Nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay giải cứu nhưng doanh nghiệp chưa "bôi trơn" thì không được hồi âm. Nhiều cựu giám đốc nói để được cấp phép đã tìm đường đi "cửa sau", thậm chí có người khai phải bán nhà bù lỗ vì "bị mất chuyến bay" nên họ không còn lựa chọn nào khác, đành phải hối lộ?!
Phiên tòa vụ "chuyến bay giải cứu" đã dành cả ngày hôm qua (20-7) để nhóm bị cáo là các chủ doanh nghiệp phạm tội đưa hối lộ được tự bào chữa. Trái với lời khai của các cựu quan chức cho rằng "không đòi hỏi", nhận tiền chỉ là "quà cảm ơn", nhiều cựu giám đốc doanh nghiệp khẳng định nếu không chi tiền sẽ không được cấp phép và việc đưa hối lộ là "thông lệ".
Đưa hối lộ trong hoàn cảnh bất khả kháng?
Giống như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khai trong những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hồng (giám đốc Công ty Minh Ngọc) cho biết ở giai đoạn đầu tham gia tổ chức thực hiện chuyến bay giải cứu, công ty 4 lần nộp hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ nhưng đều không được phê duyệt. Đến giai đoạn Chính phủ giao tổ công tác 5 bộ phê duyệt, bà Hồng thêm 3 lần gửi hồ sơ đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cũng không được phê duyệt.
Không chỉ vậy, trong tất cả những lần này chưa bao giờ doanh nghiệp của bà được các cơ quan chức năng hồi âm vì sao hồ sơ không đạt, cần bổ sung tài liệu gì. Tìm hiểu từ những công ty đã thực hiện chuyến bay giải cứu, bà Hồng được họ rỉ tai muốn được cấp phép thì phải đi "cửa sau".
"Thời điểm đấy bị cáo đã đi làm các thủ tục giấy tờ theo quy trình. Bị cáo cũng đã xuống tiền đặt cọc vé máy bay của hãng hàng không, đặt cọc tiền thuê khách sạn cách ly nhưng xin cấp phép không có hồi âm nên rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan", nữ giám đốc lý giải về bối cảnh phải chi tiền "bôi trơn".
Cánh "cửa sau" đầu tiên mà bà Hồng tìm đến là Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế). Bà Hồng sử dụng Công ty Minh Ngọc và mượn pháp nhân của Công ty Sora để nhờ Hoàng hỗ trợ xin cấp phép thực hiện chuyến bay giải cứu. Hai bên đã thỏa thuận, bà Hồng đưa cho Hoàng 3,3 tỉ đồng để được giúp cấp phép thực hiện hai chuyến bay.
Thời gian sau, khi Hoàng không giúp đỡ tiếp, bà Hồng qua "cầu nối" là Trần Quốc Tuấn (giám đốc Công ty Vitrato) để liên hệ với những người có thẩm quyền nhờ giúp cấp phép chuyến bay giải cứu. Bà Hồng đã chuyển cho Tuấn 7,4 tỉ đồng nhờ giúp đỡ. Tuấn đưa cho cựu cục trưởng Cục Lãnh sự 20.000 USD, đưa cục phó Đỗ Hoàng Tùng 25.000 USD, đưa Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) hơn 2,4 tỉ đồng...
Bào chữa cho bà Hồng, luật sư cũng đưa ra quan điểm thời gian đầu thân chủ của mình xin cấp phép chuyến bay giải cứu không được chấp nhận cũng không biết khiếu nại ở đâu. Thời điểm dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch rơi vào cảnh khó khăn nên khi có chính sách tổ chức các chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu thì "như nắng hạn gặp mưa rào". Tuy nhiên sau nhiều lần hồ sơ bị từ chối, doanh nghiệp tìm cách đi "cửa sau" và phải chi tiền "trong hoàn cảnh bất khả kháng".
Giống như hoàn cảnh của Hồng, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (người thành lập Công ty Lữ Hành Việt) cũng cho biết giai đoạn đầu gửi hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.
Tự bào chữa, ông Mạnh phân trần trước tình hình dịch bệnh, hoàn cảnh nhiều người khó khăn, bị cáo có danh sách gần 1.000 công dân xin về nước, đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ từ chọn khách sạn, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn... Thế nhưng hồ sơ vẫn không được duyệt, không có cơ quan nào hồi âm nên bị cáo "rất thất vọng".
"Vì thế, bị cáo quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay... Đến giờ phút này, bị cáo khẳng định chính tất cả hành vi mập mờ... đã thúc đẩy bị cáo và đồng nghiệp của bị cáo phải đưa hối lộ.
Suốt quá trình cấp phép chuyến bay, bị cáo chỉ mong muốn có được việc làm, có được chuyến bay để đưa công dân về nước", bào chữa đến đây Mạnh bật khóc. VKS xác định bị cáo Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù.
"Sếp không biết doanh nghiệp em là ai"
Trong phần tự bào chữa, bà Trần Thị Mai Xa, giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục Masterlife, dùng từ "rất giận" với việc gây khó dễ từ cán bộ Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh khiến bà "không có sự lựa chọn khác", lần đầu tiên được cấp phép chuyến bay giải cứu là do đã chi tiền "bôi trơn" nên những lần sau "cứ theo thông lệ".
Bà Mai Xa giãi bày muốn trình bày cụ thể hơn bối cảnh xin cấp phép chuyến bay giải cứu bị gây khó khăn, bị bức ép "không còn lựa chọn nào khác", chỉ để cảm thấy nhẹ lòng hơn. Nữ giám đốc đề nghị HĐXX và VKS kiểm tra một số bút lục, tài liệu lưu trong hồ sơ vụ án thể hiện giai đoạn đầu khi xin cấp phép chuyến bay giải cứu bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh từ chối dù đã có sự đồng ý của ba bộ khác.
Bà Xa trần tình khi làm hồ sơ, doanh nghiệp đã phải đóng tiền cọc thuê máy bay nhưng vẫn bị từ chối, bị gây khó dễ.
"Bị cáo từng bị mất chuyến bay và phải bán nhà để mua chuyến khác. Rơi vào hoàn cảnh như vậy, khi tiếp tục xin cấp phép chuyến bay, dù Cục Lãnh sự đã đồng ý nhưng vẫn nói còn vướng mắc ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên yêu cầu bị cáo liên hệ với bên đó.
Lúc đó bị cáo rất run, như chim sợ cành cong, không còn nhà để bán", bà Xa nói và cho biết đã tìm cách liên lạc với ông Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) thì được xác nhận là khó có ý kiến đồng thuận cho hồ sơ của Masterlife.
Thế nhưng lý do của việc khó mà ông Cường nói với bà Xa là "sếp không biết doanh nghiệp của em là ai". Bà Xa bức xúc: "Khi đó trong lòng bị cáo rất ấm ức, mình đang làm những điều tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà giờ bị từ chối chỉ vì sếp không biết doanh nghiệp em là ai".
Bà Xa khẳng định Vũ Sỹ Cường cũng mở lối cho bị cáo muốn giải quyết nhanh phải "làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì sẽ khó lắm".
Bà Xa tiếp tục trình bày về những việc bị gây khó dễ trong quá trình xin cấp phép chuyến bay giải cứu và dẫn đến "phải đưa tiền trong vô thức. "Bị cáo làm một cách vô thức, không hề cảm nhận được. Nhưng vì lần đầu đã như thế thì lần sau cũng phải đưa thôi, nó như một thông lệ", bị cáo Xa trình bày.
Trình bày thêm, bị cáo Xa còn cho hay những chuyến bay mình tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ ngồi nhưng trung bình có tới 10 hũ tro cốt được mang về. Thế nhưng trước đó, khi hỏi tại sao không cấp phép cho doanh nghiệp mình thì bà Xa nhận được câu trả lời từ những cán bộ "bên đó chưa cấp thiết"...
"Bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Những chuyến bay về có 10 hũ tro cốt của người chết vì tai nạn, vì dịch bệnh, vì nhiễm bệnh... Mới chỉ là 10 thôi, nếu chuyến bay có một nửa trong số đó hay vài ba chục hũ tro cốt thì như thế nào nữa, có thực sự cấp thiết không? Bị cáo rất ấm ức khi làm một việc ý nghĩa cho đồng bào mà lại bị gây khó khăn như vậy...", bà Xa trình bày trước tòa.
Theo VKS, quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, Trần Thị Mai Xa đã sử dụng pháp nhân của 4 công ty tổ chức được 18 chuyến bay. Để được giải quyết cấp phép các chuyến bay, bà Xa đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 8 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 19 lần, số tiền 8,1 tỉ đồng.
Cụ thể bà Xa đã đưa hối lộ cho Vũ Sỹ Cường 2,1 tỉ đồng, đưa cho Vũ Anh Tuấn (cựu phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh) 20.000 USD, đưa cho cựu cục trưởng Cục Lãnh sự 55.000 USD...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận