” chỉ được quy kết một khi việc kiểm tra được thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt như nói trên, nghĩa là một khi nơi kiểm tra được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Thử đặt vào vị trí của người lái xe trong câu chuyện: có thể do nghĩ rằng mình chẳng làm gì trái pháp luật, người này không phục khi nhận được hiệu lệnh dừng xe lại và đã lái xe qua khỏi vị trí đứng của người kiểm tra trước khi dừng hẳn, như một cách bày tỏ thái độ không bằng lòng.

Có thể cách ứng xử đó khiến những người thực thi công vụ cảm thấy không được tôn trọng, nếu không muốn nói là bị coi thường và rồi sự việc bị đẩy đến chỗ gây ra hậu quả thiệt hại đáng tiếc như trên.

Dường như xã hội vẫn còn chưa quen với suy nghĩ theo đó công dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm, trong khi cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ chỉ có quyền làm những gì pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, thể chế đã minh định rằng mục tiêu cao nhất của quản lý nhà nước đối với xã hội là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước và sự mưu cầu lợi ích chính đáng của mỗi con người.

Với mục tiêu đó, người ta buộc phải hiểu rằng các quyền năng được trao cho nhà chức trách trước hết phải được dùng để mở ra hành lang thông thoáng nhất cho việc đi lại, giao tiếp của người dân trong quá trình tham gia vào cuộc sống dân sự.

Nhiệm vụ chính của người được giao chức năng bảo đảm thực thi pháp luật là loại bỏ những nguy cơ, mối đe dọa đối với tài sản, tính mạng của người dân, là xây dựng không gian sống yên bình và có trật tự, chứ không phải là lập những rào cản ngăn sông cấm chợ, gây khó cho dân trong quá trình đi lại, làm ăn.

Trong cơ chế quản lý được xây dựng theo tư tưởng chủ đạo đó, cảnh sát giao thông hay bất kỳ một đại diện nào khác của nhà chức trách không thể nhân danh luật pháp mà chặn phương tiện đang lưu thông một cách ngẫu nhiên, tùy thích để kiểm tra. Công lực mà làm như vậy sẽ dễ sinh tình trạng lạm quyền, sách nhiễu và cuộc sống của người dân do đó cũng không được bình yên.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên