28/11/2014 07:48 GMT+7

Mỹ: Bạo động lắng xuống, tranh cãi bùng lên

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bạo động vẫn nổ ra, nhưng hôm qua thành phố Ferguson tại bang Missouri (Mỹ) đã phần nào yên ắng trở lại.

Người dân dọn dẹp đường phố sau các cuộc biểu tình ở Oakland, California ngày 26-11-2014 - Ảnh: Reuters 

Dư luận Mỹ tỏ ra chia rẽ sâu sắc về việc bồi thẩm đoàn Ferguson không truy tố viên cảnh sát da trắng đã bắn chết thanh niên da đen.

Theo Reuters, hôm qua tình hình tại thành phố Ferguson đã lắng dịu hơn. Dưới trời mưa tuyết, chỉ có vài chục người tiếp tục biểu tình trước cửa Sở Cảnh sát thành phố.

Nhiều nhóm người tình nguyện chủ động đi dọn dẹp đường phố, nơi nhiều cửa hiệu và văn phòng bị cướp phá. Hàng trăm cảnh sát và lính vệ binh quốc gia canh phòng trên nhiều ngả đường.

Đêm trước, các cuộc bạo động vẫn diễn ra nhưng có quy mô nhỏ hơn. Một chiếc xe bị đốt và vài văn phòng bị cướp phá khi một nhóm biểu tình cố xông vào tòa thị chính và bị lực lượng an ninh đẩy lùi.

Các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở hàng chục thành phố tại Mỹ và cả thủ đô London của nước Anh. Nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ hơn 400 người vì tội gây rối.

Những vấn đề đáng ngờ

AFP dẫn lời thống đốc bang Missouri Jay Nixon mô tả việc điều động 2.200 lính vệ binh quốc gia đã giúp tình hình an ninh ở Ferguson trở nên ổn định hơn.

Ông bác bỏ lời kêu gọi của dư luận rằng phải điều một công tố viên mới và trình vụ sĩ quan Darren Wilson bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi Michael Brown lên một bồi thẩm đoàn mới.

Hôm qua, truyền thông Mỹ tiếp tục vạch ra những điểm bất thường trong cuộc điều tra vụ cảnh sát Wilson xả súng hôm 9-8.

Trước bồi thẩm đoàn, sĩ quan Wilson khai sau khi bắn Brown đã tự động lên xe về đồn, rửa sạch các vết máu ở tay rồi tự cho súng vào trong túi đựng bằng chứng.

Báo Washington Post dẫn lời chuyên gia pháp lý David Klinger thuộc ĐH Missouri, một cựu cảnh sát, khẳng định đây đều là những hành vi vi phạm quy trình điều tra.

Ví dụ việc Wilson rửa sạch vết máu trên tay đã xóa bỏ bằng chứng có thể chống lại anh ta trước tòa. Ngoài ra, các sĩ quan thẩm vấn Wilson sau vụ xả súng đã không ghi âm lời khai của anh ta.

Các nhân viên điều tra cũng không đo đạc hiện trường vụ án vì cho rằng “có sự giải thích vụ việc đã xảy ra”.

Cũng không ai chụp ảnh đôi tay vấy máu của Wilson. Cựu lãnh đạo cảnh sát Florida Chuck Drago nhận định tất cả điều là những hành vi khó hiểu và vô cùng tồi tệ xét theo quan điểm điều tra hình sự.

Trước đó nhiều chuyên gia luật cũng cho rằng lời khai của Wilson có nhiều điểm mâu thuẫn, ví dụ như bị Brown đấm vào mặt hai cú mà không có vết thương nào đáng kể.

Các công tố viên khi thẩm vấn Wilson cũng tỏ ra hết sức nhẹ nhàng, không hề để ý tới các điểm bất hợp lý trong lời khai.

Trên báo Huffington Post, luật sư nhân quyền James Meyerson cho rằng việc Wilson mô tả Brown “trông như quỷ dữ” thể hiện rõ thái độ phân biệt chủng tộc.

Làn sóng chỉ trích công tố viên Ferguson Robert McCulloch, người đảm trách vụ án, tiếp tục gia tăng.

Truyền thông địa phương cho biết ông này có mối quan hệ rất thân cận với Sở Cảnh sát Ferguson và cha của ông là một cảnh sát từng bị một người da đen bắn chết.

Do đó nhiều người nghi ngờ ông McCulloch cố tình hỗ trợ sĩ quan Wilson.

Vẫn còn chia rẽ chủng tộc

Một số tờ báo và học giả cho rằng báo chí xuyên tạc vụ việc theo hướng đây là vụ án phân biệt chủng tộc mà phớt lờ một thực tế rằng Brown trước khi bị bắn đã cướp thuốc lá tại một cửa hàng tiện lợi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định phản ứng của người biểu tình đối với quyết định của bồi thẩm đoàn cho thấy sự chia rẽ chủng tộc ở Mỹ vẫn còn đó.  

Trên trang Salon.com, giáo sư chính trị Falguni Sheth đánh giá toàn bộ vụ việc phản ảnh “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” ở Ferguson.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ qua thư điện tử, cô Johanna Carillo, chuyên viên Trung tâm báo chí quốc tế ở Washington DC, khẳng định trên thực tế chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chưa bao giờ chấm dứt ở Mỹ và người da đen cũng như người gốc Latin vẫn thường xuyên bị phân biệt đối xử. 

“Tôi có theo dõi vụ việc và cảm thấy cuộc điều tra có nhiều điểm chưa rõ ràng. Chính quyền liên bang cần điều tra minh bạch” - cô Carillo nhấn mạnh.

The New York Times dẫn kết quả của một cuộc thăm dò do báo Huffington Post thực hiện với sự tham gia của 1.000 người trưởng thành cho thấy 62% người Mỹ gốc Phi khẳng định viên cảnh sát Wilson có lỗi trong vụ bắn chết thanh niên da màu Brown, trong khi chỉ có 22% người da trắng đồng ý với nhận định này. 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên