19/07/2023 12:09 GMT+7

Cựu cán bộ đại sứ nói không lợi dụng chuyến bay giải cứu để kiếm tiền

Bị cáo Trần Việt Thái cùng các cựu cán bộ đại sứ quán tại Malaysia đều khẳng định việc thu tiền thừa của những người mãn hạn tù về nước trên chuyến bay giải cứu là để có “kinh phí dự phòng” cho những việc phát sinh, chứ không có động cơ "ăn chia".

Cựu đại sứ Trần Việt Thái được dẫn giải đến phiên tòa chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Cựu đại sứ Trần Việt Thái được dẫn giải đến phiên tòa chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Trong phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu sáng nay (19-7), nhóm cựu cán bộ đại sứ quán tại Malaysia được tự bào chữa.

Thu tiền cao để dự phòng rủi ro tổ chức chuyến bay giải cứu

Ở phần luận tội, viện kiểm sát cáo buộc trong quá trình tổ chức thực hiện 8 chuyến bay đưa 1.900 người mãn hạn tù về nước, với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái đã chỉ đạo thuộc cấp thu những khoản tiền trái quy định, cao hơn thực tế.

Đại sứ quán thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng, ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về thủ đô (Kuala Lumpur) sẽ phải nộp từ 30 - 35 triệu đồng/người. 

Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.

Ông Trần Việt Thái và cấp dưới thu 44,6 tỉ đồng nhưng các chi phí tổ chức chuyến bay giải cứu chỉ 33 tỉ, còn lại hơn 11 tỉ đồng. Ông Thái và cấp dưới giữ lại 5 tỉ đồng tại đại sứ quán, còn chia nhau gồm ông Thái 580 triệu, cấp dưới thấp hơn. Cựu đại sứ bị đề nghị phạt từ 5 - 6 năm tù.

Tự bào chữa, ông Thái cho biết bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng đầu năm 2021, đại sứ quán không có nhiều kinh phí, dự toán kinh phí bảo hộ công dân chỉ có 10.000 USD.

Theo ông Thái, khi dịch bùng phát, tình hình các nước rất căng thẳng, ở Nhật Bản có biểu tình trước cửa đại sứ quán, còn ở Malaysia có bốn công dân vào đòi tự tử vì "họ nghĩ đại sứ quán là đất Việt, không về được thì chết ở đất mình".

Ông Thái tiếp tục kể lại, hai cán bộ của đại sứ quán đã ngăn chặn được ba trường hợp muốn tự tử. "Có một người cắn lưỡi máu be bét ra, phải thuyết phục từ 16 - 18h chiều để chị ấy nguôi ngoai rồi cho đi cấp cứu. Hôm sau, 2h sáng, cán bộ lại gọi bảo anh ơi chị ấy tự tử tiếp", ông Thái kể và cho biết cục diện lúc đó căng thẳng nên phải thu thêm kinh phí dự trù.

Lý giải việc thu tiền thừa của những người mãn hạn tù muốn về nước, ông Thái tiếp tục cho biết bối cảnh việc tổ chức đưa công dân về có thể gặp phải nhiều rủi ro, ở các trại tù ở xa, người mãn hạn tù phải được "nuôi một tháng" vì mỗi tháng chỉ một chuyến bay.

Ông Thái đưa ra ví dụ: "Đại sứ quán Myanmar cũng tổ chức đưa công dân về nước nhưng không dự phòng rủi ro, nên khi không tổ chức được chuyến bay, phía Malaysia cho tám xe chở người của họ đến ở Đại sứ quán Myanmar một tuần, ảnh hưởng quan hệ hai nước. Chúng tôi không muốn như vậy".

Theo ông Thái, thời điểm đó phía Malaysia gọi đại sứ quán Việt Nam lên, đề nghị cho tàu hải quân sang đón công dân về. Tuy nhiên việc xin tàu không thực hiện được, ông tiếp tục liên hệ Cục Lãnh sự xin 5-6 chuyên cơ chở người về thì nhận được câu trả lời "chỉ cho về dần dần, không về tất cả luôn được" vì không có chỗ cách ly.

Ông Thái thừa nhận đã thu tiền trái quy định để làm khoản dự phòng nhưng sau không dùng đến vì "rủi ro không có hoặc chúng tôi đã chặn được rủi ro".

Ông Thái nói rằng nếu không tổ chức chuyến bay, chỉ vào trại thu mỗi tiền hộ chiếu, hướng dẫn họ nộp tiền đại lý máy bay thì họ cũng không về được vì còn chi phí cách ly, nhiều chi phí khác…

"Thực sự là bí, anh em chúng tôi nát đầu, chỉ còn cách đại sứ quán phải vào thu. Chúng tôi vào thu không phải vì vấn đề bồi dưỡng mà vì sức ép thực tiễn" - ông Thái nói.

Cuối phần bào chữa, ông Thái nói: "Cảm ơn các đồng nghiệp của tôi là những người dám làm, nhưng giờ lại không theo quy định mà theo quy định sẽ không làm được việc. Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của tôi".

Cựu cán bộ đại sứ quán: "Chúng tôi trong sáng"

Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ đại sứ quán) băn khoăn về cáo buộc "lợi dụng chức vụ quyền hạn", bởi theo bị cáo nếu muốn lợi dụng, nếu có động cơ vụ lợi thì đã thông qua môi giới đưa công dân mắc kẹt về nước. Trong khi thực tế các cán bộ đại sứ thời điểm dịch bệnh đã xuống tận nơi, xuống các trại để khảo sát phỏng vấn công dân.

Linh kể, khi đi khảo sát thấy nhiều người mãn hạn tù không biết chữ, có những ngư dân đã vứt bỏ hết giấy tờ rồi lấy tên người Malaysia. Cán bộ đại sứ quán phải hỏi rất chi tiết rồi gửi thông tin về địa phương xác minh cho rút ngắn thời gian.

"Công việc xác minh của chúng tôi nếu không tận tâm mà chỉ cần gửi một công văn thì rất lâu, rất lâu không xác minh được", ông Linh bào chữa và khẳng định động cơ của việc tổ chức cho công dân mãn hạn tù về nước "không phải vì vụ lợi mà chỉ là trách nhiệm của đại sứ quán".

Về cáo buộc thu tiền trái quy định, thu tiền cao hơn thực tế, ông Linh giải thích việc tổ chức giải cứu đưa người dân mắc kẹt về nước là chưa có tiền lệ nên có thể phát sinh rủi ro. Bởi thế đại sứ quán đã thu cao hơn để đề phòng rủi ro.

Việc thu tiền thông qua tài khoản của một cá nhân, cựu cán bộ đại sứ quán giải thích thời điểm dịch bệnh cách ly cấm đi lại, không thể ra ngân hàng rút tiền nên phải nhờ số tài khoản để "mọi việc được thuận lợi".

"Nếu không có khoản dự phòng, khi phát sinh rủi ro mà kinh phí thiếu thì sẽ không thể tổ chức suôn sẻ.

Chúng tôi trong sáng với mục đích đáp ứng nhanh nhất chuyến bay cho bà con tại thời điểm bấy giờ nên chỉ có những cách ấy", bị cáo Linh phân trần.

Về sử dụng các khoản tiền thu thừa, theo ông Linh được đại sứ chỉ đạo dùng để xử lý các vấn đề phát sinh. "Chúng tôi thu 20,3 triệu một người nhưng có những người chi phí này là không đủ vì có trường hợp phải test COVID-19 vài lần. Chúng tôi không biết còn những vấn đề gì phát sinh vì đây là việc chưa có tiền lệ", ông Linh tiếp tục phân trần.

Về việc chia số tiền thu thừa coi như một khoản "bồi dưỡng", ông Linh giải thích đã từng bỏ tiền túi làm kinh phí đi khảo sát thực tế người mãn hạn tù bị mắc kẹt. Thời điểm đấy, đại sứ Thái có nói bị cáo "chịu khó làm đi rồi anh sẽ tìm cách xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có".

Bởi thế, ông Linh nói khi "nhận khoản bồi dưỡng có cảm giác như một phần kinh phí mình bỏ ra được bồi hoàn". Cựu cán bộ đại sứ quán thừa nhận đã nhận ra sai phạm cá nhân và tự nguyện bồi hoàn số tiền được chia.

Cuối phần bào chữa, ông Linh xin được hưởng khoan hồng vì bản thân "không có tác động phải chia tiền bồi dưỡng là bao nhiêu, không có ý thức lợi dụng chuyến bay này để kiếm tiền".

Người môi giới bị đạp đổ chén cơm nên tố cáo

Vụ án tại đại sứ quán ở Malaysia được phát hiện tháng 3-2022 khi ông Q.V.M. (người Việt ở Malaysia) viết đơn tố cáo các cán bộ đại sứ thu tiền trái quy định.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Thái, Q.V.M. nằm trong đường dây "cò mồi", thu tiền của những công dân mắc kẹt tại Malaysia là 40 - 80 triệu đồng/người.

Cán bộ đại sứ đi khảo sát về có báo cáo ở một số trại xảy ra tình hình phức tạp, môi giới đưa ma túy, thuốc lắc, có dấu hiệu bóc lột tình dục với chị em. Cựu đại sứ chỉ đạo nếu có chuyến bay thì dồn các chị em vào cho về trước.

"Tại các trại giam nam, mấy môi giới cấu kết người bản địa thu phí cao, không chấp nhận được nên tôi nói với anh Linh (bị cáo Nguyễn Hoàng Linh) đưa họ về. Người môi giới bị chặn, bị đạp đổ nồi cơm nên viết đơn tố cáo tôi", ông Thái phân trần.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng bị đề nghị 12-13 năm tùVụ chuyến bay giải cứu: Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng bị đề nghị 12-13 năm tù

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ 21,5 tỉ nhưng đã nộp lại hơn 16 tỉ nên viện kiểm sát đề nghị mức án 12-13 năm tù trong vụ chuyến bay giải cứu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên