05/07/2011 07:38 GMT+7

Vụ chuyển giá "lãi thành lỗ": Lan sang doanh nghiệp trong nước

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thu Hương - cục phó Cục Thuế TP.HCM - cho biết hiện tượng chuyển giá không chỉ gói gọn trong phạm vi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn lan sang cả các doanh nghiệp trong nước. Bà Hương nói:

xB4iZCXD.jpgPhóng to
Bà Lê Thị Thu Hương - Ảnh: A.HỒNG

- Năm 2010, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra 827 doanh nghiệp, truy thu 754 tỉ đồng, phạt 246 tỉ đồng. Trong đó Cục Thuế TP.HCM tập trung thành từng chuyên đề như thanh tra doanh nghiệp xây dựng, bảo hiểm, ngân hàng, trường học, các doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp quan hệ giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá.

Cụ thể về việc thanh tra các doanh nghiệp kê khai lỗ trong năm 2010, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra 197 doanh nghiệp kê khai lỗ, điều chỉnh giảm lỗ 2.664 tỉ đồng, truy thu và phạt 272,861 tỉ đồng. Trong đó 15 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Trong 15 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá này Cục Thuế TP.HCM chọn bốn doanh nghiệp để tập trung thanh tra. Hiện tượng giao dịch liên kết đã lan cả sang doanh nghiệp trong nước.

* Các doanh nghiệp trong nước sử dụng thủ thuật nào để chuyển giá, thưa bà?

- Đối với doanh nghiệp trong nước, chủ doanh nghiệp thường thành lập 2, 3 công ty cùng một lúc. Việc kê khai doanh thu của các đơn vị đều do ông chủ điều hành, từ đó họ có thể cho doanh thu công ty này thấp xuống hoặc công ty khác cao lên nhằm điều tiết lãi lỗ của các công ty thành viên để giảm thu nhập chịu thuế hoặc lỗ.

"Có doanh nghiệp thường xuyên kê khai lỗ, có khi lỗ liên tục 10 năm kể từ khi thành lập nhưng vẫn hoạt động và mở rộng quy mô. Nguồn hoạt động chính của họ do tiền công ty mẹ chuyển qua chứ doanh thu của họ không đủ trang trải các chi phí bỏ ra."

Bà Lê Thị Thu Hương

Ngoài ra, một số công ty thành lập nhiều doanh nghiệp với mục đích “làm đẹp” kết quả kinh doanh. Trong niên độ nào đó, một trong số những doanh nghiệp trong nhóm công ty này lên sàn thì những công ty còn lại sẽ tập trung lợi nhuận cho công ty lên sàn để doanh nghiệp lên sàn có hiệu quả kinh doanh cao kéo cổ phiếu lên, nhằm lừa dối nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một thủ thuật mà các doanh nghiệp chuyển giá sử dụng là tập trung lợi nhuận vào doanh nghiệp thành lập sau đang hưởng ưu đãi thuế nhằm giảm bớt số thuế phải nộp.

Theo điều tra của Cục Thuế TP.HCM, việc thành lập cùng lúc nhiều doanh nghiệp còn nhằm dễ dàng vay tiền ngân hàng. Doanh nghiệp này hết hạn mức được vay thì chủ doanh nghiệp sẽ thành lập một doanh nghiệp khác để vay vốn. Cục Thuế TP.HCM sẽ báo động với Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM cùng các sở ngành liên quan để phối hợp ngăn chặn những doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh.

* Nhiều ý kiến cho rằng trình độ trốn thuế của các doanh nghiệp FDI cao siêu hơn rất nhiều so với trình độ quản lý thuế của VN, nên những phát hiện vừa qua chỉ là bề nổi?

- Hầu hết các doanh nghiệp FDI thực tế là công ty con, chi nhánh của các tập đoàn công ty mẹ tại nước ngoài. Các tập đoàn công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao, sau đó các tập đoàn công ty mẹ giao lại các hợp đồng này cho công ty con tại VN thực hiện với chi phí gia công rất thấp. Thậm chí tại một số công ty đơn giá gia công còn thấp hơn cả chi phí tiền lương trả cho công nhân.

Ngoài ra, giá mua nguyên vật liệu hàng hóa, dịch vụ của công ty mẹ ở nước ngoài có hiện tượng cao hơn so với việc mua của các đơn vị độc lập khác hoặc thị trường khác dẫn đến chi phí tăng cao. Một số khoản chi phí dịch vụ thuê quản lý, hỗ trợ kỹ thuật... do nước ngoài cung ứng chủ yếu qua các công ty trong tập đoàn hoặc công ty mẹ. Quan trọng nhất là chi phí thương hiệu, nhiều công ty thành viên tập đoàn nước ngoài kê khai chi phí thương hiệu rất lớn và đó là nguyên nhân dẫn đến bị lỗ lã liên tục nhiều năm.

Trong quá trình thanh tra, nhiều trường hợp Cục Thuế TP.HCM phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá nhưng đấu tranh rất khó khăn. Để xác định được giá bán của các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không dễ dàng.

Hiện nay chưa có cơ sở cho cơ quan thuế địa phương áp dụng phương pháp tính thuế với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, cũng chưa có quy định pháp lý về giá giao dịch liên kết, giá độc lập trên thị trường. Việc định giá giao dịch độc lập trên thị trường rất khó khăn vì phải xác định đúng giá của ngày giao dịch trên thị trường thì doanh nghiệp mới chấp nhận.

Nhiều lĩnh vực việc xác định giá rất khó khăn do có quá nhiều chủng loại như sắt, thép có hơn 50 mặt hàng nhưng qua mấy tháng thanh tra cơ quan thuế chỉ xác định được giá của 17 mặt hàng. Từ đó Cục Thuế TP.HCM chỉ tạm thời điều chỉnh giá và thuế với những mặt hàng mà Cục Thuế khảo sát được giá, những mặt hàng còn lại tạm thời chưa xử lý được.

Kế hoạch 2011-2015, cơ quan thuế sẽ không thanh tra tất cả doanh nghiệp mà tập trung vào những doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá để không lãng phí nguồn lực. Song song với thanh tra nhằm đánh động, cơ quan thuế cũng tăng cường tuyên truyền để người nộp thuế hiểu rằng nếu không tuân thủ tự nguyện sẽ bị xử phạt. Thực tế sau một thời gian đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chuyển giá đã có sức đánh động rất lớn, nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục nhiều năm nay đã có lãi. Ngành thuế sẽ có hội nghị chia sẻ, đào sâu kinh nghiệm, qua đó xây dựng các tài liệu về chống chuyển giá.

Tại hội nghị báo cáo tổng kết công tác thanh tra tài chính giai đoạn 2006-2010 và định hướng nhiệm vụ 2011-2015 cuối tuần qua, Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung rà soát các nguồn thu, chống thất thu thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá (lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, có số hoàn thuế giá trị gia tăng lớn)...

Theo báo cáo của Cục Thuế Lâm Đồng, tính đến thời điểm 31-12-2010 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 110 doanh nghiệp FDI, trong đó có 17 doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến chè. Những doanh nghiệp này khai lỗ nhiều năm liên tục, trong đó nhiều đơn vị lỗ gần hết vốn đầu tư, ngoài ra còn các khoản phải trả rất lớn. Số lỗ năm 2009 là 63,68 tỉ đồng, số lỗ lũy kế đến 31-12 -2009 là 317 tỉ đồng, trong đó số lỗ lũy kế còn trong hạn chuyển lỗ là 264 tỉ đồng. Như vậy xét về khả năng tài chính các doanh nghiệp này không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế không những hoạt động bình thường mà họ còn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, thuê thêm đất trồng chè...

Thông qua nghiệp vụ rà soát, kiểm tra, phân tích hồ sơ Cục Thuế Lâm Đồng nhận thấy các đơn vị trên có biểu hiện bất thường trong kê khai thuế. Cụ thể 1 ký chè búp tươi giá 35.000 đồng, định mức tiêu hao 5 ký chè tươi chế biến được 1 ký trà ô long thành phẩm, như vậy giá nguyên vật liệu chính là 175.000 đồng, chưa tính các khoản chi phí khác. Tuy nhiên giá xuất khẩu của các đơn vị này chỉ có 64.580 đồng/ký (4 USD), chỉ bằng 37% giá thành sản phẩm. Tại thị trường trong nước, giá bán loại trà này là 1,2 triệu đồng/ký.

Trên báo cáo tài chính và quyết toán thuế của doanh nghiệp thể hiện những khoản góp vốn bổ sung vào các thời điểm có nhiều dấu hiệu nghi vấn như các khoản người mua trả trước tiền hàng, cho vay của nhà nhập khẩu không tính lãi, không có thời hạn trả. Đây chính là khoản tài chính để những đơn vị này tiếp tục hoạt động bình thường. Từ đó Cục Thuế Lâm Đồng đã tiến hành các bước kiểm tra chống chuyển giá như xây dựng chương trình, lên kế hoạch thực hiện, thu thập thông tin, tổ chức đối thoại, tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Kết quả Cục Thuế Lâm Đồng đã xử lý hết số lỗ trong hạn được chuyển lỗ để trừ vào thu nhập chịu thuế hơn 258 tỉ đồng. Sau khi Cục Thuế Lâm Đồng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giá xuất khẩu của các công ty đã tăng 2-3 lần so với trước và cao hơn giá thành sản xuất. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm các doanh nghiệp FDI có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên