Phóng to |
Ngày 5-5, Odyssey Marine Exploration công bố hình ảnh các thỏi vàng trục vớt được hôm 15-4 từ con tàu S.S. Central America - Ảnh: AP |
Khối tài sản “săn” được gồm 5 thanh vàng nặng từ 48-156kg và 2 đồng tiền vàng Double Eagle 20 USD, một trong số đó được đúc tại San Francisco vào năm con tàu Central America gặp nạn.
Sau gần 1/4 thế kỷ, đây là lần đầu tiên con người "chạm" vào khối tài sản khổng lồ từ một trong những thảm họa đắm tàu tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ.
Hôm 6-3, Odyssey giành được hợp đồng độc quyền thăm dò con tàu đắm cách đây gần 2 thế kỷ. Trong lần lặn đầu tiên vào ngày 15-4, robot của Odyssey đã vớt được 1.000 ounce vàng, cùng với đó họ cũng tìm thấy 1 cái chai, một mảnh gốm từ con tàu.
Chủ tịch Odyssey Mark Gordon cho biết: "Mỏ vàng này vẫn không bị xáo trộn kể từ lần cuối cùng thám hiểm năm 1991. Vàng vẫn nằm đó".
Tháng 4-2014, tàu thám hiểm Odyssey Explorer gồm 41 thành viên thủy thủ đoàn đã rời Bắc Charleston và dự kiến sẽ có mặt tại “mỏ vàng” ngoài khơi cách bờ 258km vào cuối mùa hè năm nay. Gordon cho biết vài tuần gần đây, thủy thủ đoàn đã khảo sát trên diện rộng và sẽ khởi động cuộc tìm kiếm lớn hơn sau khi công đoạn trên hoàn tất.
Theo tài liệu lịch sử, ngày 12-9-1857, con tàu hơi nước S.S. Central America dài 83,5m, có guồng 1 bên đã bị bão đánh chìm khi đang trên đường chở 19 tấn vàng (ước tính) từ California, khiến 425 người thiệt mạng và hàng ngàn cân vàng đã chìm xuống đáy biển. Mãi đến năm 1988, xác tàu S.S. Central America mới được tìm thấy ở độ sâu 2.194m nhưng đến năm 1991 mới diễn ra hoạt động khôi phục tài sản.
Hiện vẫn chưa xác định chính xác số lượng vàng còn nằm dưới đáy biển, nhưng các chuyên gia ước tính tổng giá trị tài sản khoảng 86 triệu USD. Central America là con tàu vận chuyển vàng miếng của các ngân hàng và các công ty thương mại. Hành khách trên tàu cũng được cho đã đem theo rất nhiều đồng tiền vàng của riêng họ - ước tính bằng với số lượng vàng của các lô hàng thương mại.
Quá trình thám hiểm xác tàu vào cuối những năm 1980 đầu năm 1990 đã thu lại được khoảng 50 triệu USD, trước khi các tranh chấp pháp lý xảy ra khiến quá trình này bị gián đoạn.
Một trong những nhà đầu tư tham gia thám hiểm là Tommy Thompson đến từ Ohio. Năm 1988, ông đã dẫn đầu đoàn thám hiểm để tìm khối vàng bị mất. Các nhà đầu tư khi đó nói rằng đã tranh chấp với Thomson về số tiền 13 triệu USD. Thomson đã chạy trốn trong vòng 2 năm sau khi trốn khỏi một phiên tòa ở Ohio.
Ông Mark Gordon nhận định rằng toàn bộ số vàng trên, nếu được "khai quật" đầy đủ, sẽ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Các nhà nghiên cứu cho rằng thảm họa chìm tàu năm 1857 đã tạo "sóng" khiến các ngân hàng tại New York điêu đứng, và là “chất xúc tác” góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử sau đó.
(Theo AP)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận