30/11/2014 22:13 GMT+7

​Vĩnh biệt một “Kon Kinh Ba Na”

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Đồng bào Ba Na thương Lê Hữu Phong như con cháu và gọi anh là “Kon Kinh Ba Na” - nghĩa là người Kinh nhưng con của đồng bào Ba Na.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na Lê Hữu Phong (bìa phải) trong một lần về làng cuối năm 2013 - Ảnh: B.D.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na Lê Hữu Phong (bìa phải) trong một lần về làng cuối năm 2013 - Ảnh: B.D.

11g ngày 28-11, gia đình, bạn hữu và những người làm trong ngành văn hóa, giáo dục tại Gia Lai nhận tin buồn: anh Lê Hữu Phong - trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Mang Yang - đột ngột qua đời khi đang tham dự một lớp học được tổ chức tại TP Pleiku. 

Một “tài sản” quý của ngành văn hóa Tây nguyên đã về với Atâu Ba Na (ông bà tổ tiên) ở tuổi 49. Anh Lê Hữu Phong là người nghiên cứu văn hóa Ba Na có tiếng, cha đẻ của cuốn từ vựng tiếng Việt - Ba Na đầu tiên và nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc Ba Na có giá trị.

Lê Hữu Phong từng là một thầy giáo trước khi chuyển qua làm văn hóa. Anh mê Ba Na đến say đắm, có thể hòa tan vào làng như một công dân được sinh ra từ dòng máu Ba Na, có thể ngồi vào cuộc nhậu, nói chuyện bằng tiếng Ba Na, bốc cơm bằng tay, uống rượu bằng lá chuối đến say nghiêng ngả với buôn làng.

Cũng chính vì thế mà đồng bào Ba Na thương Phong như con cháu và gọi anh là “Kon Kinh Ba Na” - nghĩa là người Kinh nhưng con của đồng bào Ba Na. Anh là một trong những giáo viên đầu tiên đã mạnh dạn đề xuất đưa bộ môn cồng chiêng vào trường học, đưa những truyện cổ, sử thi, câu đối của dân tộc 

Ba Na vào trường phổ thông để truyền dạy cho học trò của mình biết tự hào về văn hóa bản địa. Những ý tưởng ấy, cho đến bây giờ đã được Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai ghi nhận và triển khai tại nhiều trường học.

Trưa 28-11, ngay khi vừa hay tin anh Lê Hữu Phong đột tử, ông Mai Xuân Vũ - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai - đầy nuối tiếc: “Phong là một người tốt - một nhà văn hóa trong sáng. Mới hôm qua đây thôi Phong còn gửi qua email rồi gọi điện nhờ mình đăng lên website của ngành loạt bài sưu tầm luật tục Ba Na để làm tư liệu”.

Nói như ông Vũ, yêu văn hóa Tây nguyên thì không ít người nhận, và người giỏi về lĩnh vực ấy cũng nhiều. Nhưng, yêu một cách trong sáng, thuần khiết để được bà con coi là “Kon Kinh Ba Na” như Lê Hữu Phong thì ít người có được vinh dự.

Lê Hữu Phong ra đi đã để lại nhiều công trình lớn cho ngành văn hóa của Tây nguyên, trong đó có những tài liệu quý như Từ vựng Việt - Ba Na dày gần 1.000 trang sách, cuốn Tài liệu tiếng Ba Na, Luật tục và lễ hội...

Vài năm nay ít khi thấy Lê Hữu Phong có mặt ở cơ quan, nhà riêng mà gần như thời gian rỗi đều lang thang ở làng, anh đang thực hiện dự định tập hợp các câu chuyện để xuất bản cuốn sách về chủ đề luật tục Ba Na. Nhưng dự định đó đã mãi dang dở...

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên