Tổng thống Trump đã xới tung nhiều vấn đề thuộc trật tự chính trị - thương mại của thế giới trong thời gian qua - Ảnh: REUTERS
Khi chiếc búa mang tên bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump giáng xuống, là xảy ra nhiều điều tệ hại, thậm chí rất tệ hại.
Những tuần lễ gần đây, tổng thống Mỹ dựa trên học thuyết của mình là "Nước Mỹ trên hết" (America First), để tung ra nhiều biện pháp trừng phạt mạnh nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Trump chơi kiểu "nói là làm"
Trừng phạt nước Nga, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đánh thuế thép và nhôm, đe dọa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc: ông Donald Trump đang lên giọng và áp đặt một thế tương quan lực lượng mới. Những "đối tác" nước ngoài của ông ấy đang run và đang tìm cách có được quyền miễn trừ để tránh ngón đòn của Chú Sam.
Dù vậy, trong thời điểm hiện tại, hệ quả cụ thể từ những biện pháp trừng phạt này của Mỹ vẫn khó biết được như thế nào khi mà vẫn đang diễn ra nhiều vụ mặc cả, thương lượng trong nhiều lãnh vực kinh tế khác nhau.
Ví dụ, Washington và Bắc Kinh vừa mới nối lại những cuộc thương thuyết nảy lửa trong khi những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể có hiệu lực vào ngày 22-5.
Nhà Trắng đưa ra những yêu sách cao: giảm 200 tỉ USD thậm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã đạt đến con số 375 tỉ vào năm 2017. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc cố tình vi phạm "đánh cắp sở hữu trí tuệ" của Mỹ suốt thời gian dài và tình trạng thiệt hại "vài trăm tỉ USD" mà người dân Mỹ phải gánh.
Tổng thống Mỹ hứa thông qua những biện pháp trả đũa chống lại những hành vi thương mại "bất lương" gây tổn hại cho nền công nghiệp Mỹ. Đây là một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử mà ông vẫn còn giữ được, khác với việc xây dựng bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico vẫn đang lừng khừng.
Qua hàng loạt các tuyên bố đanh thép, ông Trump đặc biệt khẳng định ý chí muốn làm khuynh đảo các luật lệ kinh doanh thương mại toàn cầu. Thông qua các lệnh trừng phạt, một ông Trump "khó đoán" đang biết rất rõ rằng ông ấy đang nắm giữ trong tay loại vũ khí mạnh, thậm chí ngay cả khi nguy cơ "vung tay quá trán" có thể gây hại cho ông.
Chất thép lên xe lửa vận chuyển đi tại nhà máy ArcelorMittal ở TP Ghent, Bỉ. Mỹ buộc châu Âu phải ngồi vào bàn thương lượng về thuế đánh vào thép - Ảnh: REUTERS
Phương pháp thương lượng hai bước
Ngón đòn của ông Trump giáng xuống trong hai giai đoạn. Trước tiên là đe dọa, có thể được xem như những cú tung hỏa mù với những thông tin gây nhiễu cố ý, rồi sau đó là thông báo những ngoại lệ, khiến những doanh nghiệp trong tầm ngắm lại nuôi hy vọng được "thoát".
Đây là một chiến thuật mang đậm chất Trump trong nghệ thuật "thương thuyết" mà ông từng viết ra thành sách. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, thì gọi đó là "tính khí thất thường" của chính quyền Mỹ. Nhưng cách chính quyền ông Trump đang làm đều có tính toán cả.
Và không giống như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn đang được miễn trừ những loại thuế quan của Mỹ đến 25% trên các mặt hàng thép xuất khẩu và 10% trên các mặt hàng nhôm. Nhưng ưu đãi này chỉ có hiệu lực đến cuối tháng 5 mà thôi.
Và cuộc chiến hẳn còn gay cấn, khi người châu Âu, vốn đang nhắm đến một quyền miễn trừ thường xuyên, đang tránh né kiểu "thương thuyết khi bị gí súng vào đầu". Khái niệm đầy tính tượng hình này cho thấy nhiều điều nữa về cái gọi là tương quan lực lượng như thế nào.
Trong hồ sơ hạt nhân Iran, vở diễn vẫn y như vậy, Mỹ thông qua một quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm đã ký kết và tái khởi động những trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu.
Trong một phát biểu mới đây tại Washington, ông Patrick Pouyanné - tổng giám đốc (TGĐ) tập đoàn dầu khí Pháp Total, đã nhấn mạnh: "Ngay sau khi Mỹ thiết lập lại các biện pháp trừng phạt bổ sung, nhắm vào các thể chế thương mại đang làm ăn với Iran, thì chúng tôi sẽ không còn cơ hội giữ vị trí là một tập đoàn đa quốc gia nữa nếu như Total vẫn tiếp tục làm ăn với Iran".
Hãng tin AFP cũng đã dẫn lời TGĐ Patrick Pouyanné giải thích rằng các biện pháp trừng phạt đó "có thể cho phép tổng thống Mỹ quyết định rằng Total không còn được phép tiếp cận các ngân hàng Mỹ".
Khi đó, ông TGĐ Total sẽ "không thể điều hành một doanh nghiệp đang hoạt động tại khoảng 100 quốc gia trên thế giới mà không tiếp cận được các ngân hàng của Mỹ vì 90% nguồn kinh phí tài chính của Total có liên quan đến các ngân hàng Mỹ".
Ông Patrick Pouyanné giải thích cụ thể: "Tổng thống Mỹ cũng có thể ra lệnh cho các nhà đầu tư không bỏ tiền vào Total nữa, trong khi gần 35% các cổ đông của tôi là người Mỹ và tôi không thể để mất họ. Đây là những quy tắc của cuộc chơi và chúng tôi phải tôn trọng họ vì lợi ích sống còn của doanh nghiệp chúng tôi".
Giáo sư Marcelo Kohen, chuyên về luật quốc tế tại Viện đại học về nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề quốc tế và phát triển tại Geneva, Thụy Sĩ, nhận định rằng thái độ đe dọa bằng trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài nào đã ký kết các hợp đồng kinh doanh với Iran là một hành động "bất chính". Ông bình luận: "Những yêu sách mang tính trịch thượng bên ngoài lãnh thổ Mỹ như thế là không thể chấp nhận được, đứng về góc độ thi hành luật quốc tế".
Nhưng tổng thống Trump chẳng mảy may quan tâm đến chuyện đó. Dường như tổng thống Mỹ đã dứt khoát quyết định vẫn theo đuổi chính sách hung hăn của mình nếu nhớ lại dòng tweet hồi tháng 3 vừa qua của ông ấy: "Những cuộc chiến tranh thương mại luôn tốt và dễ thắng lắm".
Ắt hẳn tổng thống Mỹ đã tự tin như vậy khi biết rằng các nước châu Âu không có khả năng đoàn kết lại thành một khối thống nhất để đáp trả lại các đòng trừng phạt của ông.
Những doanh nghiệp bị thiệt hại
Total. Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Pháp đã thông báo sẽ phải rút khỏi dự án khí South Pars 11 tại Iran nếu không có được quyền miễn trừ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Swift. Washington muốn cắt Iran ra khỏi hệ thống thông tin liên ngân hàng Swift. Công ty Swift đặt tại Bỉ sẽ yêu cầu EU giải trình sáng tỏ tầm quan trọng của các lệnh trừng phạt.
Maersk. Hãng vận tải đường thủy Đan Mạch Maersk đã ra thông báo ngưng hoạt động tại Iran. Các hợp đồng hiện hữu sẽ còn hiệu lực đến ngày 4-11, là thời điểm các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.
ZTE. Doanh nghiệp điện tử khổng lồ của Trung Quốc đã vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Iran và Bắc Triều Tiên nên sẽ không được cung cấp linh kiện của Mỹ trong vòng 7 năm. Doanh nghiệp này đã thông báo ngưng các hoạt động chủ lực và khoảng 75.000 lao động đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận