24/02/2014 10:32 GMT+7

Không thể bắt dừng xe ngay lập tức

NG.TRIỀU - C.MAI
NG.TRIỀU - C.MAI

TT - Liên quan tới vụ “Neo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thối”, chiều 23-2 ông Nguyễn Văn Bình - đại diện chủ xe tải - cho biết vẫn chưa di dời chiếc xe tải chở cá đi nơi khác dù cá bên trong chết bốc mùi hôi thối.

CSGT không cho chuyển hàng qua xe khácNeo xe cá, đòi CSGT đền bù hàng ươn thối

tojDnV9C.jpg
Theo ông Bình, ông cũng muốn giải phóng chiếc xe khỏi hiện trường nhưng phía Công an huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) không chịu lập biên bản để làm căn cứ xử lý vụ việc. “Biết neo xe tại đây gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng nếu tôi đơn phương dời đi thì sẽ không có cơ sở nào để đòi CSGT bồi thường về sau. Tôi chỉ cần mấy anh công an lập biên bản ghi nhận hiện trạng là tôi lập tức đưa xe cá chết đi tiêu hủy” - ông Bình nói. Ông Bình cho biết mấy đêm liền ông bắt tài xế Lương Hoàng Mỹ nổ máy xe, bật đèn để các xe khác nhìn thấy mà tránh. Riêng việc khiếu nại lên Thanh tra Công an tỉnh Kiên Giang, ông Bình nói cán bộ thanh tra chỉ nhận đơn, ghi số điện thoại của ông và đến nay chưa có phản hồi.

Không có dấu hiệu vi phạm, không được dừng xe

Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư Việt Nam):

Theo quy định tại điều 14 thông tư 65/2012/TT-BCA của Bộ Công an ngày 30-10-2012, trong trường hợp bình thường, không phải thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề... thì cán bộ CSGT chỉ được dừng phương tiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm (trực tiếp phát hiện hoặc qua các phương tiện kỹ thuật, ghi hình).

Trường hợp xe cá của tài xế Lương Hoàng Mỹ, thực tế cho thấy sau khi CSGT kiểm tra không phát hiện vi phạm gì, ngoại trừ sự việc CSGT cho rằng ông Mỹ không chấp hành hiệu lệnh. Từ đó có thể thấy lúc bị chặn lại, xe của ông Mỹ không có dấu hiệu vi phạm giao thông nào. Còn việc CSGT cho rằng tài xế không chấp hành hiệu lệnh dừng xe với lý do dừng xe quá xa địa điểm bị dừng xe cũng khó chấp nhận được. Cần xem lại điều kiện ánh sáng trên đường tại thời điểm đó, không ngoại trừ khả năng trời tối mà CSGT dùng gậy (thay vì phải dùng đèn chiếu sáng để ra hiệu lệnh dừng xe) dẫn đến việc lái xe không nhận biết được tín hiệu để dừng xe ngay. Nếu cho rằng lái xe cố tình không chấp hành hiệu lệnh thì CSGT cũng phải có chứng cứ chứng minh việc phải dùng biện pháp truy đuổi tài xế Mỹ mới chịu dừng xe.

Theo quy định của pháp luật, không có điều khoản nào quy định khoảng cách tối đa mà lái xe phải dừng lại khi nhận được tín hiệu dừng xe của CSGT là bao nhiêu. Trách nhiệm của người lái xe là phải tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của CSGT, nhưng người lái xe phải quan sát các điều kiện xung quanh, tùy thuộc vào vận tốc xe đang chạy để có biện pháp đưa xe vào lề an toàn. Không thể bắt lái xe phải dừng xe ngay lập tức khi có tín hiệu của CSGT, bất chấp tình trạng xe cộ lưu thông trên đường tại thời điểm đó ra sao. Đó là chưa kể khoảng cách lái xe dừng cách chỗ CSGT đứng chỉ 15m, không phải quá xa.

Theo thông tư 65/2012, nếu CSGT có sai sót trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của xe anh Mỹ thì phải thông báo và phải “cảm ơn ông đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”. Việc CSGT vẫn lập biên bản với lý do lái xe cố tình “không chấp hành hiệu lệnh” rất dễ làm người tham gia giao thông bức xúc, cảm giác như CSGT cố tình hợp pháp hóa việc dừng xe không đúng bằng cách “bới bèo ra bọ”.

Phải nhanh chóng làm rõ

Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể thấy việc neo xe của tài xế, chủ xe cá trong trường hợp này xuất phát từ nỗi bức xúc của người bị chặn xe, không thể tranh luận được với CSGT về việc mình không có lỗi, điều này có thể được thông cảm.

Tuy nhiên, dù không đồng ý lỗi mà CSGT lập biên bản nhưng theo tôi, lái xe và chủ xe cũng ứng xử không đúng. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì trong trường hợp không đồng ý với biên bản của CSGT, tài xế có quyền ghi quan điểm của mình vào biên bản, làm cơ sở cho việc khiếu nại, khởi kiện quyết định xử lý vi phạm sau này.

Còn trong vụ việc ở U Minh Thượng, CSGT không quyết định tạm giữ xe cá, chỉ là tạm giữ giấy tờ xe. Nếu tài xế ký biên bản và dù bị tạm giữ giấy tờ vẫn có thể tiếp tục hành trình với biên bản của CSGT. Tuy nhiên, lái xe không ký tên vào biên bản nên không có giấy tờ để cho xe chạy tiếp. Vì thế, dù sau này có kết luận rằng các CSGT có lỗi trong việc lập biên bản vi phạm của ông Lương Hoàng Mỹ thì đây không phải là lỗi trực tiếp dẫn đến việc xe cá bị hư hỏng, mà do ông Mỹ phản đối CSGT, không ký biên bản, không nhận xe để đi giao hàng.

Dù thế nào đi nữa, tôi cho rằng lãnh đạo Công an U Minh Thượng (Kiên Giang) phải nhanh chóng làm rõ vụ việc, nếu xác định CSGT có vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm, có trả lời thỏa đáng cho người dân để tránh những vụ việc căng thẳng giữa người tham gia giao thông với lực lượng CSGT, bởi những căng thẳng có thể dẫn tới thiệt hại đáng tiếc như vụ của lái xe Lương Hoàng Mỹ.

Bài học của Công an Hải Dương

Ngày 27-5-2013, hơn 2 tấn bạch tuộc của các chủ hàng chuyển từ huyện Cần Giờ lên TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) bị cảnh sát môi trường Hải Dương tạm giữ tại thị xã Chí Linh. Cảnh sát cho rằng số hàng này không có giấy kiểm dịch.

Sáng hôm sau, gần chục người dân đại diện cho 40 chủ hàng phải bay từ TP.HCM ra Hải Dương để giải quyết vụ việc. Theo các chủ hàng, công an giữ lô hàng là không đúng các quy định, khiến toàn bộ số bạch tuộc bị hư hỏng, bốc mùi hôi thối, không thể tiêu thụ được nữa. Ngày 31-5, các chủ hàng đến Phòng cảnh sát môi trường Công an Hải Dương đòi bồi thường lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc, trị giá gần 1 tỉ đồng.

Sau khi có cuộc họp liên ngành, ngày 2-6 ông Nguyễn Trọng Thái - phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương - nói việc cảnh sát môi trường tỉnh mời lái xe tải chở hơn 2 tấn bạch tuộc về cơ quan để xác minh nguồn gốc hàng, kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch chưa là hoàn toàn đúng quy định, trách nhiệm để hư hỏng hàng là của lái xe. Đại diện các chủ hàng không đồng tình, làm thủ tục khiếu nại gửi Bộ Công an và dự kiến làm đơn kiện ra tòa.

Theo các luật sư, lô hàng “chỉ bị kiểm dịch trong trường hợp thủy sản, sản phẩm thủy sản được đưa ra khỏi vùng có công bố dịch. Ở TP.HCM chưa công bố bạch tuộc có dịch nên cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương giữ xe để kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch hay không là sai”.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ đạo chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc. Đến chiều 11-6, Công an Hải Dương có cuộc làm việc với đại diện các ngư dân Cần Giờ bị thiệt hại. Cuối cùng, Công an Hải Dương đồng ý bồi thường cho các hộ dân có bạch tuộc bị hư hại với tổng số tiền là 650 triệu đồng.

Q.Khải

“Chưa bao giờ dừng xe đúng chỗ CSGT đứng”

Trong mấy ngày qua, hàng trăm bạn đọc gửi thư về Tuổi Trẻ bày tỏ sự bức xúc về cách hành xử của CSGT huyện U Minh Thượng. Chúng tôi trích giới thiệu một số đoạn trong các bức thư này.

* Tôi thường xuyên chạy xe, khi đi trên đường mà có hiệu lệnh dừng xe, việc đầu tiên là giảm tốc độ, bật xinhan và dừng cách chỗ CSGT đứng khoảng 20-200m, chưa bao giờ dừng xe đúng chỗ CSGT đứng, cũng chưa bao giờ nghe các anh CSGT nói là dừng quá xa và bị phạt về lỗi này. Tôi thấy các anh CSGT xử lý trường hợp xe cá là quá vô lý, người ta dừng cách có 15m mà nói không chấp hành hiệu lệnh dừng là không ổn.

hanhtn315@...

* Theo quy định là phải có bằng chứng về hành vi vi phạm Luật giao thông thì CSGT mới được dừng phương tiện. Đằng này CSGT dừng phương tiện khi không có bằng chứng gì, rồi sau khi kiểm tra vẫn không phát hiện vi phạm thì quay ra buộc tội tài xế “không chấp hành hiệu lệnh giao thông”.

Trong trường hợp này, tài xế dừng xe cách CSGT có 15m khi có hiệu lệnh giao thông. CSGT cũng không truy đuổi hoặc cưỡng bức dừng xe thì sao có thể gọi là không chấp hành hiệu lệnh dừng xe? Tôi có tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và các thông tư liên quan đều không thấy có quy định lái xe phải cho xe dừng cách chỗ CSGT đứng bao nhiêu mét mới được xem là chấp hành hiệu lệnh. Nếu luật không đề cập thì phải suy đoán có lợi cho công dân.

Hồ Thị Phương Trinh (An Giang)

* Trong vụ này, CSGT giam giấy tờ rồi sau đó trả lại cho đi, chứng tỏ tài xế không mắc lỗi. CSGT biết rõ xe chở hàng tươi sống mà giam giấy tờ mất mấy tiếng đồng hồ, làm xe không tiếp tục hành trình được là gây khó dễ cho dân.

freehugs2011@...

* Tôi cũng có lần bị công an Hải Dương thổi còi ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng nghĩ mình không phạm lỗi, hơn nữa trời lại tối nên tôi vẫn chạy xe một đoạn khá xa (khoảng 400-500m) mới cho xe dừng lại. Khi tôi đi bộ và mang giấy tờ đến, các anh công an chỉ nhắc nhở tôi chạy quá tốc độ (56km/50km) rồi cho tôi đi. Các anh bảo tôi vượt tốc độ chưa nhiều nên không lập biên bản. Tôi cảm ơn và nhớ mãi hành động này.

cafechieu@...

* Các anh CSGT phải hiểu rằng những quyết định sai, quá đáng hoặc khắt khe của mình có thể dẫn đến những hậu quả khó khăn cho người dân. Nhà nước trao cho mình quyền hành là để giúp dân có cuộc sống tốt hơn. Mong các anh hiểu cho, đừng để những hậu quả như thế này tiếp tục xảy ra.

vanhungdhkt@...

L.T.TÂM tổng hợp

NG.TRIỀU - C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên