08/11/2022 15:58 GMT+7

Vinh danh 15 cá nhân, doanh nghiệp vì thúc đẩy bình đẳng giới

NGUYỄN HIỀN
NGUYỄN HIỀN

TTO - 15 cá nhân, doanh nghiệp đã được vinh danh tại lễ trao giải thưởng “Thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ” năm 2022 nhờ những thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng.

Vinh danh 15 cá nhân, doanh nghiệp vì thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 1.

Các cá nhân được vinh danh tại hạng mục "Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới" - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ngày 8-11, lễ trao giải thưởng "Thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ" (WEPs Awards) đã được Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Giải thưởng năm nay gồm sáu hạng mục: Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; Bình đẳng giới tại nơi làm việc; Bình đẳng giới tại thị trường; Bình đẳng giới thông qua tham gia cộng đồng và quan hệ đối tác; Lãnh đạo trẻ cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; Doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện bình đẳng giới.

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Elisa Fernandez Saenz - trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi tổ chức giải thưởng này đến năm nay nhằm ghi nhận những doanh nghiệp, lãnh đạo trong doanh nghiệp đã trở thành những người tiên phong trong xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn cụ thể trong doanh nghiệp của mình để thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp hoặc tạo cơ hội để phụ nữ và nam giới có được mức lương tương đương nhau, xây dựng các chính sách an toàn, không có quấy rối tình dục ở doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng có những đóng góp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng".

Là chủ doanh nghiệp với hơn 10.000 lao động, đồng thời cũng là người có nhiều đóng góp trong việc thực hiện bình đẳng giới đối với các trẻ em dân tộc thiểu số với dự án thiện nguyện cô Son, bà Nguyễn Trà My - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN - được trao giải thưởng "Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới".

"Tôi đã từng đi khắp các vùng sâu vùng xa, gặp rất nhiều chị em phụ nữ ở trên đó và nhận 50 em nhỏ mồ côi ở khắp các vùng miền làm con nuôi, trong đó chủ yếu là bé gái.

Tôi muốn các bé có đủ cái để ăn, không phải bỏ học bởi khi có tri thức rồi các bé hiểu được vai trò, vị trí của mình thì sẽ không bị thiệt thòi nữa, các bé cũng chính là người sẽ lan tỏa và giúp đỡ những người yếu thế hơn.

Khi tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, tôi luôn mong muốn một ngày nào đó xã hội có cái nhìn cởi mở hơn và mang đến cho người phụ nữ có cơ hội bình đẳng hơn", bà Trà My chia sẻ.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đã chia sẻ về những rào cản, thách thức mà các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp phải khi tiếp cận thị trường Việt Nam, và đưa ra các giải pháp để tạo cơ hội thị trường bình đẳng hơn cho phụ nữ bằng cách thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới.

Cuộc sống vô hình: Áp lực mẹ bỉm sữa và khát vọng bình đẳng giới Cuộc sống vô hình: Áp lực mẹ bỉm sữa và khát vọng bình đẳng giới

Phát sóng đến tập 27, Cuộc sống vô hình cuốn khán giả vào cuộc sống của cô gái Diệp Tiểu Bạch. Dù đã kết hôn nhưng tình yêu của cô và Quản Nhất Hạc tiếp tục bị thử thách khi phải đối mặt với những áp lực mang tên "working mom" - người mẹ công việc.

NGUYỄN HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên