01/02/2014 11:25 GMT+7

Vó ngựa vùng rau

MAI VINH
MAI VINH

TTXuân - Khắp vùng rau Đơn Dương (Lâm Đồng) chỉ còn chừng 100 con ngựa thồ và cũng chừng ấy người xà ích.

Thời hoàng kim của ngựa thồ trôi qua trên mảnh đất này như đã từng qua trên những vùng ngựa trứ danh Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết… Nhưng với nhiều người ở mảnh đất rau nhiều hơn cỏ, tiếng vó ngựa rầm rập lúc khoan thai, lúc vội vã là âm điệu mở đầu và kết thúc một ngày.

daAnbSfh.jpg
Ngựa thồ chở rau ở Đơn Dương - Ảnh: Mai Vinh
FYWFrZ4p.jpg
Ngựa hoang chưa thuần chủng khi mới mang về huấn luyện thường cuồng chân, ưa chạy. Huấn luyện viên hay ép ngựa chạy nước đại để ngựa chóng mệt, sau đó tìm cách bắt ngựa nghe lời mình - Ảnh: Mai Vinh

Đơn Dương, con đường nào cũng in dấu chân ngựa, trên nền đất ẩm ướt, lầy lún hay trên mặt đường đã được bêtông hóa và cả mặt đường nhựa của quốc lộ 27. Những chiếc xe tải nhẹ được nhiều chủ vựa rau mua về cũng chỉ để tiếp sức cho ngựa trên đường nhựa, vì xe tải khó lòng địch nổi sự dũng mãnh và linh hoạt của ngựa thồ trên địa hình phức tạp.

Sáng chở rau, chiều chở rác

Mờ sáng, xà ích Phạm Ngọc Quyết lắp cỗ xe thổ mộ vào con ngựa Phong Vân màu nâu. Trước khi leo lên xe, anh Quyết búng ba ngón tay nhè nhẹ vào cổ ngựa rồi vuốt nhẹ lên dãy lông bờm. Con Phong Vân như hiểu ý chủ, lắc đầu nhẹ vài cái, rũ bờm rồi rướn cổ. Anh Quyết đi vòng quanh, đá nhẹ chân mình vào đầu gối ngựa. Sau mỗi cái chạm, con Phong Vân co chân rồi giẫm nhẹ xuống nền ximăng cho tiếng vó vang lên “cốp”.

Anh im lặng lắng nghe tích tắc tiếng vó vang lên. Dứt bốn tiếng vó ngựa giòn đanh, anh tót lên xe kéo cương cho ngựa giong ra cổng. Ở đó hai cô con gái đang đợi cha chở đi học. Anh Quyết nói: “Các động tác vừa rồi là để thăm dò sức khỏe con ngựa. Con nào bị bệnh mà mình đùa sẽ tỏ cáu kỉnh ngay”. Anh vừa dứt tiếng thì con gái ngồi phía sau xe chồm lên giành dây cương của cha. Cô bé giật nhẹ, con Phong Vân hiểu ý bắt đầu kéo xe đi từ từ. Cô bé trả lại cương ngựa rồi cười khúc khích trước cái trừng mắt của cha.

Bãi xe ngựa nằm nép bên hông bến xe khách huyện Đơn Dương. Dân xà ích ở thị trấn Thạnh Mỹ và xã Lạc Lâm thường tập trung ở bãi này theo thói quen hơn là tìm kiếm khách hàng. Đa số các mối chở rau dân xà ích đã có trước và liên lạc qua điện thoại.

Xà ích Huỳnh Minh Tuấn nhìn đồng rau Nghĩa Lập 2 thuộc thị trấn Thạnh Mỹ bát ngát nhưng chỉ có vài đường chính trải nhựa, còn lại đường nhỏ như bờ ruộng chỉ đủ đi bộ hoặc cưỡi xe đạp rồi giải thích tại sao người làm rau khấm khá, mua ôtô, xây nhà lầu nhưng vẫn chuộng chở rau bằng thuê ngựa thồ. Ông Tuấn nói chỉ có sự khôn ngoan, khéo léo và sức chịu đựng khôn cùng của ngựa mới có thể băng vào đồng sâu chở rau, lên đồng cao chở cà và đạp phăng phăng trên những cánh đồng đầy sình.

Ông Tuấn vừa giải thích vừa hi vọng nghề xà ích sẽ còn là sinh kế trong nhiều năm tới: “Chừng nào đất này còn chưa có đường kiểu xương cá khang trang vào từng thửa ruộng thì chừng đó dân làm ngựa tụi tui còn sống khỏe”. Ông cười khà khà rằng con ngựa cực mấy cũng không gầm rú, ôtô mà lún ở đồng thì gầm rú liên hồi, nhiều khi phải mượn ngựa kéo ra nữa.

Vườn rau bà Hoàng Minh Thông cách đường nhựa hơn 1km, chân người bước tới đâu để dấu tới đó. Vậy mà anh Trần Quang Thoại (30 tuổi) chất lên xe ngựa của mình gần 1 tấn bắp sú. Vừa chất hàng xong bánh xe lún, anh nhìn rồi cười: “Nhằm nhò gì nhiêu đây, con Hồng Bay kéo dữ lắm, tấn rưỡi kéo còn đi ào ào, nòi ngựa chiến mà”. Anh lên xe, giật mạnh cương. Con ngựa chồm lên. Lấy được đà con Hồng Bay kéo nguyên xe rau ào ào tới trước. Bánh xe sau sụp ổ gà, Hồng Bay khuỵu chân sau lấy thế rồi kéo mạnh, bánh xe nhích lên rồi trở lại vị trí cũ. Anh Thoại nhảy xuống xe, tay trái cầm cương, tay phải đẩy phụ. Được chủ giúp, con ngựa tung vó trước rồi kéo xe chạy ào ào. “Chẳng qua con Tía làm nũng, muốn mình xuống xe phụ nó. Cái tính loài ngựa nó vậy, lúc khó mà cứ giục là nó trở chứng, làm bộ kéo cật lực chứ thật ra chẳng kéo gì. Mình chỉ cần chung sức tí là nó vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ” - anh Thoại giải thích.

Trong lúc đẩy phụ xe ngựa, anh Thoại loay hoay để bánh xe cán vào ngón chân. Bẻ vội cọng rau quệt máu lấy lệ, anh nói: “Xà ích mà, ngựa mà trầy da mình cũng chảy máu. Bởi vậy, xà ích ở đây không điều khiển ngựa bằng roi, đánh nó hôm nay ngày mai nó trở chứng là mình mệt”. Nói rồi anh chạy vội theo con ngựa nãy giờ đang đi theo “chế độ tự động”, phía xa xa trên đường nhựa một chiếc xe tải của chủ vựa đã đợi sẵn. Ngựa vùng rau không nhàn rỗi như ngựa kiểng du lịch.

Từ sáng đến tối mịt những con ngựa thồ mang những cái tên đẫm màu chiến trận Phong Vân, Triển Chiêu, Xích Thố, Tiểu Lý… ra sức kéo, ra sức chạy. Sáng kéo rau trên những cánh đồng hơn 6.000ha, tối lại đến từng ngôi nhà nằm rải rác trên từng cánh đồng, khu chợ gom rác. Về xã Lạc Lâm, chiều chiều nghe ngựa khua vó bốn tiếng trước nhà thì chủ nhà biết tới lúc phải mang rác ra chất lên xe. Tiếng chuông leng keng hay điệu nhạc du dương của ôtô chở rác là âm thanh xa lạ.

eirxiRTW.jpg
Sau một ngày làm việc, xe ngựa đón nông dân rời đồng rau về nhà Ảnh: Mai Vinh
tRoTugXb.jpg
Ngựa thồ có mặt khắp đồng rau ở huyện Đơn Dương cho dù địa hình phức tạp - Ảnh: Mai Vinh

Ký ức chiến mã ruộng lầy

Ông Nguyễn Văn Khối theo gia đình từ tỉnh Hải Dương qua nhiều nơi rồi vào Đơn Dương năm 1958, khi đó ông 14 tuổi. Trong tiếng vó ngựa rầm rập chạy qua lại chợ Lạc Lâm, ông lần hồi kể lại ký ức gần như vẹn nguyên về những ngày đầu ông đến Đơn Dương. Ngựa có mặt ở khắp nơi, ông kể. Ngựa có mặt trong rất nhiều sinh hoạt. Sáng, người dân bản xứ chất rau thẳng lên lưng ngựa thồ đi bán chợ Liên Nghĩa, Fi Nôm (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Trưa, ông gắn bộ yên cương thong thả cưỡi ngựa về.

Theo ông và nhiều người lớn tuổi, cỗ xe thổ mộ được gắn vào lưng ngựa tại Đơn Dương đầu những năm 1960, khi người dân từ miền Trung di cư vào ngày càng nhiều. Có cỗ xe thổ mộ, ngựa thồ trở thành phương tiện vận chuyển thiết yếu ở đây. Vùng rau, lúa càng được mở rộng thì lượng ngựa thồ càng tăng lên.

Ông Khối kể những năm 1970, dọc đoạn quốc lộ 27 đi ngang qua huyện Đơn Dương dài khoảng 15km mà hằng ngày có khoảng 500 con ngựa di chuyển. Ngựa vượt đèo Dran hơn 10km chở hàng về Đà Lạt. Ngựa chở rau thẳng từ ruộng ra các chợ ở huyện Đức Trọng bán. Có ngựa trong nhà là có một gia sản lớn và nhờ ngựa nhiều người trở nên giàu có. Người dân thương ngựa như thương cánh tay, đôi chân của mình. Con ngựa nào cũng có tên, toàn tên đẹp của những chiến mã đã đi vào văn chương. Ông giải thích: “Đặt tên đẹp cho ngựa là cách xà ích bày tỏ tình cảm với ngựa, cái tên nhắc nhớ họ rằng ngựa là loài sinh ra sẵn máu tung hoành đường xa, trận mạc. Nay ngựa về quanh quẩn ruộng đồng coi như đã bị tước đi bản năng của loài vốn ưa chạy hơn đi”.

Ông Nguyễn Văn Hiển năm nay 52 tuổi, giải nghệ năm 2011 sau 30 năm gắn với nghề xà ích, khi các con ông đã học xong đại học và có việc làm ổn định. Ông bảo: “Đau lưng chịu không thấu, ngựa chở nặng thì mình vác nặng”. Cả đời xà ích vui buồn của ông gắn liền với con ngựa Thiên Kim lông trắng, lông bờm và lông đuôi mềm mượt như tóc người. Ông nuôi con Thiên Kim khi nó còn nhỏ và khi đủ sức kéo thì ông chính thức bước vào nghề xà ích. Ngay chuyến đi đầu tiên, con Thiên Kim đã cùng ông bước qua lằn ranh sinh tử và thể hiện sự gắn bó.

Đầu năm 1981, ông và ngựa Thiên Kim băng qua suối vào cánh đồng phía bên kia rừng Tu Tra chở cà chua. Lúc qua suối trời nắng chang chang, nước suối cạn. Vừa chất đầy cà chua lên xe ngựa thì trời đổ mưa ào ạt. Về đến suối thì nước đã dâng cao và chảy xiết. “Hồi đó trẻ, mới vô nghề nên háo thắng. Mình giục con Thiên Kim băng qua luôn” - ông kể. Đến giữa dòng, nước ngập ngang bụng con ngựa, cuốn lật cỗ xe đầy ắp cà chua và quăng ông xuống nước. Ông Hiển chỉ kịp nắm cương ngựa, vùng vẫy trong nước vì không biết bơi, giật dây cương liên hồi. “Nhịp cương bất thường, Thiên Kim hiểu được và phóng như bay về phía trước, kéo theo tôi và cỗ xe đã chổng bánh lên trời” - giọng ông không giấu sự hồi hộp như chuyện mới xảy ra hôm qua.

Thoát chết, ông Hiển nằm ngửa mặt lên trời bên bờ suối trách mình không biết lượng sức, nông nổi. Dưới ánh sáng nhờ nhờ, ông thấy con Thiên Kim cúi đầu, đôi mắt nhắm nghiền như tận hưởng sự bình yên ngay trong cơn dông gió, không có động tác tỏ vẻ báo công với chủ. Ông cười: “Có vẻ loài ngựa sinh ra có sẵn bản lĩnh để bước qua lằn ranh nguy hiểm”.

Sau một ngày khuân vác nặng nhọc, các xà ích thường tụ bảy tụ ba bên chén rượu. Lúc ông Hiển và những người người bạn nhâm nhi và kể chuyện phiếm thì Thiên Kim và những chú ngựa thồ nhẩn nhơ uống mật mía và ăn cỏ. Khi chủ nhân của những con ngựa ngà ngà say đổ mình lên cỗ xe thì con ngựa cất vó chạy nước kiệu. Không ai cầm cương lái nhưng ngựa vẫn về đến nhà. Ngựa tự biết đi đúng làn đường, né xe cộ và biết dừng lại khi ở ngã tư có xe cắt ngang. “Chế độ tự động” của ngựa là phần thưởng riêng cho những xà ích, nhờ đó họ có thể tận hưởng đến tận cùng chút nhàn nhã cuối ngày. Trong cơn say, nằm trên cỗ xe họ có thể ngủ và thường nghêu ngao năm ba câu hát theo tiếng lốc cốc nhịp nhàng.

Xà ích Đơn Dương hiếm khi bán con ngựa mình đang dùng, trừ khi họ giải nghệ. Nhưng khi bán ngựa, câu đầu tiên và câu cuối cùng nói với người mua thường có điệu năn nỉ: “Để nó thồ hàng, nó hết thồ nổi thì cho nó làm kiểng chụp hình với du khách, đừng có xẻ thịt. Nó chịu cực chịu khổ với tôi nhiều rồi, đừng làm nó đau thêm”. Người mua muốn dắt ngựa đi phải gật đầu, nói trớ đi một chút là chủ ngựa đòi lại ngay lập tức. Người mua trao tiền, dắt ngựa đi và số phận con ngựa khó biết trước sẽ như thế nào. Nhưng lời năn nỉ cuối cùng là cách mà xà ích vùng rau bày tỏ yêu thương lần cuối với “người bạn” đã cùng mình nuôi sống cả gia đình, thậm chí có nhà cửa khang trang.

Con Thiên Kim của ông Hiển đã chết vì quá già nhưng cỗ xe thổ mộ ông vẫn giữ dù không còn làm nghề. Ông không giấu sau nhà mà đặt trước cổng. Ông bảo mỗi sáng mở cửa, nhìn cỗ xe, nhìn những con ngựa chạy ngang nhà lại nhớ con Thiên Kim, nhớ thời trai trẻ vất vả nhưng đậm chất lãng tử cao nguyên.

Chuộng ngựa Lang Biang

Xà ích Đơn Dương chuộng nhất ngựa được người dân tộc Lạch nuôi ở chân núi Lang Biang (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ông Nguyễn Quốc Xuân, một xà ích gắn với nghề từ năm 1978, cho biết: “Giống ngựa sinh ra từ đất đó hiền, chịu kéo, chịu chạy do quen kiếm ăn trên đất dốc. Sống ở nơi không khí loãng nên từ trong máu đã biết cách giữ sức”.

Bằng kinh nghiệm, ông Xuân nói muốn biết con ngựa hiền thì nhìn bộ lông, đặc biệt là tóc đầu phải mềm mượt. Dân xứ rau không chuộng ngựa Phan Rang vì chạy nhanh nhưng lại kém bền, con nào kéo giỏi lại hung hăng, khác với ngựa vùng Lang Biang.

Ông Đặng Văn Công Tiến, một người huấn luyện và bán ngựa có tiếng tại Đà Lạt, cho rằng ngựa Lang Biang bản chất thì hiền nhưng do được người Lạch nuôi thả rông trong rừng nên khi mới đưa về rất chứng, quậy phá, sơ hở là chạy rông đi phá rau hoa, thậm chí đá gãy cỗ xe. Trước khi chuyển về Đơn Dương chở hàng phải huấn luyện kỹ.

Ông Đặng Văn Kề (82 tuổi), cha ông Tiến, làm nghề huấn luyện ngựa từ năm 1948. Ông kể từng làm huấn luyện ngựa chiến cho Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt của chế độ cũ trong bảy năm. Ông giải thích về nguồn gốc ngựa Lang Biang to khỏe ngày nay: “Ngựa Lang Biang ngày trước chân ngắn, xác nhỏ, chỉ cao hơn con lừa đôi chút, sức kéo yếu.

Trước năm 1945, một số công chức người Việt làm việc cho người Pháp tại Đà Lạt đã nhập từ nước ngoài một số giống ngựa có thân hình to lớn. Khi họ gửi cho người Lạch nuôi thì ngựa nhập đã lai với ngựa Lang Biang. Sau nhiều đời thì ngựa Lang Biang thay đổi hình dáng: đẹp hơn, to xác nhưng vẫn giữ được sự khéo léo, dai sức của ngựa vùng cao”.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên