Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của Đảng Dân chủ đề xuất dự luật bảo vệ quyền lợi cho những người đi máy bay - Ảnh: Reuters |
Trong hơn 20 năm quan sát, tôi chưa bao giờ thấy sự hành xử tệ đến vậy của một hãng bay. Tôi có cảm giác điều này không chỉ là vấn đề của Hãng United |
Ông Kevin Mitchell (sáng lập viên của Tổ chức Business Travel Coalition) |
Reuters cho biết ông Justin Harclerode, người phát ngôn của ủy ban tại Hạ viện, không nói rõ họ dự định mời những ai trong vai trò các nhân chứng tới dự phiên điều trần. Ngày giờ cụ thể cho phiên điều trần cũng chưa được công bố.
Hãng bay tiếp tục xin lỗi
Trong khi đó, bà Megan McCarthy - người phát ngôn của United Airlines - nói rằng hãng bay mong muốn được gặp gỡ, trao đổi với ủy ban phụ trách vấn đề giao thông vận tải của Hạ viện, để có thể chia sẻ với họ các nội dung đánh giá toàn diện và những vấn đề liên quan chủ yếu đến khách hàng trong cuộc trao đổi tuần tới.
Tuy nhiên, bà Megan McCarthy cũng không nói ai sẽ đại diện cho Hãng bay United tham gia phiên điều trần.
Ngày 20-4 (giờ Mỹ) cũng là hạn chót để Hãng United phải hồi đáp những chất vấn chi tiết của Ủy ban thương mại Thượng viện Mỹ về vụ việc xảy ra trên chuyến bay số hiệu 3411 ngày 9-4 khi bác sĩ 69 tuổi David Dao bị các nhân viên an ninh sân bay kéo lê xềnh xệch ra khỏi máy bay.
Cũng ủy ban này của Thượng viện đã yêu cầu Sở Hàng không Chicago, cơ quan chủ quản của các nhân viên an ninh có liên đới trong vụ việc, phải hồi đáp một danh sách câu hỏi độc lập.
Trong cuộc hội đàm qua điện thoại về tình hình tài chính quý đầu năm 2017 tuần này của Hãng United, các lãnh đạo của công ty này một lần nữa gửi lời xin lỗi đến bác sĩ David Dao và các hành khách về sự cố đáng tiếc vừa qua.
Tuần trước, hãng bay cũng thông báo về hai thay đổi chính sách nhằm khắc phục những trục trặc phát sinh từ sau bê bối vừa qua.
Trong đó có nội dung chấm dứt việc huy động lực lượng an ninh ở sân bay tham gia vào việc ép buộc khách hàng phải rời chỗ trên những chuyến bay bị đặt vé quá chỗ.
Theo thông tin từ United, tuần này tổng giám đốc điều hành của hãng cũng đã tới gặp cơ quan lãnh sự của Trung Quốc tại thành phố Chicago để tìm hiểu thêm về những tác động sau vụ việc với thực trạng đặt vé của hành khách Trung Quốc.
Hãng United phục vụ khoảng 20% tổng lượng nhu cầu đi lại đường không giữa Mỹ và Trung Quốc. Hãng này cũng có quan hệ hợp tác với Air China - hãng bay lớn thứ 3 tại Trung Quốc.
Cần có luật bảo vệ khách đi máy bay
Tuần này, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của Đảng Dân chủ đã viện dẫn vụ việc của bác sĩ David Dao như một chứng cứ thuyết phục để đệ trình một dự luật mới về quyền của khách đi máy bay.
Đây là một dự luật toàn diện đầu tiên ở Mỹ bàn về những quyền cần được bảo vệ cho hành khách đi máy bay. Trước đó cũng đã có một số dự luật khác yêu cầu cần có luật quy định về cỡ ghế tối thiểu trên các máy bay.
Theo đó, dự luật của ông Blumenthal sẽ hạn chế việc các hãng bay có thể đuổi khách ra để dành chỗ cho các nhân viên phi hành đoàn, hay các hành khách thuộc diện ưu tiên cao hơn.
Dự luật cũng cho phép hành khách có quyền khởi kiện hãng bay vì những phương thức hoạt động không công bằng hoặc lừa đảo như có thêm các loại phí không thông báo trước, làm giá, thường xuyên trễ chuyến hoặc gây ra những nguy cơ về sức khỏe và an toàn cho khách...
Báo Chicago Tribune cho biết nhân vụ việc xảy ra với bác sĩ David Dao, Tổ chức Business Travel Coalition gồm các thành viên là những người kinh doanh thường xuyên có nhu cầu đi lại bằng máy bay cho công việc hay du lịch (business traveler) ở Mỹ đã hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật bảo vệ quyền của các hành khách đi máy bay do thượng nghị sĩ Richard Blumenthal đề xuất.
Các khách hàng thuộc nhóm “business traveler” thường chiếm tới gần 40% tổng doanh thu thường niên của ngành công nghiệp hàng không, do đó lãnh đạo các hãng bay cũng như các nghị sĩ khó có thể phớt lờ nguyện vọng của họ.
Trên thực tế, vụ việc xảy ra với bác sĩ David Dao chỉ là giọt nước tràn ly sau nhiều năm người dân Mỹ bực bội, khó chịu vì các loại phí lạm thu cũng như việc phải đi trên những chuyến bay đặt vé quá chỗ.
Hãng United thừa nhận sự cố vừa qua cũng đã khiến nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn của họ tỏ ý “lo ngại” và hối thúc hãng bay này sớm chỉnh sửa những sai sót trong phương thức phục vụ khách hàng.
Cha bị nghi ngờ bắt cóc con vì... không giống con Sau vụ việc xảy ra với bác sĩ David Dao, chị Maura Furfey, người Ireland, gửi tới báo Huffington Post (Mỹ) câu chuyện bi hài đã xảy ra với chồng và con chị trên một chuyến bay của Hãng United Airlines chỉ trước vụ của bác sĩ David Dao hơn 1 tháng. Chị Maura Furfey cho biết vì chồng chị, anh Osvaldo Maciel, là người Mexico nên khi anh đi cùng cô con gái 3 tuổi trên chuyến bay của Hãng United ngày 1-3 để về lại New York, đã có người đi trên chuyến bay nghi ngờ anh bắt cóc đứa trẻ vì nước da của cô bé sáng màu, khác hẳn với màu da của cha. Người này thông báo với nhân viên hãng bay và khi máy bay hạ cánh, chồng và con chị Maura Furfey bị dẫn giải ra trước, tới một khu vực riêng để thẩm vấn. Trong lúc người cha tối mặt tối mũi vì những câu thẩm vấn thì đứa bé khóc thét vì sợ hãi. Thậm chí người ta còn gọi điện cho chị Maura Furfey để xác minh sự thật, sau đó mới chịu chấp nhận để hai cha con được về nhà. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận