11/04/2006 00:00 GMT+7

Vó ngựa miền Đơn Dương

NGUYỄN HÀNG TÌNH
NGUYỄN HÀNG TÌNH

TT - Tôi về miền Đơn Dương (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) và ngỡ ngàng khi thấy khắp thôn dã bỗng tràn ngập những con Truy Phong, Tuấn Linh, Triển Chiêu, Hiệp Lữ, Hải Hồ (ngựa luôn được đặt tên)...

fAYafBi8.jpgPhóng to

Xà ích Bùi Kiến Suy ở Lạc Lâm vật lộn cùng con ngựa để đưa rau từ ruộng lên đường quê - N.H.T

TT - Tôi về miền Đơn Dương (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) và ngỡ ngàng khi thấy khắp thôn dã bỗng tràn ngập những con Truy Phong, Tuấn Linh, Triển Chiêu, Hiệp Lữ, Hải Hồ (ngựa luôn được đặt tên)...

Ở xứ Đơn Dương này, bất cứ con đường làng nào dẫn ra đồng ruộng nằm trên lưu vực sông Đa Nhim đều là những con đường dành cho xe ngựa.

Hằng ngày xe ngựa luôn rập rình khua vang, từ mờ sáng đến tối mịt. Nghe đâu nơi này có không dưới 500 con ngựa kéo, cùng chừng ấy người đánh xe thổ mộ...

Ngựa về vùng rau

Nông dân nói với tôi rằng xe ngựa đã cứu cho vùng rau lớn nhất nước này (Đơn Dương có trên 5.500ha với trên 10.000 nông dân có mặt hằng ngày trên đồng rau). Nếu không có ngựa, vùng rau ở đây không thể hình thành (kể từ năm 1993 - giai đoạn dâu tằm rơi vào mạt hạng, nông dân ồ ạt quay sang cây rau), chẳng thể phát triển.

Ngựa là sức kéo duy nhất đủ sự khéo léo, điêu luyện, khôn ngoan và sự chịu đựng để có thể đưa rau ra khỏi đồng, xộc sâu vào ruộng thấp để chở, leo lên đồng cao để giải phóng rau, “chiến đấu” bền bỉ cho nông dân...

Thì ra sự bất lợi của một vùng đất, sự trần ai của đường sá lại là chỗ trú ngụ cuối cho những cỗ xe ngựa miền cao nguyên. Những chiến dịch truy quét xe ngựa (được xem là phương tiện giao thông cồng kềnh do thú vật kéo) của cảnh sát giao thông sở tại rồi cũng nhượng bộ cho ngựa, vì rau không tiêu thụ được thì nền kinh tế huyện Đơn Dương này tê liệt.

Ấy là dạo ngựa và cỗ xe thổ mộ bị vây ráp bắt bớ, giam giữ quyết liệt, rồi chính nông dân và giới thu mua rau đã nhất loạt phản đối đòi tự do cho xe ngựa, đòi đường ra cho nông sản.

Ra tay rước những con ngựa bị “thất sủng” ở Đà Lạt về miền Đơn Dương để cứu vùng rau là những người nông dân, số khác nữa là lao động trẻ từ Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An vào, những người từng gắn bó sâu nặng với ngựa từ Đà Lạt xuống...

Người có tiền thì tìm ngựa rồi mua thêm một cỗ xe (và được làm chủ, hằng ngày tự đi chở rau thuê), người không vốn liếng thì thuê ngựa lẫn xe. Tiếng vó trên những nẻo đường xứ rau Đơn Dương sao nghe nặng nề, chẳng thơ mộng như tiếng vó ngựa ở “thiên đường du lịch Đà Lạt”.

Ngựa ở đây không thảnh thơi, “làm chơi ăn thiệt” như ngựa ở các điểm du lịch chỉ để khách đứng dựa vào chụp ảnh, hoặc nhảy lên lưng ngồi, hay cưỡi một vòng dạo chơi quanh bờ hồ Xuân Hương...

Nguyễn Văn Long, một xà ích lâu năm ở vùng Diên Khánh, Khánh Hòa, nói rằng xứ Đơn Dương có lẽ là lãnh địa tự do, sôi động cuối cùng cho xe ngựa, và khi hay tin về xứ này anh lập tức phi ngựa lên kiếm sống.

“Tôi có lẽ là người của thời nào xưa cũ, bởi chẳng hiểu sao chỉ thích ngồi trên xe ngựa mà không hề có cảm xúc gì trước vôlăng xe hơi!”. Suốt 13 năm qua, Long thuê một căn nhà ván ẩm thấp ở thôn Lạc Lâm Làng, xã Lạc Lâm và ngày nào cũng đánh xe ngựa ra đồng. Từ đánh xe thổ mộ, Long đi đây đó trên cao nguyên, dưới duyên hải tìm ngựa đưa về đây bán, rồi trở lại với vui thú cầm cương và nghe tiếng vó ngựa tung rải trên đường.

Mỗi sáng Long cứ ngồi trên lưng ngựa kéo phía sau cỗ xe chạy tới chạy lui mãi cho đến khi có người kêu đi chở hàng. Cùng tình cảnh với Long là gã lãng tử Nguyễn Văn Cảnh đến từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Sau khi trải qua tám năm trời lang thang, làm đủ nghề, nay hằng ngày chọn đồng rau Nghĩa Lập II, thuộc thị trấn Thạnh Mỹ để đóng đô bên cỗ xe ngựa.

“Chẳng giấu gì ông, tôi đã đem thế chấp căn nhà ở quê (Thanh Hóa) để lấy tiền (10 triệu đồng) vào đây tậu ngựa và chiếc xe này!”. Anh chàng mơ giấc mơ “lạy trời, nhờ con ngựa này cho tôi bám được xứ này cho đến cuối đời, không lang thang nữa!”.

Bầm dập trên lưng ngựa

...Bỏ xe máy lại, tôi có những chuyến lắc lư điên đảo, bầm dập khi ngồi lên cỗ xe ngựa lam lũ cùng những người xà ích ra đồng rau bao la. Nguyễn Văn Phong, một dạo mọi người hay gọi “anh mập” nay đã gầy nhom, sau nhiều năm làm xà ích ở thôn Quỳnh Châu Đông, xã Lạc Lâm, trên chiếc xe ngựa kể tôi nghe về cảnh rày đây mai đó của anh theo những chuyến “ăn” hàng của chủ vựa rau.

Những chuyến đi xa, tối anh và ngựa không thể quay về mà ở lại vùng rau Đức Trọng suốt những ngày “ăn” hàng, đêm tối dựng lều hoặc tá túc nhờ nhà dân. “Chỉ thương con ngựa, với những chuyến giang hồ như thế, phải ở giữa trời giá lạnh, cỏ ăn thiếu thốn, mật đường khan hiếm...!”. Anh nói đối với dân thổ mộ, con ngựa không chỉ là tài sản mà còn là tri kỷ, “người yêu” nên thương lo cho nó vô cùng.

“Nhìn nó gắng kéo xe rau lên dốc, nước mắt rơm rớm mà mình quặn cả lòng!”. Các xà ích miền rau thương con ngựa, nhưng nếu ai chứng kiến cảnh làm lụng trong ngày của họ sẽ thương họ ngang bằng tình thương con ngựa.

Đấy là những cú lật xe lộn nhào cả rau lẫn ngựa trên đường gập ghềnh, những lần xì lốp xe giữa đồng, cảnh ngựa vấp đá văng mất móng sắt, rồi ngựa sa sình lầy, hay lúc ngựa không kéo nổi rau lên ruộng (là lúc người xà ích cũng cong lưng biến mình thành một con ngựa nữa trong cỗ xe)...

Bất cứ người đánh xe thổ mộ nào ở xứ này đều mắc bệnh cột sống. Có người ban ngày thấy dũng mãnh trên lưng ngựa, tối lại thấy đi châm cứu; có người sáng ra vừa đánh xe ngựa vừa mang theo thuốc đau lưng... Thế cho nên ở đây ít thấy ai còn làm xà ích ở tuổi ngoài 40. Nghe đâu người ta thường bắt đầu nghề xà ích từ tuổi 17 và khép lại ở tuổi 35, ai gắng kéo dài thì chắc chắn quá nghèo, quá cần miếng ăn.

Cái bệnh tất yếu phải dính này bắt đầu từ những cuộc vắt sức để mưu sinh của họ: vừa là người đánh xe ngựa chở rau, vừa là người bốc vác đưa rau lên xe. Chuyện các bác xà ích gồng mình vác cho được giỏ hành tây nặng 85kg, hay giỏ cà chua 105kg... chất lên xe ngựa (bình quân mỗi ngày họ tha về vựa 5-10 tấn như vậy), rồi cùng đưa lưng kéo lên dốc với ngựa là chuyện bình thường.

Những người xà ích kể tôi nghe về những đồng nghiệp của họ phải sụm lưng lăn ra ngay trên đồng rau Lạc Lâm, Lạc Xuân vì ráng vác giỏ rau quá nặng lên xe.

Ngựa và người bầm dập thế, lam lũ và cơ cực đến thế nhưng nghe đâu số lượng ngựa ở miền Đơn Dương vẫn ngày càng đông thêm. Hết trên xứ Đà Lạt người ta lại “bơi” về Bình Dương, Ninh Thuận, Tuy Hòa, An Khê... tìm ngựa đưa lên. Lão tướng xà ích 41 tuổi (với gần 20 năm đánh xe thổ mộ) Nguyễn Thanh Tú, ở làng Xuân Thượng, xã Lạc Lâm, tâm tình rằng cứ mỗi lần nghĩ đến cột sống là thấy hãi hùng...

Trong khi xà ích Nguyễn Đình Đại 16 tuổi lại phơi phới bảo: cứ ngồi trên xe ngựa lại thấy đời sống hào sảng, nhận ra mình “trai tráng” hơn, nên “có lẽ đến nước này khó mà bứt em ra khỏi dây cương cỗ xe ngựa...”.

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên