03/10/2019 18:16 GMT+7

Việt Nam sẽ nêu tình hình Biển Đông trong đối thoại an ninh với Ấn Độ

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết Việt Nam sẽ đề cập tới tình hình Biển Đông, trong đó có việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, trong cuộc đối thoại an ninh thường niên với Ấn Độ vào tháng này.

Việt Nam sẽ nêu tình hình Biển Đông trong đối thoại an ninh với Ấn Độ - Ảnh 1.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn nhật báo Hindustan Times của Ấn Độ - Ảnh chụp màn hình

Ngày 3-10, nhật báo Hindustan Times của Ấn Độ đăng đoạn video phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, trong đó đề cập việc ưu tiên của Việt Nam trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và sự hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng tới thương mại.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về những quan ngại liên quan tới hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết từ tháng 7, các tàu Trung Quốc đã 4 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, với khoảng 28 tàu.

Vụ xâm phạm mới nhất bắt đầu vào ngày 30-9 và vẫn đang tiếp tục, dù Việt Nam đã 40 lần trình bày vấn đề này với Trung Quốc qua các kênh ngoại giao kể từ vụ xâm phạm đầu tiên cách đây 3 tháng.

"Chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng họ không nên xâm phạm vùng biển của Việt Nam và cần rút tất cả tàu về càng sớm càng tốt" - đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết.

Ông Châu cho biết trong cuộc đối thoại an ninh thường niên với Ấn Độ dự kiến tổ chức ở TP.HCM trong tháng này, Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông.

"Chúng tôi hi vọng có thể trình bày không chỉ về an ninh của hai nước mà cả các vấn đề liên quan đến toàn khu vực. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nêu tình hình hiện tại ở Biển Đông trong cuộc đối thoại" - đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết.

Ấn Độ là một trong ba quốc gia Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tháng 8-2019, Ấn Độ cho biết nước này có "lợi ích không thay đổi" trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực. Đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Ngày 3-10, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn lời các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp (mà) luật pháp quốc tế cho phép" - bà Hằng nêu rõ.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa vấn đề Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa vấn đề Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc

TTO - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi những bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và đề cập tới các 'vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam'.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên