05/09/2024 15:14 GMT+7

Vụ đàn trâu nhà dính bẫy thú rừng chết: Đặt bẫy ảnh để kiểm soát

Liên quan đến vụ "Đàn trâu nhà dính bẫy thú rừng, nông dân khốn khổ vì thiệt hại nặng", các đơn vị chức năng Ninh Thuận yêu cầu chủ rừng đặt bẫy ảnh để kiểm soát.

Vụ đàn trâu nhà dính bẫy thú rừng chết: Đặt bẫy ảnh để kiểm soát - Ảnh 2.

Xác một con trâu bị mắc bẫy thú rừng chết - Ảnh người dân cung cấp

Ngày 5-9, ông Trần Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết qua bài viết: "Đàn trâu nhà dính bẫy thú rừng, nông dân khốn khổ vì thiệt hại nặng" mà Tuổi Trẻ Online phản ánh, sở đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng kiểm tra tháo, dỡ các bẫy thú rừng.

Đồng thời phải có giải pháp đặt bẫy ảnh để kiểm soát tần suất của những đối tượng lạ ra vào rừng, từ đó xác định được đối tượng đặt bẫy làm cơ sở để phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục người dân có nhận thức tốt hơn, hạn chế được việc đặt bẫy thú rừng trái pháp luật.

Ông Hiếu cho biết sở cũng đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm (chỉ đạo các đơn vị trực thuộc), các đơn vị chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, trục xuất các đối tượng lạ nếu vào rừng không rõ mục đích, vào rừng vì mục đích đặt bẫy, săn bắt động vật rừng trái pháp luật.

Vụ đàn trâu nhà dính bẫy thú rừng chết: Đặt bẫy ảnh để kiểm soát - Ảnh 3.

Bẫy bàn chông được người dân phát hiện tháo gỡ - Ảnh người dân cung cấp

"Hành vi đặt bẫy thú rừng trong các khu rừng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như lực lượng kiểm lâm, lực lượng viên chức chuyên trách bảo vệ rừng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra rừng, tuần tra, truy quét, chống phá rừng.

Đặc biệt là gây nguy hiểm, tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của các loài động vật sống trong các khu rừng, các loài động vật nuôi của người dân chăn thả trong các khu rừng như dê, cừu, trâu, bò…" - ông Hiếu nói.

Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 15 con trâu của 2 hộ dân ở ở thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng (huyện Thuận Bắc) bị mắc bẫy thú chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Tháo gỡ hơn 15 bẫy thú

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Lộc, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trâu mắc bẫy thú chết, ban đã thành lập đoàn kiểm tra và tháo gỡ hơn 15 bẫy của người đặt bẫy thú rừng.

"Khu vực trâu bị mắc bẫy chết là rừng tự nhiên, không có trường hợp trâu chết trong rừng đang trồng. Khu vực này thường xuyên có người dân đặt bẫy thú rừng. Do việc đặt bẫy diễn ra lén lút nên đơn vị không phát hiện tháo gỡ kịp thời" - ông Lộc khẳng định.

Đặt bẫy ảnh để kiểm soát việc đặt bẫy thú rừng  - Ảnh 2.Bẫy thú giá rẻ giết muôn loài

TTCT - 120.000 chiếc bẫy đã bị loại bỏ trong vòng 10 năm qua ở vùng giáp ranh Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Bẫy giá rẻ là cơn ác mộng đối với các loài thú nếu không kịp thời được gỡ bỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên