15/03/2022 11:21 GMT+7

Vốn viện trợ dù là khoản nho nhỏ cũng phải trình Quốc hội quyết

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội.

Vốn viện trợ dù là khoản nho nhỏ cũng phải trình Quốc hội quyết - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Q.H

Sáng 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020 và năm 2021.

"Khoản nho nhỏ thế này mà trình ra Quốc hội thì nó thế nào ấy"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2020, khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là hơn 1.413 tỉ đồng đã được các cơ quan trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao. Tương tự, số vốn viện trợ đã tiếp nhận trong năm 2021 là khoảng 10.558 tỉ đồng.

Theo ông Phớc, đây là các khoản "tăng thu", thẩm quyền quyết định là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán ngân sách trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2020 hơn 1.413 tỉ đồng và năm 2021 hơn 4.217 tỉ đồng.

Vốn viện trợ dù là khoản nho nhỏ cũng phải trình Quốc hội quyết - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: Q.H

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến ủy ban này cho rằng, về thẩm quyền, Chính phủ cần phải trình việc này ra Quốc hội để quyết định chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Việc Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với Luật ngân sách nhà nước", ông Cường nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng các khoản viện trợ mà Chính phủ đề nghị bổ sung vào dự toán đều "rất minh mạch", và việc bổ sung này "chủ yếu là thủ tục thôi".

"Khoản nho nhỏ thế này mà trình ra Quốc hội thì nó thế nào ấy", ông Phớc nêu quan điểm và cho rằng chỉ nên trình để Quốc hội quyết những quyết sách lớn, còn những khoản như thế này đều được báo cáo thường xuyên, minh bạch, quản lý chặt chẽ thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Không đồng tình với ông Phớc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ, theo pháp luật về ngân sách thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định việc này.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính - ngân sách, theo ông Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết mà chỉ chuẩn bị ý kiến trình Quốc hội quyết.

Ở vị trí điều hành phiên họp, kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Chính phủ chuẩn bị trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm Bộ Y tế chưa phân bổ chi tiết 1.416 tỉ đồng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách cho biết, các cơ quan trung ương và địa phương đề nghị bổ sung dự toán năm 2021 là hơn 5.633 tỉ đồng. 

Vốn viện trợ dù là khoản nho nhỏ cũng phải trình Quốc hội quyết - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường - Ảnh: Q.H

Sau khi giảm trừ 1.416 tỉ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của ngân sách trung ương nhưng chưa được Bộ Y tế phân bổ chi tiết, Chính phủ kiến nghị bổ sung dự toán hơn 4.217 tỉ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chưa phân bổ chi tiết số vốn 1.416 tỉ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của ngân sách trung ương năm 2021.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ số liệu chênh lệch giữa số đề nghị bổ sung dự toán (5.633 tỉ đồng) với số đã tiếp nhận (khoảng 10.558 tỉ đồng).

Chính phủ trình bổ sung dự toán năm 2020 và xác định đây là khoản viện trợ phát sinh trong năm, song báo cáo quyết toán niên độ ngân sách nhà nước năm 2019 đã xác nhận khoản thu, chi này.

Như vậy, khoản hơn 1.413 tỉ đồng đã phát sinh từ năm 2019, không phải là khoản phát sinh trong năm 2020, nhưng đến năm 2022 mới báo cáo bổ sung dự toán và phân bổ khoản chi này là quá chậm (gần 4 năm).

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương xác định rõ trách nhiệm trong việc không tuân thủ quy định của Luật ngân sách nhà nước. 

Đồng thời, báo cáo rõ về số liệu chênh lệch 195 tỉ đồng so với báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019", ông Nguyễn Phú Cường nói.

Kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu, không để xăng dầu thẩm lậu qua biên giới Kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu, không để xăng dầu thẩm lậu qua biên giới

TTO - Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên họp về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu chiều 14-3.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên