Trường Tắk Pổ được xây mới khang trang trên nền trường cũ, bao quanh là những hàng cau già - Ảnh: T.B.D.
Từ dưới chân núi nhìn lên, điểm trường từng bị mưa bão vùi dập ngày nào nay đã là một ngôi trường bê tông kiên cố được bao quanh là những ngọn cau và trảng cỏ may xanh mướt.
Không chỉ có trường mới, niềm ao ước lớn nhất của người dân và các thầy cô giáo ở Tắk Pổ cũng đã thành hiện thực khi con đường bê tông kết nối trung tâm xã đã thành hình.
Ngày vui chung
Cô giáo Trà Thị Thu - người từng phụ trách khối tiểu học điểm trường Tắk Pổ nhiều năm trước - nay đã về điểm trường khác. Thay cô Thu là cô giáo Trương Thị Hiền.
Để trọn vẹn cho ngày bàn giao công trình đặc biệt, mấy hôm nay cả cô Thu và cô Hiền phải chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị cho sự kiện lễ khánh thành điểm trường.
Việc xây mới điểm trường Tắk Pổ được nhiều người trông đợi bởi những câu chuyện đẹp của các cô trò dưới mái trường này. Nóc (làng) trưởng Hồ Văn Tiến nói rằng dù không được giao công việc gì nhưng ngày nào ông cũng hai ba lần coi ngó và mong ngóng ngày trường khánh thành là ngày vui chung ở rẻo cao này.
Sáng 24-12, nhiều hộ dân ở Tắk Pổ đã không lên nương rẫy, tập trung tới trường để xem lễ khánh thành.
Gần 30 nhà hảo tâm, lãnh đạo cộng đồng cựu sinh viên Học viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITAA-VN) từ Hà Nội, TP.HCM cũng đã vượt đường xa chứng kiến giây phút cắt băng khánh thành công trình đặc biệt.
Đúng 9h sáng, nghi thức cúng tạ công trình diễn ra chu đáo. Tấm bảng điểm trường Tắk Pổ được dỡ ra sau tấm băng.
Ngôi trường dù không bề thế nhưng đủ ấm cúng, kiên cố cho cô trò Tắk Pổ khi mùa mưa bão về. Trường được các kiến trúc sư thiết kế theo phong cách thân thiện, hòa vào bối cảnh đồi núi.
Khu học tập gồm ba căn phòng rộng rãi, mái lợp tôn, nền gạch men, tường xây bê tông cốt thép. Ngoài ra hai phòng ngủ cho hai cô giáo, hệ thống nhà vệ sinh khép kín, nhà ăn cùng nhiều khu chức năng khác được đầu tư kỹ lưỡng.
Thầy và trò tại nóc Tắk Pổ gặp nhau trong ngày khánh thành điểm trường mới - Ảnh: T.B.D.
Quá nhiều thử thách
Tắk Pổ có lẽ vẫn là điểm trường nằm heo hút trên đỉnh núi cao 800m ít người biết tới, nếu không có những hình ảnh về lễ khai giảng lay động lòng người của các em học sinh và hai cô giáo Trà Thị Thu, Ríah Uối được báo chí và mạng xã hội lan tỏa trong mùa tựu trường năm 2019.
Sau đó, cuối năm 2019, một nhóm các kiến trúc sư, đại diện AIT đã đón xe từ Đà Nẵng, vượt quãng đường hàng trăm cây số và mất nhiều giờ đi bộ lên núi để khảo sát, lên ý tưởng hình hài cho điểm trường Tắk Pổ.
Cuối năm 2020, viên đá đầu tiên đặt xuống nền đất Tắk Pổ gieo niềm hy vọng cho cô trò vùng cao sẽ có chỗ ăn ở, chỗ học mới vào cuối năm 2021.
Nhưng khi mới xây dựng được phần móng thì phải dừng lại vì dịch COVID-19 bùng phát và liên tục các đợt mưa lũ lịch sử càn quét các khối núi Ngọc Linh.
Ông Lê Thanh Hảo - cựu chủ tịch Cộng đồng AITAA-VN - kể rằng nguồn kinh phí xây trường Tắk Pổ đến từ khoản đóng góp của các cựu sinh viên - đa phần là các doanh nghiệp khắp cả nước.
"Nhưng chúng tôi hiểu rằng sau dịch ai cũng rất khó khăn nên nếu huy động thì thêm áp lực. Do đó tiến độ trường buộc phải lùi lại", ông Hảo nói. Phải đến cuối tháng 4-2021, trên nền công trình dang dở, ban giám hiệu Trường Trà Tập (quản lý điểm trường Tắk Pổ) với những lãnh đạo AITAA-VN bắt tay quyết tâm đưa công trình về đích "không thể thay đổi" trong năm 2022.
Ông Lê Thanh Quyền, tân chủ tịch AITAA-VN, lúc đó nói rằng dự án Tắk Pổ đã kéo dài quá lâu, không chỉ tạo sự hẫng hụt mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến việc dạy học. "Việc hoàn thành trường không chỉ là trách nhiệm mà là việc thực hiện một lời hứa, một cam kết của AITAA-VN đã đưa ra", ông Quyền nói.
Ngay sau chuyến lên Tắk Pổ giữa năm 2022, một cuộc vận động quyên góp cấp tốc được AIT phát động và chỉ mấy ngày sau, số tiền tiếp nhận đã gần 1 tỉ đồng. Có tiền, từng đoàn xe chở vật liệu cùng công nhân ùn ùn lên núi. Công trường sôi động trở lại, niềm hy vọng có trường mới dâng lên. Nhưng việc xây công trình trên núi cao lại tiếp tục gặp muôn vàn khó khăn.
Do đường quá chênh vênh, đơn vị thi công phải chở quá giang từng xe gạch, từng cuộn thép rồi chia nhỏ ra, huy động bà con địa phương cõng lên. Nhiều thời điểm mưa gió dầm dề khiến công trình đứt đoạn. Thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương gần như phải đóng vai một người thợ hồ, đốc thúc công nhân đẩy nhanh tiến độ.
Học sinh tại nóc Tắk Pổ đến lớp trong ngày khánh thành điểm trường mới - Ảnh: T.B.D.
Khép lại hành trình đẹp
Chứng kiến những khối phòng học tươm tất, khang trang đón học sinh non cao vào những ngày cận Tết, các thầy cô giáo ở xã Trà Tập và các nhà hảo tâm đều bùi ngùi. Ngày khánh thành điểm trường đã từng phải dời lại vì trường làm xong thì bị gió lốc giật hư hại.
Ông Lê Thanh Quyền nói rằng Tắk Pổ là món quà chung mà cộng đồng dành tặng cho các thầy cô giáo và học sinh vùng cao.
"Công trình hiện thực hóa sự chung tay, tình cảm của mọi người để tôn vinh cái đẹp. Từ Tắk Pổ, chúng tôi muốn lan tỏa và gieo đi những mầm yêu thương để động viên các thầy cô giáo vượt khó khăn, để có nhiều thêm những Tắk Pổ trên cả nước", ông Quyền nói.
Trường thiết kế gần gũi với không gian, xây trên nền cũ. Công trình gồm ba phòng học dành cho học sinh hai trường gồm Trường tiểu học bán trú xã Trà Tập và Trường mẫu giáo Phong Lan. Hệ thống các khu chức năng gồm nhà ăn, phòng ngủ cho giáo viên, khu vệ sinh, khu vui chơi, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước sạch...
Tổng diện tích đất khuôn viên trường khoảng 500m2, diện tích xây dựng 207m2. Kinh phí xây dựng trường Tắk Pổ hết gần 1,7 tỉ đồng, trong đó riêng AITAA-VN tài trợ hơn 1,1 tỉ đồng, phần còn lại từ ngân sách của huyện Nam Trà My và các nguồn khác.
Cô giáo Trường Trà Tập mặc áo ấm cho học sinh tại nóc Tắk Pổ trong ngày khánh thành - Ảnh: T.B.D.
Thầy Lê Huy Phương cho biết lứa học sinh của lễ khai giảng 2019 nhiều em cũng đã "tốt nghiệp" và xuống núi học điểm trường chính. Hiện tại điểm trường Tắk Pổ có tổng cộng 39 em, gồm 27 trẻ mẫu giáo và số còn lại là học sinh tiểu học. Cô giáo Trà Thị Thu cũng được phân đến điểm trường khác, cô Ríah Uối cũng đã về quê nhà ở Nam Giang dạy học.
Điểm trường Tắk Pổ giờ đây đã mang một hình hài khác, khang trang, sạch sẽ và tiện nghi hơn, các cô giáo mới cũng đã luân phiên lên Tắk Pổ dạy học thay người cũ. Các thầy cô giáo ở đây cho biết có hai thứ sẽ mãi được giữ lại, đó là hàng cau, trảng cỏ may bao quanh tô điểm cho ngôi trường và tình yêu trong trẻo với nghề dạy học.
Điểm trường Tắk Pổ thiết kế gần gũi với không gian, xây trên nền cũ. Công trình gồm ba phòng học dành cho học sinh hai trường gồm Trường tiểu học bán trú xã Trà Tập và Trường mẫu giáo Phong Lan. Hệ thống các khu chức năng gồm nhà ăn, phòng ngủ cho giáo viên, khu vệ sinh, khu vui chơi, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước sạch...
Tổng diện tích đất khuôn viên trường khoảng 500m2, diện tích xây dựng 207m2. Kinh phí xây dựng gần 1,7 tỉ đồng, trong đó riêng AITAA-VN tài trợ hơn 1,1 tỉ đồng, phần còn lại từ ngân sách của huyện Nam Trà My và các nguồn khác.
Cô giáo TRÀ THỊ THU:
Cái kết ngọt ngào
Sáng nay khi chứng kiến khoảnh khắc học sinh vào lớp trong căn phòng sạch sẽ, cao ráo, ấm áp tôi đã ngân ngấn nước mắt. Mừng vì từ nay cô trò sẽ không còn nơm nớp mỗi lần nghe tin đài báo mưa về, gió mùa ập tới.
Mừng vì sau bao gian khó và quãng thời gian quá dài để chờ đợi ngôi trường mới, có lúc ngỡ như sẽ mãi dang dở rồi cuối cùng mọi thứ cũng kết thúc trọn vẹn.
Có lẽ với Tắk Pổ, khó khăn luôn đến không phải chỉ thử thách sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm mà còn làm đẹp hơn cho cái kết ngọt ngào.
Tôi may mắn vì câu chuyện của mình và đồng nghiệp đã gắn với một phần của Tắk Pổ. Những ngày tháng thanh xuân, say mê nhất tuổi trẻ của tôi sẽ mãi ở lại trên ngôi trường non cao này.
Sau những ngày trông ngóng thì ngôi trường cũng đã hoàn thành trong niềm hạnh phúc vỡ òa, ấm áp. Mong đây là bước đệm để các con có thể vẽ nên ước mơ, một tương lai tươi sáng rạng ngời.
Qua đây bản thân tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến cộng đồng cựu sinh viên AITAA-VN đã cho các con một ngôi trường kiên cố, khang trang; cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã làm cầu nối đến các nhà hảo tâm trên cả nước để Tắk Pổ nhận được sự chia sẻ tinh thần, vật chất trong suốt thời gian qua, để các em có cuộc sống tốt hơn.
Thầy LÊ HUY PHƯƠNG:
Hành trình quá nhiều cảm xúc
Tắk Pổ là một trong 11 điểm trường nằm tách biệt của xã Trà Tập, trước khi AITAA-VN tài trợ cũng đã có một ngôi trường bán kiên cố được dựng lên. Khi làm trường mới, chúng tôi vừa mừng vừa lo, mừng là học sinh sẽ có trường mới nhưng lo việc thi công trong điều kiện khó khăn ở núi cao sẽ dễ làm nản lòng các bên.
Quá trình xây gặp nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể tiếp tục được, nhưng nhà trường vận động bà con, chính quyền và Phòng Giáo dục cũng tìm cách hỗ trợ nên công trình đã về tới đích trọn vẹn.
Quả thực quá trình xây trường Tắk Pổ tới hôm nay quá nhiều cảm xúc, chứng kiến ngôi trường ấm cúng, kiên cố chúng tôi rất xúc động. Từ nay cô trò Tắk Pổ sẽ có chỗ dạy, học ấm cúng, không còn nơm nớp khi mưa gió về.
Đây là thành quả, tấm lòng và công sức của nhà tài trợ, sự chung tay đồng hành của các cấp chính quyền và công sức khiêng vật liệu, cõng từng viên gạch của người dân tại chỗ.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG HOA (tổng thư ký AITAA-VN):
Nối dài hành trình đẹp từ núi cao
Từ những cảm xúc đẹp về lễ khai giảng trên điểm trường Tắk Pổ, cộng đồng AITAA-VN đã chung tay tài trợ một điểm trường mới với mong muốn nối dài hành trình đẹp từ núi cao.
Nhưng quả thật quá nhiều khó khăn, thử thách đến mà chúng tôi không hình dung hết được. Có thời điểm trường bị đình trệ khiến mọi người rất nóng lòng, rồi thiên tai, đại dịch COVID-19 ập đến.
Anh em cộng đồng AITAA-VN luôn động viên nhau phải cố gắng, bằng mọi cách xây bằng được điểm trường tặng thầy cô giáo ở Tắk Pổ. Ở miền xuôi xây được một công trình nếu khó quá thì cần số tiền lớn nhưng ở Tắk Pổ không chỉ cần tiền, cần sự quyết tâm mà còn cần cả sự ủng hộ của... ông trời.
Những tháng ngày xây trường là quãng thời gian chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Nhưng mọi khó khăn rồi cũng qua, khó khăn sẽ tô đậm thêm cho lòng quyết tâm và tình yêu mà AITAA-VN gửi đến cô trò Tắk Pổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận