28/09/2019 09:28 GMT+7

Việt Nam thúc đẩy chủ nghĩa đa phương tại Liên Hiệp Quốc

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bắt đầu các hoạt động nhân dịp dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp thứ 74 Đại hội đồng LHQ (UNGA) và Hội nghị ngoại trưởng ASEAN không chính thức tại New York từ ngày 26 đến 29-9.

Việt Nam thúc đẩy chủ nghĩa đa phương tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ David Hale - Ảnh: TTXVN

Tinh thần chú trọng chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế dự kiến được Phó thủ tướng truyền tải tại các hội nghị lần này.

Bước đệm cho trách nhiệm quốc tế

Kỳ họp UNGA năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới chứng kiến những diễn biến căng thẳng.

Nguy cơ xung đột hiển hiện rõ tại khu vực Trung Đông, nơi sự chú ý tập trung vào việc Mỹ và Saudi Arabia tố Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Riyadh.

Dư luận quốc tế cũng rất quan tâm tới căng thẳng giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và những chỉ trích liên quan tới vụ cháy rừng Amazon. Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới Trung Quốc cũng xuất hiện nổi bật ở những bản tin xung quanh những phiên thảo luận chính thức của UNGA.

Nói như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, thế giới đứng trước nguy cơ rạn nứt trong quan hệ quốc tế. Ông kêu gọi các nước nỗ lực ngăn chặn nguy cơ này, đồng thời duy trì một thế giới đa cực dựa trên các thể chế đa phương vững mạnh.

"Thế giới cần các thể chế đa phương hiệu quả và các mối quan hệ quốc tế cần dựa trên luật pháp quốc tế" - ông Guterres khẳng định.

Để giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp và căng thẳng, cam kết của các nước trong hội nhập và tôn trọng luật pháp quốc tế là điều cần thiết. Việt Nam trong khi đó đã và sẽ tiếp tục thể hiện nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc ngày 28-9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến trình bày chủ trương và đề xuất giải pháp của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao vai trò của các thể chế đa phương toàn cầu và khu vực trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế và giải quyết những thách thức chung.

Thúc đẩy lợi ích chiến lược

Sự cam kết của Việt Nam và những gì trình bày tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược của Việt Nam trong năm 2020, thời điểm Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an. Năm 2020 cũng là thời điểm Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN.

Với việc nắm vai trò quan trọng trong các thể chế đa phương, nhiệm vụ của Việt Nam cũng chính là nhấn mạnh sự cần thiết và nhu cầu tăng cường hiệu quả của các thể chế này trong mục tiêu giải quyết các thách thức toàn cầu, cũng như thể hiện được vị trí trung tâm của mình trong năm tới.

Theo vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, điều này rất có ý nghĩa trong việc góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, đồng thời bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược của đất nước.

Bản thân Việt Nam cũng có những lợi ích cần quan tâm khi chủ nghĩa đa phương được chú trọng. Đơn cử, việc thúc đẩy các cơ chế đa phương và sự tôn trọng dành cho luật pháp quốc tế sẽ đóng vai trò lớn trong mục tiêu bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, giữa bối cảnh Trung Quốc tiếp diễn những hành động hung hăng và phi pháp trên biển.

Các hoạt động song phương

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết ngày 26-9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bắt đầu chương trình làm việc tại Liên Hiệp Quốc bằng các hoạt động song phương gặp thủ tướng Uganda, thủ tướng St Vincent and the Grenadines, ngoại trưởng Algeria và thứ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Tại cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020, đồng thời đề nghị hai bên phối hợp tăng cường tiếp xúc và đối thoại, nhất là cấp cao, làm sâu sắc hơn và mở rộng khuôn khổ quan hệ thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng... cũng như tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Đáp lại, ông Hale khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo ông David Hale, Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Ông mong muốn Việt Nam và Mỹ tiếp tục duy trì tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương.

Tin giả, biến đổi khí hậu, Khashoggi

Kỳ họp thứ 74 của UNGA tại New York đã bước sang ngày họp thứ tư (27-9). Trong ngày 26-9 (giờ địa phương), đã có 20 quốc gia, trong đó có Pháp, Anh, Ấn Độ, Nam Phi, Canada... ký kết thỏa thuận tại Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn tin giả.

Cũng trong ngày họp này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi cộng đồng thế giới cùng nhau chống lại các nguy cơ chung như biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang. Ông Tusk lặp lại mong muốn châu Âu sẽ trở thành châu lục đầu tiên trung hòa carbon.

Bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Iraq Barham Saleh cũng đã gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hai nhà lãnh đạo đã cùng đánh giá lại quan hệ song phương và sự cần thiết củng cố, phát triển quan hệ đó.

Ở một diễn biến khác, ngày 26-9, bà Hatice Cengiz - vợ sắp cưới của nhà báo Saudi Arabia bị sát hại Jamal Khashoggi - cũng đã có mặt tại New York cùng báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Agnes Callamard (người điều tra về cái chết của ông Khashoggi) để đòi công lý cho ông. Ngày 2-10 là thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày ông Khashoggi bị giết. Bà Hatice Cengiz cho rằng tới nay vẫn chưa có "hành động cụ thể" để xác minh và truy tố những kẻ đã giết hôn phu của bà.

D.KIM THOA

Tâm điểm Iran ở Liên Hiệp Quốc Tâm điểm Iran ở Liên Hiệp Quốc

TTO - Vấn đề Iran dự kiến là tâm điểm tại kỳ họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 74 (UNGA) từ ngày 24 đến 30-9 ở New York (Mỹ), với kỳ vọng vào một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Tehran và các cường quốc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên