21/10/2021 11:46 GMT+7

Vòng loại U23 châu Á 2022: Câu hỏi về chất lượng

HOÀI DƯ
HOÀI DƯ

TTO - Gặp nhiều xáo trộn vì dịch bệnh, vòng loại Giải U23 châu Á 2022 sắp khởi tranh vào cuối tháng 10 này đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng.

Vòng loại U23 châu Á 2022: Câu hỏi về chất lượng - Ảnh 1.

Trung Quốc không dự Giải U23 châu Á 2022 - Ảnh: CHINA DAILY

Khi dịch COVID-19 bùng phát, có nhiều thông tin cho rằng Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) sẽ hủy Giải U23 châu Á 2022 sau khi các giải đấu trẻ khác không thể tổ chức. Nhưng cuối cùng, giải vẫn diễn ra với các trận đấu ở vòng loại vào cuối tháng 10.

Khó khăn vì dịch bệnh

Dù những hoạt động của bóng đá châu Á đã trở lại trong thời gian qua nhưng mọi thứ vẫn không thể bình thường như trước vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này khiến vòng loại Giải U23 châu Á 2022 có sự thay đổi về số lượng đội tham dự cũng như địa điểm đăng cai các bảng đấu.

Ban đầu, vòng loại giải này có sự tham gia của 42 đội tuyển, chia làm 11 bảng đấu. Sau đó lần lượt Triều Tiên, Trung Quốc và Brunei tuyên bố rút lui vì ảnh hưởng của dịch khiến mọi thứ xáo trộn. Lúc này, bảng G chỉ còn hai đội là Úc và Indonesia, còn bảng I (có U23 VN) và bảng K còn lại 3 đội.

Việc có nhiều đội rút lui khiến thể thức vòng loại phải thay đổi. Như ở bảng G, Úc và Indonesia sẽ đá với nhau 2 trận để chọn đội thắng vào vòng chung kết, còn đội thua bị loại (không thể tranh vé vớt). Ở các bảng đấu khác, nếu không thể nhất bảng (tương ứng với vé chính thức dự vòng chung kết), đội đứng thứ nhì còn có thể tranh vé vớt (4 hoặc 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất).

Ngoài sự rút lui của nhiều đội khiến AFC bối rối, công tác đăng cai các bảng đấu cũng thay đổi liên tục. Do dịch bệnh nên các đội tham dự vòng loại phải thi đấu trong điều kiện "bong bóng y tế". Không phải nước nào cũng có thể đáp ứng các tiêu chí của AFC và điều này khiến các nước đã giành quyền đăng cai các bảng đấu phải ngậm ngùi từ bỏ.

Cụ thể, bảng D dự định tổ chức tại Kuwait phải chuyển sang Uzbekistan. Tương tự, chủ nhà bảng I là Đài Loan thông báo không thể đăng cai và AFC phải đưa bảng I sang Kyrgyzstan. Ban đầu, Indonesia được trao quyền tổ chức các trận đấu bảng G nhưng cuối cùng bảng đấu này được chuyển đến Tajikistan.

Giảm giá trị

Việc Trung Quốc rút khỏi vòng loại U23 châu Á 2022 đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Giới chuyên môn cho rằng Trung Quốc cần phải tham dự vòng loại và xa hơn là vòng chung kết để chuẩn bị lực lượng cho Asiad 2022 trên sân nhà. Tuy nhiên, cũng có bộ phận dư luận và báo chí cho rằng Trung Quốc không mặn mà với Giải U23 châu Á.

Việc các đội bóng không đặt trọng tâm vào giải này cũng là dễ hiểu. Giải U23 châu Á tổ chức 2 năm/lần với hy vọng tạo tính tiếp nối cho các lứa trẻ. Nhưng trên thực tế, các đội chỉ thực sự quan tâm đến Giải U23 châu Á nếu giải đấu này diễn ra vào năm có Olympic. Khi đó, Giải U23 châu Á chính là vòng loại cho môn bóng đá nam Olympic.

Do Giải U23 châu Á 2022 không phải là vòng loại Olympic nên giá trị của giải bị giảm sút. Vì vậy, khó lòng đòi hỏi các nền bóng đá hàng đầu châu Á cử lực lượng mạnh nhất tham dự. Ngoài ra, các đội tuyển không thể triệu tập các cầu thủ tốt nhất ở lứa U23 tham dự giải đấu này vì giải U23 châu Á không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA.

Ở các đội tuyển hàng đầu châu lục, nhiều cầu thủ U23 là trụ cột ở các CLB trong và ngoài nước. Điều đó khiến Giải U23 châu Á vào các năm không có Olympic thường xuyên xảy ra bất ngờ với sự vươn lên của các nền bóng đá nhỏ. Vì điều này nhìn chung giải đấu U23 vào các năm không có Olympic chưa thực sự phản ánh đúng trình độ của bóng đá châu Á.

Đội tuyển không ngôi sao

So với hai đội U23 VN mà HLV Park Hang Seo từng dẫn dắt, lứa U23 hiện tại gần như không có ngôi sao nào quá nổi bật như Quang Hải, Công Phượng hay Tiến Linh... của những năm trước. Những gì đội thể hiện thời gian qua, đến từ sự kết dính của toàn đội, sự đồng lòng của cả tập thể và khát khao muốn thể hiện của từng cá nhân.

Thật vậy, tuyển U23 VN của năm 2021 chỉ có vài cái tên nổi bật được nhắc đến nhiều như Lý Công Hoàng Anh, Việt Anh, Thanh Bình, Văn Xuân, Văn Toản... Là những cầu thủ trở về từ đội tuyển quốc gia, tất cả được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột của đội.

Tuy nhiên, trong hai trận giao hữu vừa qua trước Tajikistan và Kyrgyzstan, họ chỉ chơi tròn vai, hoàn thành trách nhiệm chứ chưa thật sự nổi bật như một ngôi sao thực thụ. Chỉ duy nhất trung vệ Thanh Bình trội hơn đôi chút khi thể hiện được bản lĩnh, kinh nghiệm so với đồng đội.

Có thể nói, U23 VN hiện tại là đội bóng không ngôi sao. Dù vậy, ông Park đang xây dựng họ trở thành một tập thể gắn kết thể hiện được sức mạnh của 11 con người trên sân. Điều này sẽ giúp họ sớm hoàn thành mục tiêu giành vé dự VCK U23 châu Á 2022.

Khi bước vào giải, trong từng trận đấu cụ thể hoặc chỉ cần một vài tình huống tỏa sáng, hy vọng những "ngôi sao" mới của U23 VN sẽ xuất hiện. Ở đó, rất có thể những cái tên được kỳ vọng như Hai Long, Hoàng Anh, Xuân Tú hay Văn Đạt sẽ thoát khỏi cái bóng của chính mình để khẳng định được giá trị bản thân.

PHÚC NGUYỄN (từ UAE)

Ông Park chốt danh sách tham dự vòng loại U23 châu Á 2022, đó là ai? Ông Park chốt danh sách tham dự vòng loại U23 châu Á 2022, đó là ai?

TTO - Chiều 20-10, HLV Park Hang Seo đã công bố danh sách chính thức 23 cầu thủ tham dự vòng loại U23 châu Á 2022 diễn ra tại Kyrgyzstan. Có thể thấy không có bất ngờ nào ở bản danh sách này khi 3 cầu thủ bị loại đều không thể hiện được nhiều.

HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên