Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, không riêng vụ việc này mà trước đó lực lượng chức năng từng phát hiện các vụ sử dụng chất cấm bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều tiệm chả ở Đà Nẵng bị vạ lây
Sáng 31-12, có mặt ở một số chợ truyền thống tại Đà Nẵng như chợ Hàn, chợ Cồn… là cảnh tấp nập bán mua. Sau thông tin chủ một cơ sở chuyên làm chả ở Cẩm Lệ bị khởi tố vì sử dụng chất cấm, các quầy chả vắng khách hơn.
Bà Nguyễn Thị H. - chủ quầy chả ở chợ Cồn - nói rằng mấy ngày qua khách rất vắng. Đa phần người mua đều là khách thân quen, các mối hàng lâu nay đặt đơn qua điện thoại đều tạm ngưng mua.
"Các loại mắm, chả ở Đà Nẵng được khách du lịch, người ở xa đặt mua và gửi đi rất nhiều. Tuy nhiên hai ba hôm nay rất vắng, ai tới cũng hỏi tới hỏi lui rồi không mua. Gần Tết việc buôn bán đã khó lại càng khó hơn" - bà H. nói.
Chủ một tiệm chả sống tại chợ Hòa Khánh (Liên Chiểu) cũng than ế ẩm vì khách vãng lai không mua.
"Người ta bảo ớn lạnh khi thấy chả ở Đà Nẵng bị trộn hàn the. Thực tế thì nhà tôi lâu nay làm toàn bán cho khách quen, hàng hóa tự mình làm thủ công rồi bán trong ngày chứ không để qua ngày khác nên không dùng bất cứ chất bảo quản nào" - bà L., tiểu thương chợ Hòa Khánh, nói.
Sau thông tin công an phát hiện chủ cơ sở làm chả ở Cẩm Lệ sử dụng hàn the, công tác tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm ở Đà Nẵng được siết chặt.
Tại các chợ đầu mối, lực lượng địa phương và người của Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng tăng cường lực lượng giám sát, lấy mẫu nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn trà trộn vào bữa ăn người tiêu dùng trước Tết Nguyên đán.
Chất cấm trà trộn ở các chợ truyền thống Đà Nẵng
Ông Nguyễn Tấn Hải, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng, cho biết dù ảnh hưởng rất lớn tới thị trường nem, chả, mắm… vốn là những mặt hàng đặc sản rất nổi tiếng ở Đà Nẵng, nhưng vụ việc chủ cơ sở chả ở Cẩm Lệ có sử dụng hàn the không phải cá biệt.
Trong báo cáo mới nhất, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết từng có nhiều vụ việc chủ cơ sở thực phẩm dùng các chất bảo quản trong danh mục cấm để tăng lợi nhuận, nhiều nhất là quá trình sản xuất giá.
"Chúng tôi chỉ đi lấy mẫu ngẫu nhiên, tình hình tuy không quá phức tạp nhưng tỉ lệ sử dụng chất cấm là có" - ông Nguyễn Tấn Hải nói.
Qua một số lần kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng giá đỗ chứa chất cấm 6-benzylaminopurine, tiêu bột có hàm lượng aflatoxin vượt ngưỡng. Khi lấy mẫu chả bò, chả heo, nem chua rán… lực lượng chức năng cũng phát hiện tồn dư chất nguy hại, buộc phải tiêu hủy.
Ngoài ra khi kiểm tra nguồn hải sản ở một số chợ đầu mối, lực lượng chức năng còn phát hiện có ghẹ đỏ, mực, cá cơm, cá biển tồn dư kháng sinh…
"Đà Nẵng nói chung và miền Trung nói riêng có thị trường mắm, các loại chả, nem rất lớn. Hàn the được dùng để ngăn hư hại thực phẩm, làm cho chả có cảm giác giòn tan hơn. Tuy nhiên đây lại là chất nguy hại, chủ cơ sở đa phần đều biết nhưng vì lợi nhuận mà họ vẫn sử dụng.
Lực lượng chức năng đã làm rất mạnh tay để ngăn ngừa thực phẩm bẩn. Tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Chúng tôi khuyến nghị bà con nên chọn những thương hiệu thực phẩm lâu đời, có uy tín, thương hiệu và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối không ham rẻ" - ông Hải nói.
Ông Hải cũng khẳng định rằng các vụ việc sử dụng hàn the, chất cấm đều rơi vào các cơ sở tự phát, không có tiếng tăm, làm ăn theo kiểu chụp giật. Các thương hiệu nổi tiếng vẫn là các địa chỉ khuyên dùng, với các sản phẩm nức tiếng thơm ngon, đi khắp mọi miền.
"Những cơ sở tự phát tổ chức sản xuất rồi dùng hàn the để tăng năng suất, hạ giá thành xuống. Từ đó nhập sỉ cho các tiệm ăn, các tiểu thương ham rẻ. Còn đa phần các thương hiệu chả, nem… lớn ở Đà Nẵng làm ăn rất trách nhiệm, quy trình vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ" - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận