01/09/2022 09:36 GMT+7

Việt Nam sẽ lọt top các nước có thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới vào 2040?

BẢO NGỌC - TIẾN LONG ghi
BẢO NGỌC - TIẾN LONG ghi

TTO - Với kinh tế tăng trưởng ấn tượng những năm qua, Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp chuyển thành nước có thu nhập trung bình thấp và đang dần chuyển mình thành nước có thu nhập trung bình cao, thu nhập cao trên thế giới.

Việt Nam sẽ lọt top các nước có thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới vào 2040? - Ảnh 1.

Ảnh: T.T.D.

Nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2-9 (1945 - 2022), Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá về tăng trưởng kinh tế thời gian qua, làm sao để người dân và doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả tăng trưởng. 

Đồng thời trả lời câu hỏi: Trong ba năm tới, đến năm 2025 kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, đất nước sẽ phát triển ra sao? Và nhìn xa hơn, Việt Nam cần làm gì để khi tròn 100 năm lập quốc sẽ thành quốc gia phát triển?

TS Võ Trí Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh):

Tốc độ cải cách sẽ quyết định thịnh vượng

Khát vọng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - gắn với những kịch bản khác nhau, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, gắn với quá trình phát triển của Việt Nam trong nhiều chục năm lại đây.

Đằng sau những mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển 10 năm tới có không ít nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam nên làm gì để đạt đến thịnh vượng. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu (tự cường), tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập hiệu quả.

Vấn đề đặt ra trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới là rủi ro, bất định từ các cú sốc lớn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch COVID-19, sự giành giật địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự và tài chính, biến đổi khí hậu. Bối cảnh toàn cầu đòi hỏi phải vừa ổn định vĩ mô và vượt qua các cú sốc.

Chúng ta có khát vọng mạnh mẽ để đưa đất nước đến một giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, hướng tới sự thịnh vượng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu cụ thể, những bài toán cải cách, nhưng trước mắt có không ít trở ngại từ bên ngoài nhưng quan trọng nhất vẫn là từ trong nước.

Khát vọng với mục tiêu đề ra là có tham vọng, nhưng không phải không thể đạt được. Rào cản lớn nhất hiện nay là dám làm. Nói cách khác, tốc độ thực thi các chính sách cải cách không chỉ là nắm bắt, đề ra được những bài toán, lời giải thích đáng mà nằm ở thực thi chính sách.

Hơn nữa, trong một thế giới diễn biến rất nhanh của kỷ nguyên số, những đột phá phát triển mới bao giờ cũng gắn với rủi ro. Nếu chúng ta không dám làm, dám "chơi" thì rất khó thúc đẩy cải cách, đi tới sự phát triển, thịnh vượng như mong muốn đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Và mục tiêu vẫn có thể đạt được nhưng không phải là 25 năm tới mà kéo dài tới 30 - 40 năm tới.

Ông Đinh Tuấn Minh (giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế, xã hội - MASSEI):

Tiềm năng tăng trưởng dài hạn nằm ở khu vực tư nhân

Chúng ta có thể đột phá để đi đến thịnh vượng như mục tiêu đã đề ra, nhưng cần tạo nền tảng ổn định trước khi nghĩ đến bứt phá. Để đạt được tăng trưởng dài hạn hằng năm 7 - 7,5% thì mức tăng trưởng tiềm năng nền kinh tế phải được cải thiện nhờ giải quyết tốt hai vấn đề.

Đó là bồi đắp được nội lực để tạo tăng trưởng tiềm năng thông qua thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp khởi tạo (khởi nghiệp, sáng tạo) phát triển. Vấn đề thứ hai mang tính ngắn hạn, trước mắt là giữ ổn định vĩ mô để nâng đỡ và không làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao, nảy sinh những vấn đề về dịch chuyển dòng vốn, lao động. 

Nên đòi hỏi phải xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển dòng vốn, lao động từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Nếu không làm được thì đến giai đoạn nào đó doanh nghiệp bị bó hẹp ở không gian trong nước, không mở rộng được ra nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển bền vững doanh nghiệp.

Việt Nam sẽ lọt top các nước có thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới vào 2040? - Ảnh 2.

Người dân vui chơi thụ hưởng cảnh quang yên bình ở Bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Nguyễn Quốc Việt (phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Kinh tế đối ngoại dẫn dắt tăng trưởng

Theo Fitch Ratings, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn FDI vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch quốc tế đang dần nối lại từ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sáu tháng năm 2022 đạt 371,1 tỉ USD, tăng 16,4%, cho thấy sự phục hồi kinh tế ấn tượng.

Tuy kinh tế đối ngoại có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng. Đó là sự đóng góp của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế. Khối doanh nghiệp FDI vẫn là lực lượng xuất khẩu hàng hóa chủ yếu, đóng góp hơn 70% kết quả xuất khẩu.

Lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế nói chung vẫn dựa trên lợi thế về giá cả nhờ các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế và lợi thế giá nhân công trong lĩnh vực sản xuất gia công, lắp ráp duy trì ở mức thấp, chứ chưa dựa vào nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước.

Vì vậy, nhìn nhận lại động lực tăng trưởng từ bên trong sẽ giúp cải thiện năng lực của Việt Nam nhằm chống đỡ các cú sốc, rủi ro kinh tế toàn cầu đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng, gây bất ổn an ninh, chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam sẽ lọt top các nước có thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới vào 2040? - Ảnh 3.

Nhiều du khách trải nghiệm đi thuyền dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về đêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

PGS.TS Phạm Thế Anh (trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân):

Tập trung cho nông nghiệp công nghệ cao, du lịch

Đài Loan rất thành công khi xây dựng năng lực cạnh tranh của vùng lãnh thổ này dựa trên công nghệ sản xuất chip điện tử để cung ứng cho toàn cầu. Để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược ngay từ bây giờ để tập trung, dành nguồn lực cho ngành nghề chiến lược, kiên trì theo đuổi để 10 - 20 năm tạo năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việt Nam vẫn cần tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nên để tư nhân làm chứ Nhà nước làm sẽ không phù hợp. Điều Nhà nước cần làm là "cởi trói" cho các thị trường này, có chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Nhà nước không thể làm thay thị trường được. Để phát triển được cũng cần những doanh nghiệp đủ lớn như VinFast đang làm ôtô điện, FPT đang phát triển phần mềm, THACO đang sản xuất - lắp ráp ôtô... 

Họ có thể tiếp cận được công nghệ mới, nhưng chúng ta là nước đi sau về khoa học công nghệ nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.

Vì vậy, nên tập trung vào lĩnh vực truyền thống nhiều hơn như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch để tạo năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là hai lĩnh vực chúng ta có thể làm tốt hơn nếu có chiến lược phát triển bài bản, dành nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy phát triển.

Việt Nam sẽ lọt top các nước có thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới vào 2040? - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Hệ thống pháp luật là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Để thực hiện chiến lược phát triển đất nước nói chung phải thực hiện tốt chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam. 

Hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rộng với thế giới. Có thể thấy luật pháp nhiều quốc gia trên thế giới rất hoàn thiện, rõ ràng, rành mạch, nghiêm minh. Trong khi tại diễn đàn Quốc hội và các diễn đàn khác, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay. 

Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường cho tiêu cực, nhũng nhiễu mà còn tạo trở lực lớn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Chính vì vậy những năm tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xuất phát trước hết từ việc rà soát, điều chỉnh, loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái với thông lệ quốc tế... là điều hết sức quan trọng.

PGS.TS ĐInh Trọng Thịnh:

Đẩy mạnh đầu tư công, giao thông cao tốc

Trong vòng ba năm nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 80 năm thành lập nước, một dấu mốc rất quan trọng. Đây cũng là lúc chúng ta kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian không còn nhiều, nhưng việc còn nhiều, do đó chúng ta chỉ nên chọn những việc cơ bản để tạo ra các bước mang tính đột phá cho nền sản xuất nói riêng và kinh tế nói chung. Vừa đảm bảo hiệu quả, thực tiễn và khả năng đáp ứng của công nghệ, tài chính.

Trong đó cần tập trung hoàn thành các kế hoạch Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho giai đoạn trung hạn 2021 - 2025. Từ đó, tạo ra cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tốt nhất cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển.

Việc này tạo nền móng phát triển cho các giai đoạn sau, nhưng đồng thời cũng tạo nên kết quả có thể thay đổi bộ mặt của đất nước. Đặc biệt chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư công, trong đó có các dự án, công trình giao thông cao tốc, vành đai quan trọng trên cả nước.

Chúng ta cũng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo các cơ sở pháp lý cho các hoạt động trong nền kinh tế quốc dân, từ đó đưa hoạt động kinh tế, xã hội vào nề nếp, tuân thủ luật pháp.

Trên cơ sở đó mới có thể đảm bảo được tính phát triển lâu dài, bền vững, tránh được hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Số hóa vừa tạo ra cơ sở chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Qua đó đơn giản nhất các thủ tục và cũng đảm bảo phủ sóng tất cả các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đến tất cả tầng lớp dân cư, doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất, chi phí ít nhất. Rõ ràng đây là việc người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước rất chờ đợi, mong muốn có sự thay đổi đột phá.

Bí thư Hà Nội: Kinh tế thủ đô tăng trưởng ấn tượng, nhưng khó khăn kiểm soát lạm phát Bí thư Hà Nội: Kinh tế thủ đô tăng trưởng ấn tượng, nhưng khó khăn kiểm soát lạm phát

TTO - Sáng 5-7, HĐND TP Hà Nội đã khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa XVI để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

BẢO NGỌC - TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên