21/10/2022 11:10 GMT+7

Với trẻ, đi học sớm là tra tấn

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Tình trạng trẻ em phải thức dậy từ tờ mờ sáng, vội vàng vệ sinh cá nhân, không kịp ăn sáng rồi đi học khi vẫn còn ngái ngủ đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.

Với trẻ, đi học sớm là tra tấn - Ảnh 1.

Giờ học quá sớm khiến học sinh đến trường vẫn ngái ngủ - Ảnh: TỰ TRUNG

Vào các buổi sáng sớm, người đi đường ở TP.HCM dễ dàng bắt gặp những hình ảnh các em ngủ thiếp đi trên lưng cha, mẹ mình trong khi được chở đến trường; những đứa trẻ vừa ngồi trên xe vừa ngáp vừa ăn vội ổ bánh mì, hộp xôi để kịp giờ vào học...

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ huynh có con học tại các trường phổ thông công lập ở TP.HCM bức xúc vì con em họ phải đi học quá sớm. Bởi tình trạng trên đã diễn ra nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được.

Khi chúng tôi đặt vấn đề "Tại sao các trường ấn định giờ vào học sớm như vậy?", nhiều người quản lý trong ngành giáo dục trả lời rằng: "Xưa giờ vẫn thế, khi tôi về làm hiệu trưởng đã như vậy rồi". Nghĩa là các nhà trường đang làm theo thói quen, theo nếp cũ đã được định ra từ trước đó.

Câu hỏi đặt ra ở đây là ngành giáo dục đã dựa trên căn cứ nào để ấn định giờ vào học của học sinh các cấp? Hầu hết câu trả lời mà chúng tôi nhận được là "Đi học sớm để tránh kẹt xe". Một số hiệu trưởng thì nói thẳng: "Chương trình nặng quá, không cho học sinh học sớm thì không thể tải hết".

Đúng là TP.HCM đang gặp phải vấn đề nan giải: rất nhiều con đường lớn, nhỏ đều bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Nhưng giờ vào học của học sinh tại sao lại phụ thuộc vào tình hình giao thông? Chương trình nặng không phải bây giờ mà xã hội đã lên tiếng từ lâu và lên tiếng nhiều lần trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các hội nghị, hội thảo. 

Vậy tại sao đến bây giờ vẫn chưa giảm tải?

Giờ vào học của học sinh phải được quyết định dựa trên căn cứ khoa học, làm sao để trẻ phát triển tốt nhất chứ không phải chỉ để tránh kẹt xe, tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường hay để "chạy" chương trình học cho hết để không bị quá tải. 

Ngành giáo dục cần tham khảo ý kiến của cơ quan y tế để ấn định giờ vào học, giờ ăn trưa, ngủ trưa, giờ ra về... của học sinh mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Không chỉ vậy, các nhà trường phải được giao quyền chủ động để tự quyết giờ vào học của học sinh trường mình sao cho phù hợp nhất.

Để thực hiện Quyền trẻ em, để đảm bảo cho trẻ được lớn lên lành mạnh - an toàn thì những quyết định liên quan đến trẻ (ở đây là giờ vào học) cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu. 

Tôi tin rằng không có phụ huynh nào từ chối thực hiện những việc có ích cho con em mình. Và nếu giờ vào học của học sinh các cấp có tác động đến những vấn đề khác trong xã hội thì hơn ai hết người lớn phải thay đổi chứ không phải là trẻ em.

Trẻ em phải được quan tâm đầu tiên. Việc ấn định giờ vào học không phù hợp như hiện nay đang là một sự tra tấn đối với trẻ khi buổi sáng sớm các em đang ngủ rất ngon lại bị kêu dậy để đi học. 

Còn buổi trưa, khi các em đang rất hưng phấn thì bắt buộc phải nghỉ trưa (hiện nhiều trường tiểu học, THCS ở TP.HCM kết thúc thời gian học buổi sáng vào lúc 10h30 hoặc 10h45 và đến 13h30 mới bắt đầu giờ học buổi chiều)...

Những chuyện tréo ngoe này vẫn cứ tiếp diễn nghĩa là chúng ta - người lớn - chưa thật sự đặt trẻ em lên đầu trong sự quan tâm, thay vào đó là vì người lớn chứ không phải là "vì trẻ em" như chúng ta luôn nói mà không thực hiện.

Đi học sớm chẳng được lợi ích gì cho học sinh Đi học sớm chẳng được lợi ích gì cho học sinh

TTO - Đa số phụ huynh học sinh có ý kiến như trên. Đó là những phản hồi của hàng trăm bạn đọc Tuổi Trẻ Online trong sáng 18-10 sau bài viết 'Giờ vào học quá sớm: Học sinh mỗi đêm chỉ ngủ 5-6 tiếng, để làm chi vậy?'.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên