20/04/2019 09:44 GMT+7

Vinamilk sẽ kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam để bảo vệ thương hiệu?

TRẦN VŨ NGHI - VĨNH HÀ
TRẦN VŨ NGHI - VĨNH HÀ

TTO - Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sáng 19-4, bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - khẳng định sẽ có những biện pháp thích hợp khi đề cập vụ 'lùm xùm' liên quan đến chương trình sữa học đường.

Vinamilk sẽ kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam để bảo vệ thương hiệu? - Ảnh 1.

Một dây chuyền sản xuất sữa của Vinamilk - Ảnh: H.Y.

Dù doanh nghiệp khẳng định chất lượng sữa đảm bảo và đã tuân thủ các quy định do chương trình đặt ra, các chuyên gia cũng cho biết việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng là tốt cho sức khỏe học sinh nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng, khi có thông tin phản biện của một số báo.

Doanh nghiệp không phải là "bị bông"

"Quan điểm của Vinamilk là phản ánh đúng người, đúng sự việc. Trên cơ sở đó, Vinamilk sẽ có các biện pháp phù hợp để phản ánh đến từng cơ quan thích hợp nhằm xử lý vụ việc. 

Hiện những gì có dấu hiệu dân sự thì chúng tôi đưa ra tòa. Còn cái gì có biểu hiện vi phạm hình sự thì chúng tôi đưa qua cơ quan chức năng đề nghị xử lý" - bà Liên nhấn mạnh.

Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, bà Liên xác nhận sẽ tiến hành khởi kiện đối với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam theo đúng thủ tục dân sự. 

Theo bà Liên, khởi kiện ra tòa là cách làm văn minh trong xu thế phát triển bền vững hiện nay mà doanh nghiệp nên làm, để làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh tại VN, đồng thời "xử lý thích đáng hành vi truyền thông sai sự thật, gây phương hại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như làm hoang mang trong dư luận xã hội".

"Vinamilk là thương hiệu quốc gia. Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái "bị bông" để ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi cạnh tranh công bằng. Nếu ai cạnh tranh không công bằng thì người đó sẽ lãnh hậu quả. 

Chúng tôi không khơi dậy cuộc chiến, nhưng ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu của chúng tôi là không thể chấp nhận được" - bà Liên nói.

Trước đó, ngày 11-4, Vinamilk đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng khẳng định những sản phẩm do doanh nghiệp này cung cấp cho học sinh trong chương trình "Sữa tươi - Học đường" hoàn toàn phù hợp với yêu cầu chất lượng đã quy định, đồng thời cho biết sản phẩm của doanh nghiệp cung cấp 14 vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua nghiên cứu lâm sàng và có bằng chứng khoa học.

Cũng trong văn bản này, Vinamilk đề nghị Sở Giáo dục Hà Nội có văn bản báo cáo những bài viết của báo Giáo Dục Việt Nam liên quan đến vụ việc cho cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm có biện pháp xử lý theo quy định đối với "những thông tin có dấu hiệu sai sự thật, có tính chất gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh...".

Phản biện nhưng chưa tham khảo ý kiến chuyên môn?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề án sữa học đường được HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết từ ngày 5-7-2018, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng về chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. 

Đối tượng thụ hưởng chương trình sữa học đường ở Hà Nội là trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học, đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tự nguyện tham gia.

Theo kế hoạch, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50% với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.180 tỉ đồng. 

Trước lo ngại của phụ huynh học sinh về việc nhà trường bắt ép mua sữa và chất lượng sữa không đảm bảo, ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đây là chương trình tự nguyện, ngành GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia về tiêu chuẩn sữa.

Sau một thời gian mời thầu rộng rãi, ngày 10-10-2018, Sở GD-ĐT Hà Nội mở thầu chương trình sữa học đường và Vinamilk là đơn vị trúng thầu, với tỉ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23%, cao hơn so với mức mời thầu. 

Theo đó, đơn giá trúng thầu là 6.286 đồng/hộp sữa học đường (không bán thương mại ngoài thị trường) nhưng phụ huynh Hà Nội chỉ phải chi khoảng 2.954 đồng/hộp sữa.

Tuy nhiên, sau khi một tờ báo đặt nghi vấn rằng sữa học đường có tới 17 vi chất thay vì chỉ có 3 vi chất được bổ sung như quy định trong mời thầu, sữa có hạn sử dụng 8 tháng thay vì 6 tháng như các loại sữa khác trên thị trường, sản phẩm cung cấp cho học sinh không thực sự là sữa tươi khi bổ sung đến 17 vi chất..., một số phụ huynh cảm thấy lo lắng và ngừng cho con uống loại sữa này. 

Theo ông Phạm Xuân Tiến, đây là việc "đáng tiếc" vì thông tin từ một số bài báo phản biện nhưng không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, gây lo lắng không đáng có cho phụ huynh.

Không trái với quy định

Tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 16-4, ông Nguyễn Văn Nhiên - phó chánh thanh tra Bộ Y tế - cho biết khi tham gia đấu thầu, ngoài 3 vi chất như quy định, Vinamilk đề xuất bổ sung các vi chất khác có lợi cho phát triển của trẻ, không trái với ngưỡng định mức đã quy định và thực hiện đúng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, BS Trần Khánh Vân - phó trưởng khoa vi chất Viện Dinh dưỡng quốc gia - cũng cho rằng việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng đã được các nước thực hiện từ lâu.

Riêng tại VN, không chỉ sữa học đường mà hầu hết các sản phẩm sữa khác, các loại thực phẩm dinh dưỡng khác cũng đều có bổ sung các vitamin và khoáng chất.

'Vinamilk không phải là bị bông, không phải ai muốn nói gì thì nói'

TTO -"Ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu Việt là không thể chấp nhận được" - bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, nói như vậy khi đề cập đến việc "lùm xùm" liên quan chương trình sữa học đường Hà Nội.

TRẦN VŨ NGHI - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên